(HCMA3) - Sáng ngày 19/6/2025, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ở miền Trung, Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới”. PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện và TS Mai Thị Hồng Liên, Trưởng khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực III đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III, có PGS,TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, các Phó Giám đốc Học viện: PGS,TS Nguyễn Ngọc Hòa, PGS,TS Phạm Đức Kiên và TS Nguyễn Dũng Anh. Về phía đại biểu khách mời, có các đồng chí lãnh đạo Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ thành phố Huế, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế. Dự Hội thảo, còn có đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu đề dẫn, PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại toàn diện, hiện đại bao gồm ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Nhờ vậy, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta nói chung và các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo
Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của các địa phương miền Trung, Tây Nguyên vẫn gặp phải những hạn chế, bất cập như: Nội lực kinh tế của các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên chưa hội tụ đầy đủ điều kiện để hội nhập sâu; sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị của các địa phương nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập chưa nhạy bén; việc quảng bá hình ảnh quê hương, con người, văn hóa miền Trung, Tây Nguyên ra nước ngoài ở một số địa phương còn hạn chế; nguồn kinh phí dành cho hoạt động quảng bá các giá trị địa phương ra quốc tế chưa nhiều,… Chính vì vậy, Hội thảo khoa học “Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ở miền Trung, Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới” là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ những thành tựu, hạn chế, rút ra những kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Quá trình phát triển tư duy đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ đổi mới; Tác động của bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước đến chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời kỳ đổi mới; Sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới; Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời kỳ đổi mới; Ngoại giao Việt Nam: Từ tư duy đến hành động để vững bước vào kỷ nguyên mới; Những đột phá trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời kỳ đổi mới; Vấn đề hội nhập quốc tế về văn hóa ở miền Trung, Tây Nguyên; Hội nhập kinh tế quốc tế ở tỉnh Đắk Lắk thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Hội nhập kinh tế quốc tế ở thành phố Đà Nẵng - Cơ hội và thách thức; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của thành phố Huế: Kết quả và cơ hội, triển vọng;…
Tổng kết Hội thảo, PGS,TS Lê Văn Đính đánh giá cao nội dung các tham luận và ý kiến phát biểu tâm huyết, với hàm lượng khoa học cao của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, qua đó đã làm sáng tỏ những vấn đề do Ban Tổ chức đề ra, góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong gần 40 năm đổi mới.
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Duy Hòa thực hiện)
Tổng biên tập