xem cỡ chữ
T
PGS,TS Phạm Đức Kiên
Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
Trong lãnh đạo kháng chiến, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975), để thuận lợi cho lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, Đảng ta chủ trương thành lập các Liên khu (Khu) bao gồm một số tỉnh liên hoàn. Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bao gồm 14 tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng. Là hành lang chiến lược nối hai miền Nam - Bắc, gắn liền một dải với Khu 4, giáp với Nam Lào và Đông Bắc Camphuchia, tạo thành thế đứng vững chãi ở phần giữa nước ta và phần Nam Đông Dương. Với đặc điểm đó, nơi đây trở thành chiến trường ác liệt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thử thách sự kiên định, sáng tạo của Khu ủy Khu V trong quá trình lãnh đạo của mình. Trong đó, chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức là một minh chứng sống động cho vai trò quan trọng và dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu 5.
1. Đánh giá đúng đặc điểm tình hình, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, hạ quyết tâm “quyết chiến điểm” nhằm tạo đột phá chiến lược
Ở thời điểm sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Mỹ Ngụy không chịu thi hành nghiêm chỉnh hiệp định. Nguyễn Văn Thiệu công khai khẩu hiệu 4 không (không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử). Chúng liên tục triển khai các cuộc hành quân quy mô lớn “tràn ngập lãnh thổ” nhằm giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo” tiến tới xóa vùng giải phóng của ta. Ở Khu 5, địch tập trung hầu hết lực lượng đánh phá ác liệt vùng giải phóng nông thôn, đồng bằng các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Tại Quảng Nam, từ cuối năm 1973, đầu năm 1974, địch tập trung lực lượng đáng kể gồm “trung đoàn 57 cộng hòa, 2 tiểu đoàn 77, 78 biệt động, 11 tiểu đoàn và 12 đại đội bảo an, 3 đại đội biệt kích, 6 đại đội biệt lập, 255 trung đội nghĩa quân, 2 chi đoàn cơ giới và 12 trận địa pháo…”1. Tháng 1 - 1974, địch tiến hành lấn chiếm Đông và Trung Quế Sơn, Kỳ Long, Kỳ Quế (Bắc Tam Kỳ), Phước Tiên (Tiên Phước), Kỳ Trà, Kỳ Sanh, Kỳ Bích (Nam Tam Kỳ), đánh phá Tây Thăng Bình hỗ trợ việc bình định Sơn Thắng. Chúng tập trung xây dựng Nông Sơn, Thượng Đức thành “cụm cứ điểm” hay “cụm cứ điểm kết hợp với quận lỵ” - được xem là tiền đồn án ngữ cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, được ví như những cái chốt ngăn chặn Quân giải phóng của ta tiến xuống đồng bằng; đồng thời vừa là bàn đạp để từ đó địch tiến hành các cuộc càn quét, đánh phá căn cứ cách mạng của ta.
Ở cụm cứ điểm Nông Sơn - “Một vị trí nằm phía Tây huyện Quế Sơn, nơi tiếp giáp giữa hai con đường 104, 105, cách Đà Nẵng 45km đường chim bay, do Tiểu đoàn 78 thuộc Liên đoàn Biệt động biên phòng 14 của Nguỵ và một số đơn vị khác chiếm giữ để khai hoả khu chiến I”2. Ở thời điểm năm 1974, địch đã bố trí phòng ngự ở Nông Sơn gồm 01 căn cứ trung tâm và 11 cứ điểm ngoại vi, trong đó đáng chú ý là đỉnh Cà Tang với độ cao có thể khống chế cả vùng. Tại đây, địch chốt một trung đội biệt động biên phòng. Bao quanh căn cứ trung tâm là 9 lớp rào kẽm gai, 41 lô cốt, phía dưới chỉ huy có nhiều hầm ngầm nối thông với các công sự bằng hệ thống hào giao thông chằng chịt. Lực lượng địch đồn trú gồm có 1 tiểu đoàn biệt động biên phòng (Tiểu đoàn 78) đóng ở căn cứ trung tâm, 1 đại đội bảo an, 10 trung đội dân vệ và 10 toán phòng vệ dân sự... Tổng quân số địch khoảng 1.500 tên.
