xem cỡ chữ
T
1. Cuối tháng 10 năm 1944, Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về Hà Quảng, Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa. Sau khi phân tích tình hình cách mạng trong nước, Người triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đến Pác Bó đẻ bàn bạc và ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân[1]. Nội dung chỉ thị gồm ba vấn đề chủ yếu: (1) Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Đội có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành lên mãi. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. (2) Đối với các đội vũ trang địa phương: tập trung huấn luyện các cán bộ địa phương rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến. (3) Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, “lai vô ảnh, khứ vô tung”, Người tin tưởng và khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[2].
Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân (ảnh tư liệu)
Thực hiện Chỉ thị trên, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, tại khu rừng Sam Cao (còn gọi là Trần Hưng Đạo), thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng). Đội gồm có 34 đội viên, được biên chế thành một trung đội (chia làm ba tiểu đội) do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy; đồng chí Hoàng Sâm được chỉ định làm đội trưởng; đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và ngày 22-12 trở thành ngày truyền thống - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Với mong muốn quân đội Việt Nam trở thành đội quân cách mạng và anh hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm, xây dựng quân đội về mọi mặt.
Trước hết, về xây dựng về lực lượng: Người chủ trương xây dựng quân đội gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương, Dân quân du kích. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân đã từng bước được phát triển và hoàn chỉnh, từ xây dựng các đội du kích, đội tự vệ, đến xây dựng đội chủ lực, từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến Việt Nam giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại.
Về xây dựng về tổ chức: Trong quá trình phát triển cuộc cách mạng, Người luôn coi bộ đội chủ lực là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh chính quy, là lực lượng cơ động trên những địa bàn quan trọng của các chiến trường. Tháng 8/1949, Đại đoàn 308 - đại đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập, có nhiệm vụ đi tiên phong trên con đường vận động chiến. Ngày 22/05/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL thành lập Quân đội quốc gia Việt Nam. Trong quá trình phát triển cuộc cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi bộ đội chủ lực là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh chính quy, là lực lượng cơ động trên những địa bàn quan trọng của các chiến trường. Người thành lập các đại đoàn tiên phong trong quân đội chủ lực (Đại đoàn 308 năm 1949; Đại đoàn 304, 312, 316 năm 1950). Ngày 7/04/1949, Người ký Sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương. Đây là một bộ phận của quân đội thường trực, do cấp uỷ địa phương trực tiếp lãnh đạo về mọi mặt, cơ quan quân sự địa phương trực tiếp chỉ huy, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên. Bộ đội địa phương là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh vũ trang và chiến tranh nhân dân ở địa phương, có nhiệm vụ tác chiến cơ động trên địa bàn; cùng bộ đội chủ lực và dân quân du kích, tự vệ tác chiến tiêu diệt, tiêu hao lực lượng quân địch. Để chính quy hóa đội quân cách mạng, ngày 20/1/1948, Người ký Sắc lệnh số 110/SL, phong quân hàm cấp tưởng cho các đồng chí đứng đầu quân đội, trong đó phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng lực lượng địa phương, “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”[3]. Người đã biên soạn hoặc chỉ đạo biên soạn một số tài liệu Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Trung Hoa, Kinh nghiệm du kích Pháp, Phép dùng binh Tôn Tử, Sách dạy làm tướng của Khổng Minh… để trang bị kiến thức về chiến thuật và cách đánh du kích cho các lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành và giữ chính quyền cách mạng.
Cùng với xây dựng tổ chức, Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo bồi dưỡng ý thức chính trị và bản chất cách mạng cho lực lượng vũ trang nhân dân. Người xác định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân”[4]. Đi đôi với bồi dưỡng chính trị, Người cũng luôn nhắc nhở các lực lượng vũ trang phải ra sức rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực để nâng cao trình độ tác chiến. Người khẳng định: “Một quân đội văn hay võ giỏi là một quân đội vô địch”[5]. Tại Lễ khai giảng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (trường đào tạo sĩ quan đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng nhà trường lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”. Sau đó, Người căn dặn học viên sĩ quan phải luôn phấn đấu cho mục đích “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của Việt Nam”[6]. Điều nay, tiếp tục được Người khẳng định trong bài nói chuyện tại buổi chiêu đãi mừng quân đội ta 20 tuổi (ngày 22/12/1964): “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[7]. Lời dạy của Bác trở thành lời thề của tất cả các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của ta. Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân trở thành phẩm chất hàng đầu của người cách mạng và mỗi quân nhân trong Quân đội. Trung với Đảng, trung với nước của quân đội trước hết thể hiện ở sự tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, là trung thành với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Hiếu với dân là phải gắn bó với nhân dân, gần gũi nhân dân, dựa vào dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, để dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ và bao bọc chở che.
Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn mang trong mình bản chất của Nhân dân. Điều này cũng được khởi nguồn từ chính tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người chỉ rõ: Quân đội ta là Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, quân với dân như cá với nước. Là quân đội của nhân dân, phải sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, nhưng tuyệt đối không động đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người làm công tác dân vận giỏi, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Quân đội ta thực sự trở thành điểm tựa và niềm tin của nhân dân, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là hình mẫu rất đẹp về đức hy sinh chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, là nhân cách con người Việt Nam mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ. Theo Người, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ cũng là thể hiện chủ nghĩa nhân văn của dân tộc Việt Nam, cốt lõi là lòng thương yêu con người vô hạn. Tháng 11/1946, Người đã ra thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi, hằng năm đều có thư thăm hỏi động viên, khuyến khích thương binh, gia đình liệt sỹ. Đến ngày 16/02/1947, Người đã ký Sắc lệnh số 20-SL “quy định chế độ hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho thân nhân, tử sĩ”[8]. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của công tác thương binh, liệt sĩ và thân nhân. Trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1969, Người đã rất nhiều lần “gửi quà, tiền nhân ngày thương binh, liệt sỹ.”[9]… Sự quan tâm cùng với những món quà của Người đã cho thấy mạch nguồn của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong lịch sử văn hóa dân tộc. Trên cơ sở tư tưởng của Người, tại Hội nghị toàn thể do Cục Chính trị tổ chức, đã quyết định lấy ngày 27/7/1947 là Ngày thương binh toàn quốc. Tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi Ngày thương binh toàn quốcthành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
3. Dưới ánh sáng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công hiển hách cả trong thời chiến và thời bình. “nếu trong thời chiến, những chiến thắng hiển hách của quân đội ta đều là những chiến thắng trước kẻ thù xâm lược và phá hoại (thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Khơ-me Đỏ ở biên giới Tây Nam; Trung Quốc ở biên giới phía Bắc…) thì trong thời bình, đó là sự dũng cảm, mưu lược đầy trí tuệ và khoa học trước những nhiệm vụ mới. Đó là Dự báo và nắm chắc đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại; luôn chủ động để đất nước không bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; luôn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; luôn là lực lượng xung kích đi đầu và thể hiện trách nhiệm cao trong việc giúp dân, giúp nước trong phòng chống đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ...”[10].
Lịch sử 80 năm (22/12/1944 - 22/12/2024) với những chiến công mang tầm vóc thời đại của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh: Tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về quân đội luôn là ngọn đuốc sáng soi đường cho Quân đội ta hoàn thành mọi nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh không những đảm bảo cho Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, mà còn là cách để Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Thực hiện: TS Nguyễn Mậu Linh & ThS Phạm Văn Hoà, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2011, t.3, tr.539-540
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2011, t.3, tr.540
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 158.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.217
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.470
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.271
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435
[8] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, NXB CTQG, Hà Nội, tr.675.
[9] Hồng Thiết, "Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh liệt sĩ vẫn luôn là bài học quý giá", Tạp chí Cộng sản điện tử, đăng ngày 24/7/2017.
[10] Bùi Tiến Sỹ, Trần Văn Quang: “Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về vai trò của công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam”, Tạp chí Tuyên Giáo, Tạp chí Tuyên giáo, ISSN: 1859-2259, số 8/2023.
Tag:
Tổng biên tập
Hội nghị Tổng kết công tác Công đoàn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75A56.5 nghiên cứu thực tế tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay”
Khai giảng lớp Bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh
Hội thảo khoa học: “Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”
Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng
Email:
Liên hệ: 02363.831.174