xem cỡ chữ
T
1. Với tư cách là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Đảng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong những năm qua, nhất là trong thời gian gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện ngày càng phát triển vượt bậccả về lượng và chất. Điều này được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau:
Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng được mở rộng về quy mô.
Thời gian qua, các nhiệm vụ khoa học của Học viện Chính trị khu vực III được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của Học viện và bám sát chiến lược hoạt động khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, số lượng các nhiệm vụ, đề tài khoa học ngày càng tăng lên theo từng năm và được triển khai thực hiện đa dạng với nhiều hình thức như: triển khai đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; tổ chức các hội thảo, tọa đàm có sự phối hợp tham gia của các đơn vị khoa học ở Trung ương và địa phương, các báo cáo chuyên đề tổng kết thực tiễn, báo cáo kiến nghị gửi Trung ương…
Về số lượng đề tài khoa học, giai đoạn 2019 – 2024, Học viện đã triển khai thực hiện 138 đề tài khoa học các cấp, gồm: 04 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 04 đề án cấp Bộ trọng điểm; 20 đề tài cấp Bộ; 03 đề tài cấp Tỉnh phối hợp với các địa phương; 107 đề tài cấp Cơ sở; về hội thảo, tọa đàm khoa họccác cấp, Học viện đã tổ chức hơn 150 hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp. trong đó đáng chú ý là 04 cuộc hội thảo cấp Bộ, 54 cuộc hội thảo cấp cơ sở. Tần suất tổ chức các hội thảo phối hợp với địa phương ngày càng tăng: từ 02 - 04 hội thảo/năm với sự mở rộng cả về hình thức và chủ đề nghiên cứu. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện.
Gắn với sự mở rộng về quy mô, việc xã hội hoá các kết quả nghiên cứu cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ riêng trong 05 năm (từ 2019 đến 2024), đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện đã xuất bản gần 100 đầu sách chuyên khảo, tham khảo; 06 giáo trình; công bố hơn 1.000 bài viết trên các ấn phẩm khoa học, trong đó có một số bài được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Thứ hai, đội ngũ nghiên cứu khoa học của Học viện ngày càng phát triển; chất lượng hoạt độngnghiên cứu khoa học ngày càng nâng cao.
Gắn với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đội ngũ nghiên cứu khoa học của Học viện ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Năm 2019, Học viện Chính trị khu vực III có 85 giảng viên trong đó có 11 phó giáo sư, 51 tiến sĩ, một số giảng viên đang nghiên cứu sinh, còn lại đã đạt trình độ thạc sĩ. Đến tháng 5 - 2024, trong tổng số 202 cán bộ của Học viện thì đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học là 92 người (trong đó phó giáo sư, tiến sĩ: 07 người; tiến sĩ: 48 người; thạc sĩ: 33 người; cử nhân: 04 người…).
Thời gian qua, chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện ngày càng cao. Theo đó, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai đạt mục tiêu, nhiệm vụ và đảm bảo chất lượng. Nội dung nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ khoa học đều gắn với nhu cầu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận trên nhiều lĩnh vực gắn với khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các tọa đàm khoa học gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng và bám sát nội dung, chương trình giảng dạy các môn học trong chương trình cao cấp lý luận chính trị; các đề tài cấp Cơ sở hướng trọng tâm vào việc phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Học viện; các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tỉnh đã cung cấp các luận cứ khoa học có giá trị, góp phần vào tư vấn chính sách và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nội dung và phương thức tổ chức của các hội thảo khoa học ngày càng được đổi mới. Điều này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong và ngoài Học viện. Qua đó,góp phần khẳng định vị thế của Học viện với tư cách là trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của Đảng và Nhà nước ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Thứ ba, công tác tổng kết thực tiễn và xây dựng các báo cáo kiến nghị ngày càng đi vào chiều sâu.
Từ năm 2019, lần đầu tiên Học viện Chính trị khu vực III được giao nhiệm vụ xây dựng các báo cáo kiến nghị gửi Trung ương phục vụ cho công tác tư vấn, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước và xây dựng các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng. Tính đến cuối năm 2024, xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Học viện đã tổ chức xây dựng 11 báo cáo kiến nghị gửi Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó, có 05/11 báo cáo kiến nghị được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phê duyệt để gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Thường trực tỉnh uỷ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các báo cáo kiến nghị của Học viện Chính trị khu vực III đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đất nước, tham vấn chính sách ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Thứ tư, công tác nghiên cứu, xây dựng luận cứ khoa học bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chú trọng.
Với tư cách là một trường Đảng Cao cấp, là trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển (1949 - 2024), Học viện Chính trị khu vực III luôn mang trong mình sứ mệnh bảo vệ, khẳng định và lan tỏa nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội, làm cho quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được quán triệt, thẩm thấu trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực III đã được triển khai một cách đồng bộ thông qua nhiều hình thức đa dạng. Về hội thảo, toạ đàm khoa học, Học viện đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị ngoài Học viện tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, trong đó có hơn 70 hội thảo, tọa đàm liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới; về đề tài khoa học, đã triển khai 34 đề tài phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các đề tài này tập trung nghiên cứu tổng kết những vấn đề thực tiễn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong việc triển khai Nghị quyết 35; nghiên cứu tổng kết thực tiễn các vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên; bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... Các đơn vị giảng dạy tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học đối với việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào từng chuyên đề bài giảng, môn học.
Học viện cũng chủ động Phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 các Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức các hội thảo khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Triển khai cho cán bộ, giảng viên Học viện và học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị tham gia dự thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hàng năm. Kết quả, Học viện đã đạt được nhiều giải cá nhân và trở thành điểm sáng trong hệ thống về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (năm 2021 Học viện đạt giải Tập thể xuất sắc, 04 giải cá nhân; năm 2022 đạt 04 giải B, 04 giải Khuyến khích; năm 2023 đạt 01 giải B, 01 giải C, 01 giải Khuyến khích; năm 2024 đạt 01 giải khuyến khích, 01 giải triển vọng). Học viện cũng xây dựng được mô hình tổ chức và hoạt động của Đội công tác 35 trên không gian mạng. Group Facebook “Những ngọn lửa nhỏ” với hơn 1.500 thành viên tham gia thường xuyên; Cổng thông tin điện tử, Tạp chí Sinh hoạt lý luận của Học viện cũng tham gia đăng tải nhiều bài viết có chất lượng cao của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài Học viện về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Những kết quả đạt được trên đây do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có những nguyên nhân chủ yếu: 1) Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ to lớn và hiệu quả của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Vụ Quản lý khoa học; 2) Quy chế về hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung, Học viện Chính trị khu vực III nói riêng; 3) Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III đối với việc tăng cường hỗ trợ cho hoạt động khoa học; 4) Sự nỗ lực, tích cực của đội ngũ cán bộ khoa học và sự phối hợp của các cơ quan và địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên; 5) Công tác quản lý khoa học ngày càng đổi mới theo hướng phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Có sự dàn trải và phân tán trong các hoạt động nghiên cứu; sự kết hợp giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các hoạt động khác chưa chặt chẽ; chưa phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong khai thác các nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học ngoài ngân sách nhà nước; việc triển khai một số công trình nghiên cứu khoa học bị chậm tiến độ so với kế hoạch; công tác thanh quyết toán kinh phí một số nhiệm vụ còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch hoạt động khoa học; công tác thông tin khoa học chưa theo kịp yêu cầu về số lượng, chất lượng...
2. Để phát huy những kết quả đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, trong thời gian tới, gắn với bối cảnh, tình hình mới, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực III cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, cần quán triệt nhận thức sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của Học viện, từ đó có quan điểm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên và là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quaddos khẳng định uy tín và vị thế của Học viện.
Hai là, tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học gắn liền với các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Đảng ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện. Theo đó, chú trọng công tác quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ của từng đơn vị trực thuộc; có kế hoạch điều động, sắp xếp cán bộ khoa học theo đúng chuyên ngành được đào tạo, kiên quyết bố trí công tác khác đối với những cán bộ khoa học không có khả năng nghiên cứu, giảng dạy; xây dựng quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ theo hướng gắn kết giữa đào tạo lý luận với rèn luyện trong thực tế. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và có chính sách để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học chủ chốt, để đội ngũ này đảm đương được nhiệm vụ chính trị và tạo điều kiện môi trường để họ vươn lên trở thành những cán bộ khoa học đầu đàn trong lĩnh vực khoa học lý luận chính trị. Cùng với đó, có chính sách xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện nhiệm vụ khoa học mới yêu cầu cao về chất lượng và tính kịp thời của nhiệm vụ.
Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học để tạo động lực, môi trường thuận lợi cho các hoạt động khoa học… kết hợp xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đối với từng nhiệm vụ khoa họcqua đó góp phần nâng cao tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống.
Bốn là, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao, ứng dụng sản phẩm nghiên cứu, nhất là khai thác các nhiệm vụ khoa học sử dụng nguồn kinh phí từ các địa phương.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động nghiên cứuvà quản lý khoa học. Chú trọng xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống dữ liệu thông tin khoa họctrong nghiên cứu.
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Thực hiện: TS Nguyễn Bình Đức)
Tag:
Tổng biên tập
Công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III trong giai đoạn hiện nay
Lễ Kỷ niệm 75 năm Truyền thống (1949-2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Học viện Chính trị khu vực III: Gắn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
Kỷ niệm 75 năm thành lập Học viện chính trị khu vực III (1949 - 2024): Ðịa chỉ tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Tổ chức Hội thi văn nghệ và tổng kết các hoạt động văn thể chào mừng Kỷ niệm 75 năm Truyền thống Học viện (1949-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng
Email:
Liên hệ: 02363.831.174