Ở cụm cứ điểm Thượng Đức: “Đây là một chi khu quận lỵ được Mỹ lập ra dưới thời Ngô Đình Diệm, nằm ở ngã ba sông Cái và sông Côn, trên đường quốc lộ 14, cách thành phố Đà Nẵng 40 km đường chim bay. Mỹ Nguỵ đã xây dựng nơi đây thành một hệ thống quân sự hầm ngầm liên hoàn bằng bê tông cốt thép, kiên cố nhất trên chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng. Thượng Đức như cánh cửa thép kiên cố án ngữ phía Tây Đà Nẵng”3. Tại đây, thời điểm năm 1974, địch đã bố trí thành hai khu riêng biệt (khu phía Bắc và khu phía Nam). Lực lượng địch đồn trú thời điểm đó gồm có tiểu đoàn 79 biệt động quân, 2 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 16 trung đội dân vệ, 03 toán phòng vệ dân sự (lính dân vệ và phòng vệ quân sự đóng trong các khu dồn và ấp chiến lược), hai trận địa pháo (3 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu khối 106 ly). Tổng quân số địch khoảng 1.600 tên, đặt dưới sự chỉ huy của Nguyễn Quốc Hùng, thiếu tá quận trưởng4.
Với vị trí quan trọng, được xây dựng, bố trí thành căn cứ kiên cố, phòng ngự chắc chắn, Mỹ Nguỵ ví thế trận ở Nông Sơn - Thượng Đức như một “cánh cửa thép”; Nguyễn Văn Thiệu kiêu hãnh đặt cho tên gọi “mắt ngọc của đầu rồng”; Tỉnh trưởng Quảng Nam lúc bấy giờ khẳng định chắc nịch đây chính là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”, một điểm chiến lược dễ thủ khó công, là chỗ dựa vững chắc của vùng 1 chiến thuật và căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Quân ngụy kiêu ngạo thách thức: “Bao giờ nước Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức!”. Do vậy, chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức trở thành là nơi “thử sức” giữa lực lượng quân sự của cả hai bên lúc bấy giờ.
Mặc dù thế bố trí, phòng ngự của địch chặt chẽ, lực lượng tập trung đông, có xe tăng yểm trợ, song quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 (7 - 1973) của Đảng về “Tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam”, Thường vụ Khu uỷ Khu 5 khẳng định: “Đảm bảo thực hiện công tác trọng tâm của toàn đảng bộ: đánh bại bình định lấn chiếm, tố cộng của địch, giành dân, giữ dân, mở quyền làm chủ, giữ vững và phát triển thực lực cách mạng”5.
Quán triệt chỉ đạo này, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng cấp ủy hai tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng chủ trương dùng bộ đội địa phương và du kích vận dụng các cách tác chiến: “Thọc sâu vào vùng địch, diệt chốt, đánh mìn, phục kích, chống càn, bao vây bắn tỉa. Đối với chủ lực thì phải tiêu diệt một số vị trí của địch, mở rộng hành lang, tạo thế liên hoàn với vùng giải phóng”6. Kế hoạch Xuân Hè năm 1974 ta chủ trương đánh nhỏ, tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, đánh bại thủ đoạn chốt điểm của địch giành được những thắng lợi đã tạo đà để Khu uỷ Khu 5 chủ trương tạo thế chiến trường mới: “Chủ trương tiến công tiêu diệt một số cụm cứ điểm, chia khu quận lỵ đánh thủng từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh đồng bằng, hoàn chỉnh vùng căn cứ miền núi phía Bắc Khu 5, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang cơ sở và quần chúng tổ chức tấn công và nổi dậy phá vỡ một bộ phận hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn đồng bằng khu vực này”7.
Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Bộ Tư lệnh Quân khu cùng cấp uỷ các địa phương chủ trương dồn toàn bộ lực lượng chủ lực cùng lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh đồng bằng và một bộ phận binh chủng kỹ thuật, được tăng cường thêm sư đoàn 304, mang mật danh Sư đoàn 711 của Bộ Tổng Tư lệnh (gồm Trung đoàn Bộ binh 65 (sư đoàn 304), Trung đoàn Bộ binh 3 (sư đoàn 324) và Trung đoàn pháo của quân đoàn 2) để tổ chức 5 khu chiến tạo thành những quả đấm thép tiến công tổng hợp trên địa bàn 4 tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, chia thành 5 mũi tiến công chính: Nông Sơn, Thượng Đức, Tây Nam Quế Sơn, Minh Long - Giá Vụt, Đèo Nhông - Phù Mỹ; trong đó xác định địa bàn trọng yếu của chiến dịch tiến công tổng hợp lần này là hai tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam; Nông Sơn - Thượng Đức là trận mở màn then chốt.
