xem cỡ chữ
T
TS PHẠM VĂN HỒ
Học viện Chính trị khu vực III
Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858), đặc biệt từ khi nhà Nguyễn chính thức đầu hàng thực dân Pháp (1884), xã hội Việt Nam tồn tại nhiều mâu thuẫn, trong đó nổi lên hai mâu thuẫn cơ bản, đó là mâu thuẫn dân tộc và giai cấp, trong đó, gay gắt nhất, chủ yếu nhất là mâu thuẫn dân tộc.
Tất cả các giai cấp, tầng lớp, kể cả các giai cấp, tầng lớp cũ và mới, đều có đều có nhu cầu bức thiết chung đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng đất nước.
Trước yêu cầu đòi hỏi của lịch sử dân tộc, các phong trào yêu nước liên tục diễn ra hướng đến đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, tiêu biểu như phong trào Cần Vương (1885 - 1896); phong trào yêu nước theo lập trường tư sản, dân chủ tư sản với hoạt động của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; hoạt động của tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học tổ chức với khẩu hiệu “không thành công thì thành nhân”…Các phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi, liên tục nhưng tất cả đều không thành công, nguyên nhân chủ yếu nhất là do thiếu đường lối cứu nước đúng đắn.
Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, năm 1911, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm con đường cứu nước. Gần 10 nǎm bôn ba khắp các châu lục (1911 - 1920), Nguyễn Ái Quốc đến những nước thuộc địa và những nước đế quốc như Anh, Mỹ, Pháp... quan sát, nghiên cứu, đã phát hiện một sự thật của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Ở đâu, CNTB cũng tàn bạo như nhau.
Dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917); đặc biệt, sau khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin (7 - 1920) đã giúpNguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam. Tháng 12 - 1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản do Lênin sáng lập và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chân chính chuyển sang lập trường cộng sản.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến hoạt động lý luận và thực tiễn để đưa tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân ở Việt Nam. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam thế hiện mấy điểm lớn như sau:
Một là, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam
Quá trình chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc vào việt Nam diễn ra liên tục từ năm 1921 đến năm 1930 là một quá trình liên tục, đi từ thấp lên cao, có chủ đích.
Về tư tưởnng, tại Pháp, giữa năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng của các nước thuộc địa khác thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, sau đó sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) vào ngày 1-4-1922. Người viết nhiều bài trên các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí Cộng sản, Tập san Thư tín quốc tế... Năm 1922, Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp được thành lập, Nguyễn Ái Quốc được cử làm Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu về Đông Dương. Vừa nghiên cứu lý luận, vừa tham gia hoạt động thực tiễn trong phong trào cách mạng ở các nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc tích cực tố cáo, lên án bản chất áp bức, bóc lột, nô dịch của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa và kêu gọi, thức tỉnh nhân dân bị áp bức đấu tranh giải phóng. Người đã góp phần quan trọng vào việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa. Chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, xác định chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền tư tưởng Mác - Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp với các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Về chính trị, xuất phát từ thực tiễn cách mạng thế giới và đặc điểm của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, kế thừa và phát triển quan điểm của V.I.Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đưa ra những luận điểm quan trọng về cách mạng giải phóng dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, con đường cách mạng của các dân tộc bị áp bức là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Mặt khác, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đặc điểm của một nước thuộc địa như Việt Nam: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. Xác định cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, nhưng cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc, góp phần tích cực thúc đẩy cách mạng vô sản ở chính quốc.
Đối với các dân tộc thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: Trong nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo nhất, bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề, vì vậy phải thu phục và lôi cuốn được nông dân, phải xây dựng khối liên minh công nông làm động lực cách mạng: “Công nông là gốc của cách mệnh; còn học trò nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn cách mệnh của công nông”1. Do vậy, Người xác định rằng, cách mạng “là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc của một hai người”2.
Lý luận về Đảng Cộng sản, Người khẳng định: “Cách mạng trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”3.
Những quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc được truyền bá qua Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, từng bước được chuyển tải về trong nước (qua phong trào “Vô sản hóa” từ năm 1928) làm cho phong trào công nhân và các phong trào yêu nước Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ.
