Sign In

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 - Giá trị lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

  10:52 31/08/2024
(HCMA3) - Cách đây 79 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt cho toàn thể quốc dân đồng bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á; đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Bản hùng ca bất hủ đó chính là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đồng thời để lại ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


1. Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn độc lập

Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền độc lập, tự do và quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn nội dung bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 để khẳng định quyền độc lập, tự do của chính dân tộc mình. Tuy nhiên, nét độc đáo trong Tuyên ngôn độc lập chính là sự gắn bó chặt chẽ giữa quyền con người và quyền dân tộc. Từ chỗ khẳng định quyền cơ bản của con người “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1] như một lẽ “không ai có thể chối cãi được”, Hồ Chí minh đã “suy rộng ra” để nâng lên tầm cao mới thành quyền của dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2]. Từ việc đề cập quyền con người như một tất yếu của tạo hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo phát triển sáng tạo thành quyền dân tộc. Vì vậy, đối với dân tộc Việt Nam, “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít Nhật mấy năm nay, dân tộc đó có phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[3]Từ đó, Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”[4]; để giữ vững nền độc lập ấy, “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy”[5].

 

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu

Thứ hai, Bản Tuyên ngôn độc lập là cơ sở pháp lý quan trọng đối với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Nếu như Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, những bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định nền độc lập tự chủ và quyết tâm bảo vệ nền độc lập; thì với Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Hồ Chí Minh, trên cơ sở tố cáo, vạch trần bản chất cướp nước, vô nhân đạo của thực dân Pháp, Tuyên ngôn khẳng định việc giành lại quyền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam sau khi đánh đổ ách ngoại xâm và tuyên bố thoát ly khỏi chế độ thực dân, từ bỏ chế độ quân chủ phong kiến, lập nên một chế độ xã hội mới mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Đó là chế độ Dân chủ cộng hòa. 

Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”[6]. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chủ phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, bản Tuyên ngôn là một cơ sở pháp lý vững chắc cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền để lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, Tuyên ngôn độc lập là “một văn bản pháp lý rất hiện đại, phù hợp với tập quán chính trị của nhiều quốc gia”[7]

Thứ ba, Bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới. Nó đã khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì Độc lập, tự do; thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tuyên ngôn độc lập chính là tiếng chuông báo hiệu thời đại sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trước dòng thác cách mạng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, từ đó khích lệ nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc.

Thứ tư, Bản Tuyên ngôn độc lập là minh chứng cho một sách lược mềm dẻo, linh hoạt về đối ngoại, tinh thần nhân văn cao cả, tính hòa hiếu của một dân tộc “muốn là bạn với các nước”. Đây là cột mốc đánh dấu lịch sử dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, thể hiện khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do vẫn trường tồn cùng lịch sử, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

 

Nội dung bản Tuyên ngôn độc lập

2. Tuyên ngôn độc lập với công cuộc đổi mới hiện nay

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám với sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập đã tạo ra thế và lực mới để cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là: Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách đan xen: Cục diện thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế... Ở trong nước, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Đặc biệt, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp…

Trước tình hình đó, để sự nghiệp đổi mới đi đến thắng lợi, thiết nghĩ cần quán triệt và kế thừa tư tưởng trong bản Tuyên ngôn độc lập trên một số nội dung sau đây:

Một là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định một cách chính thức và mạnh mẽ về chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Văn kiện này là lời tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, không còn phụ thuộc vào bất kỳ thế lực ngoại bang nào. Trong bối cảnh hiện nay, khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn luôn đối diện với những thách thức từ bên ngoài, Tuyên ngôn độc lập vẫn là cơ sở pháp lý và tinh thần để bảo vệ chủ quyền quốc giaTheo đó, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ theo tư tưởng trong Tuyên ngôn đòi hỏi chúng ta phải tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Để làm được điều đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Hai là, tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuyên ngôn độc lập không chỉ là lời khẳng định chủ quyền mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và đoàn kết toàn dân. Tinh thần này đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều thách thức trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc là yếu tố then chốt để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới. Theo đó, cần quy tụ hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo, để khơi dậy ý chí, khát vọng của dân tộc, ra sức phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời để củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để tạo thành khối đoàn kết thống nhất. Điều này không chỉ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức trong nước và quốc tế, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. 

Ba là, chú trọng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng, gắn với kiên quyết, kiên trì chống lại hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Quá trình đó phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân; trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt.

Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường nội lực, tranh thủ ngoại lực để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới trên tất các các lĩnh vực; nhất là tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước trên cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ hiện đại, sản suất hàng hóa nội địa có chất lượng cao, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bằng chính khả năng của đất nước. Qua đó, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng và tính độc lập, tự chủ cao. Từ đó, tạo tiềm lực quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống cho nhân dân. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ; đồng thời, kiên định, sáng tạo xử lý, đấu tranh bảo vệ các lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, nhằm giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.

79 năm đã trôi qua, đất nước có nhiều đổi thay và đang có những bước tiến mạnh mẽ trên con đường phát triển, những giá trị của Tuyên ngôn độc lập vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng và kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới. Việc tiếp tục phát huy các giá trị của Tuyên ngôn độc lập sẽ giúp Việt Nam vượt qua mọi thử thách, vững vàng tiến bước trên con đường phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Ban Biên tập Cổng TTĐT

(ThS Đào Xuân Kỳ thực hiện)


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.1.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.1.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.3.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.3.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.3.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.3.

[7] Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và ý nghĩa thời đại, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010, tr.2009.

Tag:

Tổng biên tập

Alternate Text

  • Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng

  • Email:

  • Liên hệ: 02363.831.174