Có thể nói, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, hạ quyết tâm “quyết chiến điểm” với địch tại Nông Sơn - Thượng Đức là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Quân uỷ Trung ương mà trực tiếp là Khu uỷ Khu 5. Bởi nếu không quyết đánh và quyết thắng ở cụm cứ điểm này thì sẽ không tạo ra bước chuyển, tạo thế thuận lợi cho đợt hoạt động mùa khô 1974 - 1975. Ngoài những ý nghĩa trên, việc chọn Nông Sơn, Thượng Đức làm “quyết chiến điểm” cũng là một “bài test” để thông qua đó Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra trình độ và khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực Quân khu sau thời gian dài được “nghỉ ngơi”, huấn luyện theo cách đánh mới - “Tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng”. Đồng thời qua đó thăm dò phản ứng và khả năng đối phó của quân chủ lực Sài Gòn trong điều kiện không có quân Mỹ yểm trợ. Chiến thắng vang dội ở Nông Sơn - Thượng Đức của quân và dân ta là đáp cho tất cả những trù liệu trên và là cơ sở để khu uỷ Khu 5 trình Bộ Chính trị đưa ra những kết luận quan trọng mang tính chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.
2. Lựa chọn hướng tấn công trọng điểm hiểm sắc chọc thủng tuyến phòng thủ của địch
2.1. Chọn Nông Sơn làm trận mở đầu then chốt
Trong tổng 5 khu chiến của toàn Khu 5, ở Quảng Nam và Quảng Đà có 3 khu chiến: Khu chiến 1: Nông Sơn - Trung Phước; khu chiến 2: Thượng Đức; khu chiến 3: Tây quận lỵ Quế Sơn. Vấn đề đặt ra là chọn khu chiến nào tấn công trước làm trận mở màn cho chiến dịch và phải đảm bảo chắc thắng. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng cấp uỷ địa phương ở Quảng Nam đã phác họa “lược đồ”' tác chiến, theo đó, Nông Sơn được chọn là trận mở màn chiến dịch. Bởi đây là một trận địa có diện rộng trên vùng đồi núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, từ Hòn Chiêng - Quế Sơn, đến An Hòa - Đức Dục, Duy Xuyên, từ Nông Sơn - Trung Phước của Quảng Nam kéo ra đến Thượng Đức - Đại Lộc của Quảng Đà. Căn cứ Nông Sơn chốt chặn trên một đồi cao 298m bên bờ sông Thu Bồn. Trong lòng núi này có mỏ than Nông Sơn được khai thác từ thời thực dân Pháp cai trị nước ta. Phía Nam sông Thu Bồn là núi Cà Tang cao 462m, luôn có một trung đội địch từ Nông Sơn điều sang cảnh giới cho cả vùng rộng lớn hai bên bờ sông Thu Bồn từ Thạch Bích xuống đến Đức Dục. Cứ điểm chốt giữa vùng giải phóng của ta, chúng gây nên rất nhiều khó khăn và gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác với nhân dân vùng giải phóng Hiệp Đức - Quế Sơn. Đánh thắng ở Nông Sơn là cơ sở để ta tiêu diệt các căn cứ địch chốt sâu trong vùng giải phóng của ta ở Nông Sơn và Thượng Đức, câu chủ lực địch ra ứng cứu giải vây để ta có thể tiêu diệt một lực lượng quan trọng chủ lực địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng, uy hiếp căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng của địch từ phía Tây Nam.
