(HCMA3) - Thực hiện nhiệm vụ khoa học năm 2025, sáng ngày 01/7/2025, Khoa Nhà nước và Pháp luật tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Vận dụng Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân (Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ) trong giảng dạy và học tập môn Nhà nước và Pháp luật”. TS Nguyễn Thị Linh Giang, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật chủ trì Toạ đàm.
Tham dự Tọa đàm, có các đồng chí Phó Giám đốc Học viện: PGS,TS Lê Văn Đính, PGS,TS Nguyễn Ngọc Hoà, TS Nguyễn Dũng Anh; đại diện Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; toàn thể giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật.

TS Nguyễn Thị Linh Giang, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật chủ trì Tọa đàm
Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030, với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Qua mục tiêu của Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” cho thấy, Đề án có tính cấp thiết và có thể vận dụng hiệu quả trong giảng dạy các chuyên đề của môn Nhà nước và Pháp luật, thuộc chương trình Cao cấp lý luận chính trị mà Khoa Nhà nước và Pháp luật đang được phân công.

Đại biểu tham dự Toạ đàm trình bày báo cáo tham luận
Tại buổi Tọa đàm, có 07 báo cáo tham luận được trình bày, với nhiều nội dung mang tính lý luận và thực tiễn được phân tích, trao đổi, thảo luận sôi nổi, vừa bảo đảm bám sát chủ đề Tọa đàm, vừa hướng đến vận dụng hiệu quả vào nội dung các bài giảng của môn Nhà nước và pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Toạ đàm cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến nhằm so sánh, nhận diện sự trùng lặp nội dung giữa các bài giảng và rút ra những kinh nghiệm có giá trị.
Phát biểu tổng kết Toạ đàm, TS Nguyễn Thị Linh Giang cho rằng, kết quả của tọa đàm không chỉ dừng lại ở việc trao đổi để hiểu và nắm rõ hơn các nội dung được các báo cáo tham luận đề cập mà còn gợi mở nhiều vấn đề trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn để mỗi giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật có thể linh hoạt vận dụng vào nội dung bài giảng, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm chụp ảnh lưu niệm
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Thực hiện: Nhật Thuận, Khoa Nhà nước và Pháp luật)
Tổng biên tập