Sign In

Hội thảo khoa học cấp bộ: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên”

  09:00 21/08/2024
(HCMA3) - Để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam, sáng ngày 20/8/2024, tại Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên”. GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự Hội thảo, về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực III, có lãnh đạo Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; thành viên Hội đồng khoa học; Lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên các đơn vị trực thuộc; chuyên viên các đơn vị: Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Học viện Chính trị khu vực III.

Về phía khách mời, có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ: Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum; đại diện lãnh đạo các Trường Chính trị tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Bình; Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các học giả viết tham luận cho Hội thảo. Dự và đưa tin Hội thảo, có phóng viên các cơ quan báo đài của Trung ương và địa phương.

 

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đại hội đạibiểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là“phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Đối với một quốc gia có nền văn hóa giàu bản sắc như Việt Nam, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định: “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, duy trì và xây dựng không gian công cộng trong buôn, làng, lễ hội cồng chiêng, chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản thế giới…”; tiếp đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộđến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh”.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 05 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (UNESCO ghi danh năm 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022). Bên cạnh đó còn đồng sở hữu với các vùng khác một số di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, như: Ca trù (2009), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016). Với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong hơn 20 năm qua, khu vực miền Trung - Tây Nguyên tự hào là một vùng đất hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc.

Nhận thức rõ vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong tình hình mới, thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng của các địa phương và các cộng đồng thực hành di sản, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh không những được bảo vệ tốt mà đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn đó nhiều hạn chế, rất cần có những nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu nhằm phân tích, đánh giá, làm rõ những khó khăn, thách thức, đúc rút kinh nghiệm và các vấn đề đặt ra, cũng như đề xuất các giải pháp và định hướng chính sách nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. 

 

Toàn cảnh phiên thứ nhất của Hội thảo

Để đạt được mục tiêu Hội thảo đề ra, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi đề nghị các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các diễn giả, học giả cùng thảo luận làm rõ những nội dung sauThứ nhất, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, làm rõ mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa đặc biệt này, để từ đó thống nhất nhận thức, tư duy của các nhà hoạch định chính sách sau này. Thứ hai, làm rõ quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, những bất cập trong Luật Di sản văn hóa hiện nay cũng như những văn bản pháp quy còn chồng chéo, gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Thứ ba, đánh giá, làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, tổng kết những thành tựu đạt được, đặc biệt là thẳng thắn làm rõ những bất cập, hạn chế và xác định những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong hiện tại và tương lai. Thứ tư, đặt trong bối cảnh mới hiện nay, hội thảo cần nhận diện được các tiềm năng, các lợi thế cũng như những cơ hội và thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy; xác định định hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên; tập trung vào những kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách có tính đột phá nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản quý giá này, đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng và cả nước.

 

Các nhà khoa học,nhà quản lý, nghệ nhântrao đổi, thảo luận tại phiên bàn tròncủa Hội thảo

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện với 42 tham luận được gửi đến.

Tại Hội thảo, các tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - từ thực tiễn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; Vai trò của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thừa Thiên Huế; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật bài chòi tại ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định; Các chính sách và dự án phát triển tại làng gốm truyền thống của người Chăm, tiếp cận từ cái nhìn bên trong của cộng đồng Chăm hiện nay; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ - từ nhận thức tới thực tiễn; Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam tại Cố đô Huế;...

Tổng kết Hội thảo, PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III đánh giá cao chất lượng khoa học của các bài tham luận và những ý kiến phát biểu của nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả với nhiều gợi mở có giá trị và cần thiết trong xây dựng cơ chế, chính sách nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Ban Biên tập Cổng TTĐT

 (Tin: Duy Hoà; Ảnh: Tiến Sỹ)

Tag:

Tổng biên tập

Alternate Text

  • Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng

  • Email:

  • Liên hệ: 02363.831.174