Với tầm quan trọng của chiến dịch, Sư đoàn 2 Quân khu 5, dưới sự chỉ huy của Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn, được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn, giải phóng toàn bộ khu vực Nông Sơn - Trung Phước giành và giữ dân, cùng với lực lượng địa phương chốt giữ, trừng trị thích đáng lực lượng ra giải tỏa, đánh bại ý chí xâm lấn của địch. Để đảm bảo tính chắc chắn của trận mở màn chiến dịch, Quân khu tăng cường cho Sư đoàn 2 thêm 1 trung đoàn bộ binh (Trung đoàn 36, thiếu 1 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn cao xạ 37 ly (12 khẩu), 2 đại đội pháo 85 ly nòng dài (8 khẩu), 1 đại đội. Ở địa bàn Nông Sơn, mọi công tác chuẩn bị về lực lượng, tổ chức, hậu cần và chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch được gấp rút triển khai. Ngoài các hoạt động phối hợp chiến trường diễn ra ở nhiều nơi, lực lượng của tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ cùng bộ đội công binh mở con đường chạy ven dưới chân các chốt điểm của địch ở Hòn Chiêng, Động Mông, Đá Hàm. Công binh Sư đoàn 2 có xe cơ giới cùng lực lượng của các Ban giao thông và nhân dân ngày đêm xúc, ủi đất đắp đường. Đường thông đến đâu thì hàng vận chuyển đến đó. Để che mắt địch, ta đưa một vài xe máy cày nổ máy cày xới trên cánh đồng Sơn Khánh. Tiếng xe cày nổ ầm ầm hòa trong tiếng xe ôtô vận chuyển vũ khí rùng rùng vang vọng núi đồi. “Tỉnh ủy Quảng Nam đã huy động hàng ngàn cán bộ và nhân dân trong tỉnh do đồng chí Võ Quỳnh (Đoàn), phó bí thư tỉnh uỷ phụ trách để làm nhiệm vụ chuẩn bị tiếp quản Nông Sơn - Trung Phước, sau này trở thành ban quân quản khu vực”8.
Ngày 17-7-1974, trong lúc quân ta đang triển khai chiếm lĩnh trận địa thì địch đưa Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 56 (sư đoàn 3 Ngụy) từ quận Hiếu Đức về Nông Sơn để thay thế Tiểu đoàn 78 biệt động quân. Lực lượng địch ở Nông Sơn tăng gấp đôi. 18 giờ, qua điện thoại trực tiếp, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, Võ Chí Công gọi điện cho Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn hỏi: “Địch tăng thêm một Tiểu đoàn, quyết tâm của sư đoàn có thay đổi gì không?” Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn trả lời: “Sư đoàn vẫn giữ nguyên quyết tâm!”. Địch tăng quân chỉ có khác là, đáng lẽ một hố chiến đấu diệt một tên địch thì bây giờ là hai tên địch. Địch càng đông càng dễ rối loạn. Tư lệnh và Chính ủy sư đoàn nhận định và quyết tâm, xem đây là lúc kẻ đi chưa thoát, kẻ đến chưa tường, là cơ hội đánh thắng địch. Song Sư trưởng Sư 2 vẫn lệnh cho Trung đoàn 38 điều một tiểu đoàn dự bị cho Trung đoàn 31 và giao khu mỏ than Nông Sơn cho lực lượng địa phương Quảng Nam đảm trách. 0 giờ 15 ngày 18 - 7, nổ súng diệt chốt điểm Cà Tang. Đến 6 giờ ngày 18 - 7, ta đã quét sạch hệ thống chốt điềm của bảo an, dân vệ, tề điệp. 16 giờ cùng ngày, tất cả các trận địa pháo của ta lại dồn dập nã đạn pháo vào cứ điểm địch. 16 giờ 30, bộ binh xung phong tấn công vào chiếm lĩnh mục tiêu. Đến 17 giờ 30 phút ngày 18-7-1974, quân ta hoàn toàn làm chủ Nông Sơn, lá cờ chiến thắng mang chữ “Đoàn dũng cảm đánh hăng vấy lấn điểm cao, tiêu diệt gọn, dứt điểm nhanh, tiến công liên tục”, do Phó Chính ủy Quân khu 5 trao cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 Nguyễn Văn Chí trong buổi lễ xuất quân hai ngày trước đó đã tung bay trên nắp hầm Sở chỉ huy căn cứ Nông Sơn của địch.
Qua một ngày một đêm chiến đấu liên tục, dưới sự chỉ đạo của Khu uỷ Khu 5, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã tiêu diệt cứ điểm cứ điểm Nông Sơn, giải phóng khu vực Nông Sơn - Trung Phước. Toàn bộ quân địch ở Nông Sơn (kể cả Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 bộ binh quân đội Sài Gòn vừa mới lên đều bị tiêu diệt và bắt sống. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.000 tên địch, tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 đại đội bảo an, diệt và làm tan rã 13 trung đội dân vệ và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 13.000 dân9. Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước làm chấn động quân địch trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, làm đòn bẩy cho lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị các huyện Duy Xuyên, Hòa Vang, Đại Lộc, liên tục tấn công, giành quyền làm chủ.
