Sign In

Xây dựng gia đình là nền tảng quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

11:27 27/06/2025

Chọn cỡ chữ A a    

(HCMA3) - Gia đình không chỉ là tế bào của xã hội, mà còn là nền tảng quan trọng, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh càng trở nên cấp thiết.


Gia đình là tế bào, thiết chế cơ bản của xã hội, có vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển của cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”[1]

Quan hệ gia đình được hình thành khách quan và “tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển của lịch sử: hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình[2]. Trình độ phát triển của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc tái tạo ra bản thân con người, bảo vệ nòi giống cũng như tái tạo ra sức lao động cho nền sản xuất xã hội.  

Ở Việt Nam, từ trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, một gia đình nhỏ đã phát triển thành đại gia đình dân tộc. Thời kỳ phong kiến, dưới ảnh hưởng của quan điểm Nho giáo, gia đình với ba mối quan hệ cơ bản: cha-con, chồng-vợ, anh-em, trở thành những quan hệ rường cột của xã hội. Các phẩm chất: Trung-Hiếu-Nhân-Lễ-Trí-Tín, trước tiên được ứng xử, rèn luyện và thử thách trong gia đình. Từ trong lịch sử dân tộc, gia đình đã là một trong những nền tảng để xây dựng con người, dân tộc Việt Nam ngày càng giàu mạnh. 

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng Gia đình, như: Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Quyết định số 2238/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Hệ thống văn bản pháp luật cũng ngày càng được hoàn thiện, như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã và đang tạo ra khung pháp lý quan trọng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Theo số liệu năm 2024, cả nước có 28.146.939 hộ dân cư, tăng 3,9 triệu hộ so với năm 2014 và gấp khoảng 1,25 lần so với 15 năm trước (năm 2009). Hàng triệu gia đình Việt Nam đã thoát nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 1.91% năm 2024 theo chuẩn nghèo mới cao hơn trước đó. Chất lượng cuộc sống của gia đình đã được cải thiện đáng kể, “Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2024 theo giá hiện hành đạt 5,4 triệu đồng, tăng 9,1% so với năm 2023”[3]; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2023 là 0.766 xếp thứ 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi chỉ số này vào năm 1990 là 0.499. Chỉ số hạnh phúc năm 2025 tăng 8 bậc so với năm 2024, xếp thứ 46/143 quốc gia. 

 

Kinh tế hộ gia đình đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương và đất nước.

Trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với thành tựu và kinh nghiệm trong xây dựng gia đình, cho phép chúng ta khẳng định rằng, “sẽ không có truyền thống của dân tộc nếu không có truyền thống trong thiết chế gia đình. Thông qua các chức năng kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, tình cảm, xã hội hóa con người…, gia đình không chỉ đóng góp tích cực vào sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần mà còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, bảo toàn, phát triển và chuyển tiếp các giá trị của dân tộc cho thế hệ sau”[4]. Gia đình xứng đáng là một trong những nền tảng quan trọng xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới mà không có một thiết chế xã hội nào thay thế được. Điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; cung cấp nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đạo hiếu, tình nghĩa vợ chồng, anh em, tình yêu thương, sự đùm bọc,v.v. được gia đình gìn giữ và trực tiếp giáo dục cho con cháu. Giáo dục gia đình thấm sâu vào nhân cách, đạo đức và trực tiếp tham gia điều chỉnh hành vi, nhận thức của con người cho phù hợp với giá trị đạo đức chung, tiến bộ của xã hội. Giáo dục gia đình hạn chế những xung đột, đẩy lùi cái xấu, cái ác trong con người. 

Từ trong gia đình đã trực tiếp cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực dồi dào, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển toàn diện, hài hòa giá trị truyền thống và hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

 

    Chiến sĩ Hải quân lưu luyến chia tay gia đình để lên đường làm nhiệm vụ_Ảnh: Internet

Thứ hai, gia đình gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc- sức mạnh mềm bền vững của xã hội.

Gia đình gắn kết các thế hệ, giữ gìn và phát huy chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc từ cơ sở. Gia đình khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Ý thức cộng đồng - nét đẹp và đặc trưng của người Việt được hun đúc từ trong gia đình, thấm sâu vào mỗi gia đình, cá nhân, chi phối quan hệ gia đình, làm cho các thành viên trong gia đình luôn gắn bó, bao bọc, quan tâm và chăm sóc nhau. Ý thức cộng đồng trong gia đình được thể hiện qua gìn giữ và duy trì truyền thống dân tộc: thờ cúng tổ tiên, tổ chức các ngày lễ, tết, nhớ ơn các anh hùng, người có công với đất nước, nhớ về nguồn cội.

Thứ ba, kinh tế hộ gia đình đóng góp trực tiếp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, có hơn 60% dân số sống ở nông thôn, hơn 9 triệu hộ sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những con số này cho thấy kinh tế hộ gia đình là lực lượng sản xuất chính trong nông nghiệp Việt Nam. Hằng năm đóng góp vào GDP gần 20% trên cơ sở sử dụng lao động gia đình. Kinh tế hộ gia đình là loại hình kinh tế phổ biến ở nước ta với các hoạt động đa dạng, phong phú; là mắt xích quan trọng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Với chủ trưởng xây dựng “nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả”, kinh tế hộ gia đình được trao quyền tự chủ, được khuyến khích phát triển; nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương và đất nước. 

Ban Biên tập Cổng TTĐT

(Thực hiện: TS Đinh Thị Phượng, Khoa Triết học)



[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.300.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41.

[3]Cơ quan thống kê quốc gia, Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư 2024,  https://www.nso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2025/05/thong-cao-bao-chi-ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-nam-2024/, truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2025.

[4] Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2024), Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.284. 

Tổng biên tập

Alternate Text

Bình luận

Danh sách bình luận

Số lượng ý kiến bài viết: 0

Năm phát hành

Xem

Thống kê lượt truy cập

Lượt truy cập:

Khách online: