Sign In

Báo chí với sứ mệnh lan tỏa sự thật, bảo vệ lẽ phải, định hướng dư luận xã hội

11:57 21/06/2025

Chọn cỡ chữ A a    

(HCMA3) - Hiện nay, thông tin thường lan truyền với tốc độ không giới hạn cả về không gian và thời gian. Công chúng có thể tiếp cận nguồn tin từ mọi nơi, mọi lúc, với đủ góc nhìn và quan điểm. Tuy nhiên, sự “tự do” ấy cũng kéo theo mặt trái: nhiễu loạn thông tin, bùng phát tin giả, ý kiến cực đoan và thiếu kiểm chứng... Trong bối cảnh đó, báo chí không chỉ là kênh truyền tải thông tin, mà còn là lực lượng giữ vai trò đặc biệt: làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ điều đúng, phản bác cái sai và góp phần định hướng tư duy, hành vi xã hội theo chiều hướng tích cực.


1. Sứ mệnh cốt lõi của báo chí trong đời sống xã hội

Báo chí không chỉ đơn thuần là một phương tiện truyền tải thông tin, mà còn là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành và điều chỉnh nhận thức, hành vi xã hội. Là sản phẩm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, báo chí giữ vai trò phản ánh hiện thực khách quan, đồng thời là công cụ quan trọng định hình dư luận, dẫn dắt nhận thức cộng đồng. Ở Việt Nam, báo chí cách mạng từ khi ra đời đến nay luôn giữ vững sứ mệnh cao cả: là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là “vũ khí” sắc bén trong cuộc đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lan tỏa sự thật và định hướng dư luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”[1]. Lời dạy của Người tiếp tục được kế thừa và phát triển trong thời đại ngày nay - khi báo chí phải vừa đảm bảo tính chiến đấu, vừa bảo vệ cái đúng, cái tốt đẹp, vừa phản bác cái sai, cái tiêu cực một cách kịp thời và sắc sảo.

2. Lan tỏa sự thật - Trọng trách hàng đầu của báo chí chân chính

Sự thật là nền móng của lòng tin. Trong một xã hội dân chủ và pháp quyền, việc công chúng được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, minh bạch và khách quan chính là thước đo chất lượng quản trị xã hội. Báo chí, với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, có trách nhiệm phản ánh trung thực hiện thực, không bóp méo, không tô hồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, cho nên người làm báo phải luôn viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu? Ngày, tháng, năm nào... Nếu chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chớ nói, chớ viết”[2]. Đây không chỉ là lời dạy, mà còn là nguyên tắc đạo đức cốt lõi của nghề báo cách mạng Việt Nam suốt một thế kỷ qua.

Trong thời đại số hiện nay, thông tin lan truyền với tốc độ chưa từng có. Sự bùng nổ của mạng xã hội cùng những hệ lụy từ mặt trái của kinh tế thị trường, đang đặt ra những thách thức chưa từng có cho hoạt động báo chí. Tin giả (fake news), thông tin sai lệch (misinformation) cùng những nội dung xuyên tạc... có thể làm nhiễu loạn nhận thức, gây hoang mang và xói mòn niềm tin xã hội. Không ít cơ quan báo chí, phóng viên đã sa vào “vùng tối” của lối làm báo giật gân, câu view, dẫn tới sai phạm, bị xử phạt, thậm chí xử lý hình sự vì đưa tin sai sự thật… Trong bối cảnh ấy, báo chí chính thống cần giữ vững vị thế là nơi kiểm chứng, chọn lọc và lan tỏa sự thật - bằng bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức báo chí và lòng trung thực. Sự thật không chỉ là thông tin đúng, mà còn là nền tảng của niềm tin xã hội.

Như mọi hoạt động xã hội khác, báo chí phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng cộng đồng, tôn trọng sự thật. Để thực hiện tốt sứ mệnh ấy, người làm báo cần có nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm cẩn trong tiếp cận, xác minh, xử lý thông tin. Họ phải dấn thân vào thực tiễn, vận dụng nhãn quan nghề nghiệp, kỹ năng và kinh nghiệm để thẩm định, gạn lọc – từ đó đưa đến công chúng những thông tin chính xác, bản chất và trung thực nhất. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin, người làm báo cần bản lĩnh vững vàng, không khuất phục trước áp lực kinh tế hay cám dỗ từ lượng “like - share”, mà phải kiên định với sự thật khách quan - như một lẽ sống của nghề báo cách mạng.

 

3. Bảo vệ lẽ phải - Bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của báo chí

Báo chí cách mạng không chỉ là kênh thông tin đơn thuần, mà còn là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với cái sai. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch và phản động gia tăng hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng thì báo chí càng cần giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy vai trò là “lá chắn mềm” trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Bảo vệ lẽ phải không chỉ là hành động theo đúng đạo đức và chuẩn mực xã hội, mà còn đòi hỏi sự nhận thức và tự kiểm soát để tránh và biết từ chối những hành động sai trái. Đấu tranh cho cái đúng, bảo vệ sự thật, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch… là biểu hiện của bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của người làm báo cách mạng. Bản lĩnh ấy không chỉ thể hiện qua việc không né tránh những vấn đề gai góc, mà còn ở khả năng nhận diện đúng – sai, thật – giả trong dòng chảy thông tin đa chiều hiện nay.