2.2. Tấn công Thượng Đức nhằm mở “cánh cửa thép” tạo thế chiến lược trên chiến trường
Sau khi giành thắng lợi ở Nông Sơn - Trung Phước, Quân ủy Khu 5 tiếp tục nghiên cứu địa bàn, chọn mũi tiến công tiếp theo và quyết định tấn công vào Thượng Đức nhằm giải phóng và làm chủ chi khu quận lỵ Thượng Đức; xác định đây là nhiệm vụ ngày càng trở nên bức thiết, vừa có tính chiến dịch tại chỗ, vừa có tính chiến lược lâu dài. Tiêu diệt lực lượng địch ở đây là xóa bỏ một mắt xích phòng ngự vững chắc, phá tan “cánh cửa thép”, uy hiếp trực tiếp phía Tây Nam Đà Nẵng, giải phóng hơn 1 vạn dân và một vùng địa bàn rộng lớn, từng bước đánh bại kế hoạch “bình định lấn chiếm” của địch. Cũng tại đây, hỏa lực tầm xa của ta có thể uy hiếp sân bay Đà Nẵng và sở chỉ huy vùng 1 ngụy, tạo đòn tấn công mạnh và hiểm vào Đà Nẵng khi thời cơ chín muồi.
Xác định tầm quan trọng đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9), được tăng cường các đơn vị Trung đoàn 3 bộ binh (Sư đoàn 324); 1 Tiểu đoàn lựu pháo 122 ly (thiếu), 1 tiểu đoàn pháo 85 ly (thiếu), 1 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, 1 Đại đội cối 160 ly, 1 Đại đội cối 120 ly, 1 Đại đội tên lửa có điều khiển B72, 1 Đại đội tên lửa A72, và được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh địa phương (tiểu đoàn 10 và 1 của tỉnh Quảng Đà). Với lực lượng trên, Sư đoàn 304 đảm nhận khu vực tiến công chủ yếu của chiến dịch, tiêu diệt Cụm cứ điểm Quận lỵ chi khu Thượng Đức và các chốt điểm chung quanh, giải phóng giành dân toàn bộ khu vực Thượng Đức - Ba Khe.
5 giờ ngày 29-7-1974, Sư đoàn 304 nổ sung tấn công Thượng Đức Quân ta nhanh chóng đánh xong các tiền đồn ngoại vi và tổ chức tiến công trung tâm quận lỵ. Địch chống trả quyết liệt, Trung đoàn 66 chủ công đánh trận này không thể đột kích vào trung tâm được. Ngày 31-7-1974, quân ta liên tiếp tổ chức 3 đợt tiến công nhưng vẫn không thành công, bộ đội bị thương vong nhiều, phải dừng lại giữ bàn đạp, chuẩn bị cho đợt tiến công mới.
Cuộc chiến đấu ở Thượng Đức diễn ra ngày càng quyết liệt. Sau đợt tiến công thứ nhất không thành công, Bộ Chỉ huy chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 304 tạm dừng tiến công để bổ sung, củng cố lực lượng, sắp xếp lại tổ chức, hoàn chỉnh hệ thống công sự trận địa; đồng thời, rút kinh nghiệm đợt tiến công trước, phương châm tiến công chuyển sang “đánh chắc thắng”. Theo đó, ngày 6-8-1974, quân ta tiếp tục nổ súng tiến công Thượng Đức lần thứ hai. Đến sáng ngày 7-8-1974, các lực lượng của ta đã hoàn toàn làm chủ chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức.
3. Linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch
Sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch được thể hiện rõ nét ở hai cứ điểm này. Ở Nông Sơn - trận mở màn chiến dịch, Quân ủy Khu 5 chủ trương “đánh nhanh, diệt gọn, thắng lợi giòn giã!”. Để phục vụ cho phương châm tác chiến này, mọi công tác chuẩn bị, bố trí thế trận đều rất khẩn trương. Điểm đặc biệt cho thấy sự sáng tạo trong chỉ đạo tạo lập thế trận tiến công là, ta đã mạnh dạn “đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng” để phát huy sức mạnh hỏa lực, trực tiếp bắn phá, tiêu diệt các lô cốt, hỏa điểm địch, khiến quân địch hoang mang cực độ, qua đó tạo điều kiện để Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31) và các lực lượng binh chủng tiêu diệt địch trong căn cứ. Với sự chủ động, sáng tạo đó, chưa đầy một ngày một đêm chiến đấu liên tục, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã tiêu diệt cứ điểm cứ điểm Nông Sơn, giải phóng khu vực Nông Sơn - Trung Phước.
