Sign In

Ngày Quốc tế Lao động đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới

  15:00 30/04/2025
(HCMA3) - Năm nay, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2025) - một sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong tiến trình phát triển của nhân loại. Bài viết phân tích ý nghĩa lịch sử và giá trị đương đại của Ngày Quốc tế Lao động đối với giai cấp công nhân và người lao động trên toàn thế giới, nhằm hướng đến xây dựng một thế giới tiến bộ, văn minh, vì những mục tiêu chung của thời đại.

Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ sự kiện Haymarket ở thành phố Chicago, Mỹ, diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04/5/1886. Ảnh: Internet.

1. Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Vào thế kỷ XIX, quá trình công nghiệp hóa ở các nước phương Tây phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ. Sự phát triển của máy móc, nhà máy, đường sắt và các ngành công nghiệp nặng, không chỉ tạo ra những thay đổi sâu sắc về kinh tế mà còn làm biến đổi cấu trúc xã hội. Trong bối cảnh ấy, một giai cấp mới hình thành - giai cấp công nhân. Tuy nhiên, trong mối quan hệ lao động với chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân bị khai thác, bóc lột thậm tệ sức lao động. Công nhân phải làm việc từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày, trong môi trường ô nhiễm, nguy hiểm, không có bảo hiểm, không có quyền nghỉ phép, nghỉ lễ. Mức lương chỉ đủ để duy trì sự sống, trong khi giới chủ tư bản tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ từ giá trị thặng dư mà công nhân tạo ra. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt đã bộc lộ mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. 

Phản kháng là tất yếu, nhưng khác với các cuộc nổi dậy tự phát trước đó (chủ yếu đập phá máy móc), các cuộc đấu tranh giữa cuối thế kỷ XIX có tính tổ chức, có mục tiêu rõ ràng và có định hướng chính trị - xã hội sâu sắc. Đặc biệt, cuộc vận động đòi giới hạn thời gian lao động còn 8 giờ mỗi ngày chính là bước ngoặt mang tính lịch sử. Khẩu hiệu nổi tiếng: “Eight hours for work, eight hours for rest, eight hours for what we will” (Tám giờ làm việc, tám giờ nghỉ ngơi, tám giờ cho những gì ta muốn) là sự khẳng định đanh thép về quyền được sống, quyền được làm người. Đằng sau khẩu hiệu đó là tư tưởng tiến bộ: công nhân không chỉ đòi ít làm hơn mà đòi quyền được nghỉ ngơi, được học tập, được sáng tạo, được yêu thương - tức là quyền được phát triển toàn diện. 

Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh là sự kiện Haymarket ở thành phố Chicago, Mỹ, diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 5 năm 1886. Cuộc biểu tình ôn hòa của hàng nghìn công nhân nhanh chóng bị chính quyền đàn áp. Cảnh sát dùng vũ lực mạnh tay, khiến nhiều người chết và bị thương. Bảy thủ lĩnh công đoàn bị kết án tử hình - trong đó có bốn người bị treo cổ công khai. Mặc dù bị đàn áp đẫm máu và bi thảm, nhưng không làm phong trào lao động suy yếu. Trái lại, nó trở thành biểu tượng của tinh thần đấu tranh bất khuất của giai cấp công nhân toàn cầu. Dư luận quốc tế lên án sự đàn áp dã man và bày tỏ sự cảm phục trước lòng quả cảm của những người công nhân lao động.

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày Ngày Quốc tế Lao động. Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 1/5/1890 lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”.Năm 1920, được sự phê chuẩn của Lênin, Liên Xô là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành và áp dụng.

2. Ý nghĩa vượt thời gian của ngày Quốc tế Lao động 1/5

Việc công nhận ngày 1/5 là ngày lễ quốc tế không chỉ mang ý nghĩa tưởng niệm những người đã hy sinh vì quyền lợi người lao động mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế của phong trào công nhân. Trong lịch sử, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 trở thành không gian để các lực lượng tiến bộ lên tiếng phản đối bất công, đòi quyền tự do, dân chủ, cải thiện điều kiện sống và làm việc. Tại nhiều nước, đây là dịp để các đảng chính trị cánh tả, công đoàn, tổ chức xã hội dân sự tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động chính sách có lợi cho người lao động. Không chỉ ở phương Tây, tinh thần của ngày 1/5 nhanh chóng lan rộng sang các nước thuộc địa và phụ thuộc, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng, phong trào công nhân -  nông dân và phong trào giải phóng dân tộc. 