Sứ mệnh bảo vệ lẽ phải của báo chí không chỉ dừng lại ở việc phản bác quan điểm sai trái, mà còn ở nhiều mặt khác như công tác điều tra chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò phản biện chính sách; bảo vệ tiếng nói của những nhóm yếu thế trong xã hội… Khi báo chí lên tiếng cho công lý, cho sự công bằng, cho quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người, thì lẽ phải mà nó bảo vệ trở nên cụ thể, gần gũi và chân thực hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, bảo vệ lẽ phải không đánh đồng với sự tùy tiện, quy chụp hay thiếu kiểm chứng. Chính vì vậy, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần thượng tôn pháp luật là ba yêu cầu không thể thiếu. Báo chí cách mạng không phải là nơi tạo dư luận để gây áp lực phi lý mà là nơi phát hiện, cảnh tỉnh, thúc đẩy xử lý sai phạm theo đúng quy trình, đúng pháp luật - đúng lẽ phải. Đôi khi, bảo vệ sự thật, bảo vệ chính nghĩa đồng nghĩa với đối mặt với áp lực, thậm chí là hiểm nguy. Chính vì vậy, người làm báo cách mạng phải có dũng khí chính trị, có tri thức lý luận vững vàng, có tầm nhìn chiến lược để không rơi vào bẫy của thông tin sai lệch hay cái gọi là “tự do báo chí” mang màu sắc kích động, xuyên tạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”[3] và “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”[4].

Trong dòng chảy 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, chính sự kiên định với lẽ phải, với lợi ích dân tộc đã làm nên uy tín, bản lĩnh và sức sống của nền báo chí chân chính. Bước vào kỷ nguyên mới, báo chí không chỉ cần “nhanh” và “chính xác” mà còn phải đúng định hướng, đúng nguyên tắc, đúng lẽ phải – để giữ vững vai trò là người lính xung kích trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

4. Định hướng dư luận - Trách nhiệm định hình nhận thức xã hội

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi thông tin tràn ngập và dư luận dễ bị phân tán, báo chí cần đảm nhận sứ mệnh định hướng dư luận. Đối với báo chí cách mạng Việt Nam, định hướng dư luận không phải là thao túng nhận thức hay áp đặt tư tưởng, mà là hoạt động tích cực nhằm dẫn dắt, soi sáng, định hình nhận thức xã hội trên nền tảng của sự thật, khoa học và tinh thần vì dân, vì nước.

Báo chí cách mạng, với bản lĩnh chính trị, năng lực phân tích và trách nhiệm xã hội, có vai trò xây dựng “kháng thể nhận thức” cho xã hội, đặc biệt trong những thời điểm phức tạp như khủng hoảng dịch bệnh, thiên tai, các vụ việc nóng, hay khi xuất hiện các quan điểm sai trái, thù địch. Bằng việc lựa chọn vấn đề, cách đặt câu hỏi, cách đưa ra góc nhìn, báo chí không chỉ định hướng nghĩ cái gì, mà còn giúp công chúng nghĩ như thế nào cho đúng, cho nhân văn, cho tích cực.

Việc định hướng dư luận cũngđược thể hiện ở nhiều khía cạnh, như: gợi mở những giá trị tích cực, truyền cảm hứng đổi mới, khơi dậy tinh thần dân tộc, niềm tin vào Đảng, vào thể chế xã hội chủ nghĩa... Đây là kiểu định hướng không cưỡng chế mà theo lối âm thầm lan tỏa - như ánh sáng dịu nhẹ làm ấm lòng người đọc, như tiếng nói thầm thì nhưng bền bỉ giữ vững nền tảng tư tưởng trong tâm trí cộng đồng. Chẳng hạn, khi đất nước đối diện thử thách của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hay các sự vụ nóng..., báo chí chính là nơi vun đắp niềm tin, cổ vũ sự tử tế, nêu gương người tốt việc tốt, kêu gọi hành động chung. Sự dẫn dắt tích cực này không phải tô hồng, mà là lựa chọn góc nhìn nhân văn, hướng thiện, khơi gợi khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước từ mỗi người dân.

Thực tiễn 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng minh: mỗi thời kỳ phát triển của đất nước đều gắn liền với vai trò tiên phong định hướng dư luận của báo chí, góp phần ổn định tư tưởng xã hội, giữ vững niềm tin chính trị và thúc đẩy tiến trình cách mạng. Trong kỷ nguyên số hiện nay, vai trò đó lại càng trở nên quan trọng và tinh vi hơn - đòi hỏi báo chí không chỉ nhanh, chính xác, mà còn phải tỉnh táo, có chiều sâu, có định hướng và có tâm.

*

Sứ mệnh cao cả của báo chí - lan tỏa sự thật, bảo vệ lẽ phải và định hướng dư luận - không chỉ là trách nhiệm, mà còn là danh dự. Báo chí cần tiếp tục đổi mới, giữ vững bản lĩnh, để thực sự trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 Ban Biên tập Cổng TTĐT

(Thực hiện: Sỹ Bùi)

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.166.

[2] Bác Hồ - Nhà báo cách mạng vĩ đại, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 92.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia,  Hà Nội, 2005, tr.415.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia,  Hà Nội, 2005, tr.613.

Tổng biên tập

Alternate Text

Bình luận

Danh sách bình luận

Số lượng ý kiến bài viết: 0

Năm phát hành

Xem

Thống kê lượt truy cập

Lượt truy cập:

Khách online: