xem cỡ chữ
T
1. Chúng ta nói giáo dục luôn giữ vai trò quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia; giáo dục là nghề cao quý nhất. Và nhà giáo là người làm công việc cao quý đó. Vì sao? Vì giáo dục là làm cuộc khám phá khó nhất, hay nhất, đẹp nhất trên đời, khám phá đối tượng khó nhất, hay nhất, bí ẩn nhất, mà cũng đẹp nhất trên đời, là con người. Và nhà giáo, với sứ mệnh đào tạo vun xới tri thức, định hình nhân cách người học, là nhân tố hoàn chỉnh của Triết lý giáo dục của quốc gia. Nhà giáo được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một dân tộc; góp phần tạo nên phẩm cách con người, tầm vóc của một dân tộc.
Truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam là “Tôn sư trọng đạo” được tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa cho đến nay; là giá đỡ cho bao nhiêu người thành tài để phụng sự đất nước, và cũng tạo được nền móng xây dựng nên một hệ thống giáo dục tốt đẹp. Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa là “Quân - Sư - Phụ” thì người thầy – “sư” chỉ đứng sau vua – “quân” và được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng, tôn vinh, gửi gắm niềm tin giúp con em học hành mà thành tài. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Truyền thống ấy bắt nguồn từ mong muốn/khát vọng hoàn thiện đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước. Tên tuổi của các nhà giáo như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… không chỉ gắn liền với sứ mệnh truyền dạy tri thức mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của đất nước; không chỉ là tấm gương truyền đạt kiến thức mà còn là những người định hình tư duy và đạo đức cho lớp hậu sinh.
Nhìn ra thế giới, ở châu Á, nước Nhật thời kỳ Minh Trị cũng đã du nhập tinh hoa của văn hóa phương Tây để xây dựng lại con người mới, bị kìm hãm bởi cái học cũ chỉ để phục vụ cho giới thống trị, xây dựng lại nhân cách và một nền văn hóa mới để quốc gia có đủ sức mạnh đương đầu với hiểm họa.
Lịch sử giáo dục phương Tây gắn với tên tuổi những nhà khoa học và những triết lý giáo dục mang tầm thời đại. Albert Camus, nhà văn lớn Pháp thế kỷ XX, sau khi nhận được giải Nobel văn chương năm 1957, viết ngay một lá thư cảm ơn gửi đến người thầy đầu tiên của mình, thầy của trường tiểu học ở Belcourt, một khu phố nghèo thành phố Algiers mà Camus đã lớn lên cùng với các gia đình di cư Pháp; A.Einstein, nhà bác học lỗi lạc, cho rằng nghệ thuật quan trọng nhất của người thầy là đánh thức niềm vui ở sáng tạo và nhận thức. Ông khuyên thanh niên: “Đừng bao giờ xem việc học của các bạn là một bổn phận, mà là cơ hội đáng ganh tị để học hỏi vẻ đẹp khai phóng trong lãnh vực trí tuệ – vì niềm vui cá nhân của bạn và vì lợi ích của cộng đồng mà công việc sau này của bạn sẽ thuộc về.”
2. Trong xã hội hiện đại, sự xuất hiện của công nghệ, máy móc hay trí tuệ nhân tạo, CHAT GPT, AI… đã mang đến những thuận lợi to lớn cho giáo dục cùng tất cả mọi lĩnh vực. Những tưởng các tiến bộ khoa học này sẽ thay thế được vai trò của người thầy trong trường học, nhưng không! Vị trí, vai trò của nhà giáo vẫn luôn được khẳng định. Bởi thời đại chúng ta đang sống là thời đại sáng tạo, cần một văn hóa sáng tạo và một nền giáo dục cũng sáng tạo. Người thầy lại càng có trọng trách chuẩn bị lực lượng tương lai cho xã hội: làm cho mọi người đầy tính nhân văn, có tinh thần công dân, tính tích cực xã hội, thực hiện mục tiêu dân chủ và công bằng xã hội. Người thầy phải định hướng và gợi mở được sự cởi mở về văn hóa để con người có tâm hồn phong phú, có năng lực đối thoại và hợp tác, có bản lĩnh thích ứng với nhiều nền văn hóa và điều kiện sống khác nhau.
Minh triết Hồ Chí Minh về giáo dục tiếp tục là mạch nguồn cho kỷ nguyên hội nhập thịnh vượng của dân tộc. Cùng với hơn 1,6 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (trong đó đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chiếm khoảng 10%) đã định vị dấu ấn thành công của sự nghiệp giáo dục Việt Nam trong những năm qua[1]. Không dừng lại ở những con số và chỉ tiêu đã đạt được, Đại hội lần thứ XIII Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”[2]; “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[3]. Đảng ta cũng đặt ra yêu cầu mới: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”[4]. Vì vậy cần chú ý “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”; “nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và và cán bộ quản lý giáo dục”[5]… để “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, khả năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, có tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”[6]. Những quan điểm trên của Đảng nhằm thực hiện thành công chiến lược trồng người, những người hữu ích cho nước Việt Nam, như Hồ Chí Minh mong muốn.