 

Người lao động đã từng phải làm việc rất vất vả cho các xí nghiệp tư bản. Ảnh: Internet.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là minh chứng lịch sử rõ rệt vai trò lịch sử của giai cấp công nhân như một lực lượng chính trị độc lập, có khả năng lãnh đạo và làm thay đổi xã hội. Trong các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, vai trò tiên phong, tổ chức và đấu tranh của giai cấp công nhân luôn được khẳng định. Từ Cách mạng tháng Mười Nga đến phong trào cách mạng ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…, giai cấp công nhân đã chứng minh năng lực lịch sử trong việc gắn kết lý tưởng giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, từ đó hình thành các mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa hướng tới công bằng, bình đẳng và nhân văn. Ngày 1/5 chính là dịp để khẳng định lại vai trò lịch sử ấy, củng cố bản sắc chính trị và lý tưởng cách mạng của giai cấp công nhân toàn cầu.

Trong thời đại toàn cầu hóa, các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ ngày càng có tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau. Giai cấp công nhân ngày nay không còn bó hẹp trong một quốc gia, một lĩnh vực sản xuất truyền thống, mà đã đa dạng hóa về thành phần và tính chất. Họ có thể là công nhân trong các khu công nghiệp xuyên quốc gia, lao động dịch vụ, kỹ sư công nghệ thông tin, hay cả những người lao động tự do trong nền kinh tế số. Sự đa dạng đó đặt ra những yêu cầu mới về quyền lợi, vị thế và cách thức tổ chức đại diện cho người lao động trong bối cảnh thị trường linh hoạt và phân tầng phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là dịp để gợi nhớ về cuộc đấu tranh chống bóc lột trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, mà còn là dịp để khẳng định vai trò trung tâm của người lao động trong nền kinh tế toàn cầu. Việc bảo vệ quyền lợi người lao động - từ quyền được làm việc, được bảo hiểm xã hội, được tham gia công đoàn, đến quyền được học tập suốt đời và chuyển đổi nghề.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa... đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc lao động toàn cầu. Máy móc hiện đại thay thế nhiều công việc truyền thống, đòi hỏi người lao động phải sáng tạo, thành thạo kỹ năng số và có tư duy hệ thống. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với giai cấp công nhân, đặc biệt là nhóm lao động giản đơn. Song, đây cũng là cơ hội để người lao động tiếp cận tri thức, làm việc linh hoạt và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, điều cốt yếu là phải đảm bảo lợi ích từ đổi mới công nghệ không chỉ tập trung vào một nhóm thiểu số, mà cần lan tỏa và nâng cao năng lực toàn diện của giai cấp công nhân. Trong bối cảnh đó, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là lời nhắc nhở về sứ mệnh lịch sử của các tổ chức công đoàn, đảng chính trị, nhà nước và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát huy vai trò người lao động như là trung tâm của tiến trình phát triển. Tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là biểu tượng phản kháng, mà còn là khát vọng đổi mới, chủ động thích ứng và vươn lên trong thời đại số.

Ở Việt Nam, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong trong mọi giai đoạn lịch sử, từ kháng chiến chống thực dân, đế quốc đến xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước. Ngày Quốc tế Lao động không chỉ tôn vinh vai trò lịch sử của công nhân mà còn là dịp giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố ý chí vươn lên, khẳng định niềm tự hào và trách nhiệm trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là dịp để khơi dậy tinh thần yêu nước, gắn bó với Tổ quốc, chế độ và lý tưởng cộng sản.

Ngày Quốc tế Lao động ở Việt Nam luôn được tổ chức trọng thể với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là dịp thể hiện sự tri ân đối với những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động vào công cuộc phát triển đất nước, đồng thời là minh chứng cho đường lối nhất quán của Đảng ta về phát triển con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển. Các chính sách về lương, an sinh xã hội, bảo hiểm, đào tạo nghề, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là những hành động cụ thể, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Trước yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cần tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng trong công nhân, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ công nhân hiện đại, có trình độ tay nghề cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng thích ứng linh hoạt với những biến đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ và thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số.

Cho dù 139 năm đã trôi qua, nhưng Ngày Quốc tế Lao động 1/5 vẫn là một biểu tượng giàu ý nghĩa, là di sản lịch sử quý báu của giai cấp công nhân thế giới. Trong bối cảnh hiện đại, tinh thần ấy cần tiếp tục được kế thừa và phát triển, để Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là ngày kỷ niệm, mà là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, người lao động trên toàn thế giới.

Ban Biên tập Cổng TTĐT

(Thực hiện: TS Lê Văn Phục, Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học)

 

 

Tag:

Tổng biên tập

Alternate Text

  • Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng

  • Email:

  • Liên hệ: 02363.831.174