Khi tiến công Thượng Đức, thực hiện phương châm “vây chặt, đánh mạnh, dứt điểm trong thời gian ngắn” (dự kiến 1 - 2 ngày), ta sử dụng Trung đoàn 66 cùng các đơn vị pháo binh, súng máy phòng không để tiêu diệt đồn chính, Trung đoàn 3 đánh chiếm các mục tiêu ngoại vi, song qua tác chiến gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, phương tiện, “chuyển chiến thuật từ đánh ngay thắng ngay sang bao vây đánh lấn”10, chuyển hướng tiến công thứ yếu thành chủ yếu, chuyển từ đánh mạnh, dứt diểm nhanh sang đánh chắc, tiến chắc; từ hình thức vận động tiến công sang vây lấn kết hợp đánh địch co cụm. Để giúp bộ đội tác chiến theo phương án mới, khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban chỉ huy chiến dịch của tỉnh Quảng Nam điều động 300 dân công chặt mây bện dây thừng, làm ròng rọc, vừa khiêng, vừa đẩy 3 khẩu pháo 76 ly loại chống tăng lên điểm cao để nã vào tiền đồn Thượng Đức. Nhờ kịp thờ thay đổi chiển thuật, chủ động đánh địch nên sau 10 ngày chiến đấu ác liệt, với hai đợt tiến công vào cứ điểm có công sự vững chắc, khắc phục mọi khó khăn, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương và phương châm tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, chiến đấu liên tục và quả cảm, Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 và một số đơn vị địa phương đã làm chủ Chi khu Thượng Đức và các vị trí vệ tinh; “tiêu diệt và bắt 1.600 tên địch, tiêu diệt tiểu đoàn quân 79, bắn rơi 13 máy bay, thu 11 pháo, san bằng một hệ thống cứ điểm kiên cố mà địch đã xây dựng từ 20 năm nay11. Chiến thắng Thượng Đức đã mở toang “cánh cửa thép” - cửa ngõ phía Tây Nam Đà Nẵng, uy hiếp nghiêm trọng khu liên hợp căn cứ quân sự đồ sộ của địch. Từ thực tiễn chiến trường và qua các trận giao tranh ở Thượng Đức, cấp chiến dịch và chiến lược của ta khẳng định: Lực lượng chủ lực cơ động của ta đã có bước phát triển vượt bậc về trình độ và khả năng tác chiến phối hợp binh chủng hợp thành quy mô lớn, phối hợp chặt chẽ với tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy của nhân dân; lực lượng cơ động của địch không còn đủ sức đương đầu với chủ lực cơ động của ta. Đồng thời, chiến thắng này để lại một số kinh nghiệm về tổ chức, chỉ huy chiến đấu như: Đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch; chuẩn bị tác chiến; chọn hướng tiến công đột phá chọc thủng tuyến phòng thủ của địch; hợp đồng binh chủng giữa bộ binh và pháo binh trong tiến công địch trong công sự; sự phối hợp giữa bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ địa phương…
Có thể nói, chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với chiến thắng này cho phép Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương kết luận nhiều vấn đề: “chủ lực cơ động của ta có khả năng đánh thắng chủ lực cơ động Nguỵ, lực lượng vũ trang địa phương của ta có khả năng đánh thắng quân địa phương của Nguỵ, thế trận của ta mạnh hơn thế trận địch”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khẳng định: “… Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của Ngụy. Một tình thế mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh”. Đồng chí Lê Duẩn qua thắng lợi này đã tự trả lời cho câu hỏi: Ta có khả năng đánh thắng toàn bộ quân Nguỵ, giải phóng miền Nam không? Những nhận định mang tính kết luận này đã tác động tích cực để Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm chiến lược với những trận quyết chiến giành toàn thắng của quân và dân ta trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
--------
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Đảng bộ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam Đà Nẵng, t. III, 1954 - 1975, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 346, 354, 355, 355, 346, 352, 353, 354, 356, 356 - 357.
5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng: Tài liệu số L5.III.
(nguồn: Tạp chí Sinh hoạt lý luận số 5/2024, tr. 37 – 41).
Ban Biên tập CTTĐT
Tag:
Tổng biên tập
Khai mạc Hội thi Giảng viên giỏi cấp cơ sở lần thứ VI, năm 2025
“Thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay
Bế giảng các lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, khóa học 2024 - 2025
Ngày Quốc tế Lao động đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới
Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một
Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng
Email:
Liên hệ: 02363.831.174