3. Giáo dục và đội ngũ nhà giáo vẫn giữ trọn vai trò tạo dựng con người có phẩm giá, có nhân cách, hữu ích cho gia đình–xã hội. Đó là một sứ mệnh, lý tưởng và là ngọn hải đăng chỉ đường.
Quốc gia không thể hội nhập với thế giới nếu giáo dục lại tụt hậu. Muốn tự tin trong kỷ nguyên mới đòi hỏi quốc gia có tầm nhìn thời đại, gắn mình với quỹ đạo phát triển chung của nhân loại; định vị văn hóa quốc gia trong văn hóa toàn cầu để sức mạnh của quốc tế cũng là sức mạnh của quốc gia. Điều này đỏi hỏi mỗi nhà giáo phải có nền tảng sâu về trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm, nhân ái, thiện lương. Nhà giáo phải biết hun đúc và nuôi dưỡng lý tưởng xây dựng cho xã hội một tầng lớp trí thức của dân tộc, những con người đưa dân tộc đến đài vinh quang. Nhà giáo phải truyền cảm hứng và chuẩn bị cho thế hệ tương lai ý thức đóng góp cho xã hội. Không thể có chất lượng giáo dục tốt nếu không có đội ngũ nhà giáo giỏi, tâm huyết, tận tụy với nghề; dấn thân một cách bản lĩnh vì một môi trường giáo dục, mà ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh.
Nghề nào cũng cao quý và đáng trân trọng, nhưng nghề giáo là một trong số rất ít nghề được cho là cao quí và đáng trân trọng nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khằng định: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”[7]. Vì thế, nghề giáo đòi hỏi sự nghiêm cẩn, trong sáng và mô phạm hơn bất cứ nghề nào khác; điều đó làm nên sự tôn nghiêm của nghề. Nhân cách văn hoá của người dạy tác động lên sự hình thành và phát triển nhân cách văn hoá của người học giúp cho những giá trị nhân văn được nuôi giữ tốt đẹp nhất. Đây là nội dung cất lõi của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong thời đại ngày nay. Chúng ta có thể có chương trình tốt, sách giáo khoa tốt, cơ sở vật chất khang trang nhưng đội ngũ giáo viên bất cập thì chất lượng giáo dục cũng không thể cải thiện được.
Giáo dục và vai trò của nhà giáo luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi con người và của cả xã hội. Trong mọi cuộc chấn hưng đất nước, giáo dục căn bản chiếm vị trí hàng đầu, vì đấy là nguồn lực sáng tạo của quốc gia. Lịch sử phát triển nhân loại, lịch sử các quốc gia từ Đông sang Tây đều đặt nhà giáo và sự nghiệp giáo dục lên ưu tiên hàng đầu và đầu tư rất nhiều bởi chỉ có giáo dục mới làm bật lên sức sáng tạo của một dân tộc một cách hữu hiệu; chỉ có người thầy mới gieo vào tâm hồn con người tính nhân bản và yêu thương; đánh thức sự phong phú của năng lực con người và chạm đến trái tim Đan-kô[8] nóng đỏ và kiêu hãnh lý tưởng cao đẹp của thời đại.
Ban biên tập Cổng TTĐT
(Tác giả: TS. Trung Thị Thu Thủy, Khoa văn hóa & Phát triển)
[1] Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả các kỳ thi olympic quốc tế của học sinh Việt Nam ở các môn toán, lý, hóa,... đạt được thành tích rất đáng tự hào. Nhiều mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tính đến ngày 30-4-2021, cả nước có 404 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận kiểm định chất lượng, trong đó 192 chương trình của 48 trường đại học được đánh giá công nhận theo tiêu chuẩn trong nước, 212 chương trình của 36 trường đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Năm 2019, Việt Nam có 8 trường đại học được xếp vào tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á; 2 trường đại học được xếp hạng vào tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.136
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.136
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.136 - 137
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.138 - 139
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội., tr 232 - 234
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội-2011, tập 14, tr.402-403
[8] Truyện ngắn Trái tim Đan kô của nhà văn Nga M.Gorki
Tag:
Tổng biên tập
Công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị khu vực III trong giai đoạn hiện nay
Lễ Kỷ niệm 75 năm Truyền thống (1949-2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Học viện Chính trị khu vực III: Gắn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
Kỷ niệm 75 năm thành lập Học viện chính trị khu vực III (1949 - 2024): Ðịa chỉ tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Tổ chức Hội thi văn nghệ và tổng kết các hoạt động văn thể chào mừng Kỷ niệm 75 năm Truyền thống Học viện (1949-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng
Email:
Liên hệ: 02363.831.174