Về tổ chức, sau khi lựa chọn con đường cứu nước - con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc thực hiện “lộ trình” “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”4. Vì vậy, chỉ sau một thời gian hoạt động ở Liên Xô để tìm hiểu, khảo sát thực tế về cách mạng vô sản, tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc), nơi có đông người Việt Nam yêu nước hoạt động để xúc tiến các công việc tổ chức thành lập đảng cộng sản. Tháng 2 - 1925, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã, lập ra nhóm Cộng sản đoàn. Tháng 6 - 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), nòng cốt là Cộng sản đoàn. Hội đã công bố chương trình điều lệ của Hội, mục đích của Hội là để làm cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành độc lập cho xứ sở) rồi sau đó làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản). Hội mở lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin cho những người trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ban lãnh đạo Hội còn cử người đi học Trường Đại học Cộng sản phương Đông (Liên Xô), Trường Quân chính Hoàng Phố (Trung Quốc). Hội xuất bản tờ báo Thanh niên in bằng chữ quốc ngữ, ra được 208 số.
Ở trong nước, từ đầu năm 1926, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bắt đầu phát triển cơ sở ở trong nước, đến đầu năm 1927 các kỳ bộ được thành lập. Ngoài ra, Hội còn chú trọng xây dựng cơ sở trong Việt kiều ở Xiêm (Thái Lan).
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chưa phải là chính đảng cộng sản, nhưng chương trình hành động đã thể hiện quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, là tổ chức tiền thân dẫn tới ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Hội là tổ chức trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và cũng là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân ở Việt Nam. Những hoạt động của Hội có ảnh hưởng và thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển biến của phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam những năm 1928 - 1929 theo xu hướng cách mạng vô sản.
Có thể thấy, từ lúc đứng vào đội ngũ những người cộng sản Pháp đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Ái Quốc hoạt động không biết mệt mỏi, liên tục để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam.
Trong quá trình truyền bá tư tưởng cách mạng theo khuynh hướng vô sản, Nguyễn Ái Quốc đã tùy từng điều kiện lịch sử cho phép mà sử dụng triệt để mọi hình thức, từ báo chí, sách vở đến xây dựng một tổ chức cách mạng và đào tạo những cán bộ tuyên truyền tổ chức.
Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không còn thích hợp và đủ sức lãnh đạo phong trào. Trong bối cảnh đó, tháng 3 -1929, những người lãnh đạo kỳ bộ Bắc Kỳ (Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu...) họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, quyết định lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Đầu tháng 5 - 1929, tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Tổng hội triệu tập tại Hương Cảng, kiến nghị của đoàn đại biểu kỳ bộ Bắc Kỳ về việc giải tán Hội để thành lập Đảng cộng sản không đựợc chấp nhận. Đoàn đại biểu kỳ bộ Bắc Kỳ đã rút khỏi Đại hội. Sau khi về nước, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã giải thích lý do thoát ly Đại hội và khẳng định đã có đủ những điều kiện để thành lập chính đảng cách mạng. Ngày 17-6-1929, hơn 20 đại biểu của các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ họp tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng; thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ; lấy cờ đỏ búa liềm là Đảng kỳ và quyết định xuất bản báo Búa Liềm làm cơ quan ngôn luận.
Trước ảnh hưởng của Đông Dương Cộng sản Đảng, kỳ bộ Nam Kỳ quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng (tháng 8 - 1929), xuất bản tờ báo "Đỏ" làm cơ quan ngôn luận. Tại Trung Kỳ, Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức thanh niên yêu nước - lúc đầu gọi là Hội Phục hưng Việt Nam, gọi tắt là Phục Việt) đã đi theo khuynh hướng cách mạng vô sản, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào tháng 12 - 1929.
Sự ra đời ba tổ chức cộng sản trên cả nước diễn ra trong vòng nửa cuối năm 1929 đã khẳng định bước tiến về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng vô sản, phù hợp với xu thế và nhu cầu bức thiết của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở ba miền (đều tuyên bố ủng hộ Quốc tế Cộng sản, kêu gọi Quốc tế Cộng sản thừa nhận tổ chức của mình và đều tự nhận là đảng cách mạng chân chính) không tránh khỏi phân tán về lực lượng và thiếu thống nhất về tổ chức trên cả nước. Đặc biệt, cuối năm 1929 đã xảy ra tình trạng hai tổ chức: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng tranh chấp ảnh hưởng trong quần chúng, bài xích lẫn nhau và mỗi tổ chức đều muốn đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản. Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản nêu rõ nhiệm vụ của những người cộng sản Đông Dương (theo tài liệu ghi ngày 27-10-1929 của Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương): “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức duy nhất ở Đông Dương”5.
Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm, không biết tới nội dung bản chỉ thị ngày 27-10-1929 của Quốc tế Cộng sản, tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng nguy cơ phân liệt, “với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”6, Người gấp rút đi Hồng Kông, gửi thư về nước mời đại diện của các tổ chức cộng sản sang Hồng Kông bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản. Với quyết định chủ động và kịp thời này, cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm và ngày 23 - 12, Người đến Trung Quốc, gặp gỡ những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây để tìm hiểu thêm tình hình. Sau đó, Người đi Hồng Kông, chuẩn bị công việc cho hội nghị hợp nhất.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 18-02-1930 Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái...”. Tại Cửu Long, Hồng Kông, từ ngày 6-1-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự hội nghị có các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng gồm Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng gồm Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm. Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã thành lập, song chưa có liên hệ, nên chưa cử được đại biểu tới dự. Tham gia giúp việc hội nghị là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Hội nghị hợp nhất diễn ra khẩn trương, thuận lợi và đạt được sự nhất trí hoàn toàn, trên cơ sở bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, đặt tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Ngày 8-2-1930, các đại biểu dự hội nghị thành lập Đảng đã về nước. Ngày 24-2-1930, một hội nghị quan trọng được tổ chức tại Sài Gòn để xem xét yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản của Đông Dương Cộng sản liên đoàn và nhất trí công nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thành công của hội nghị và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi, trí tuệ, uy tín và đạo đức cách mạng, tính chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Với uy tín và trí tuệ của mình, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành Người sáng lập Đảng - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Phương pháp hợp nhất các tổ chức cộng sản là phương pháp tối ưu trong tình hình lúc bấy giờ vì các tổ chức cộng sản sản này đều vì mục đích giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, đều khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản. Trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương được công bố năm 1933, tác giả Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đã đánh giá cống hiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với sự kiện thành lập Đảng: “Công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”7.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp, có giá trị như một đại hội thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước: thời kỳ giai cấp công nhân và đảng tiên phong của nó đứng ở vị trí trung tâm, lãnh đạo phong trào cách mạng. Đường lối đúng đắn của Đảng được thông qua tại Hội nghị hợp nhất đã quyết định nội dung, phương pháp, bước đi của cách mạng Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam bước vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, xây dựng chế độ mới.
Việc tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và việc soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện sự sáng tạo của mình trong cả hoạt động lý luận và thực tiễn. Đánh giá về sự kiện trọng đại này trong lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”8 .
Ngay từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự trở thành người lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước đi lên, làm nên những kỳ tích, bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đáp ứng khát vọng của nhân dân Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhận định: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”9.
Hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên; việc điều chỉnh chiến lược và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn khiến các nước nhỏ luôn phải ứng phó với những biến động khó lường. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định. Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh tài chính, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh... ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững đất nước.
Ở trong nước, sau gần 40 năm đổi mới, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, Việt Nam đã “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”10; vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, khiếm khuyết. Sự nghiệp cách mạng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; các mối đe dọa độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước, nhất là trên Biển Đông; vấn đề an ninh phi truyền thống; tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự chống, phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động... Trước những thách thức, khó khăn đó, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu cấp bách đặt ra.
Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vấn đề hang đầu hiện nay, Đảng ta tiếp tục tăng cường hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, vững mạnh toàn diện; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thành tựu đổi mới của Nhân dân ta, dân tộc ta. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược thật sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực và uy tín. Tăng cường kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm và có tính đột phá; kiểm soát quyền lực chặt chẽ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; coi trọng và tăng cường đoàn kết trong Đảng, lấy đoàn kết của Đảng làm cơ sở, nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; phát huy truyền thống, sức mạnh đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện, phù hợp với công cuộc đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam trong 95 năm qua đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cách mạng chân chính nhất, là đảng cầm quyền, là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”11 . Đó chính là bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của Đảng và cũng là cội nguồn làm nên sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp, của Nhân dân, của dân tộc, coi đó là điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi đường lối, chính sách của Đảng, đúng như lời chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của Nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”12.
5, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 1998, t. 1, tr. 614; 1999, t. 4, tr. 409.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. 1, Nxb. CTQG - ST, H, 2021, tr. 20.
Tag:
Tổng biên tập
Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Không thể xuyên tạc, phủ nhận sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam!
Thư chúc mừng năm mới của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Mười sự kiện, hoạt động nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 2024
Gặp mặt cán bộ, viên chức Học viện đang đi học trong năm 2024
Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng
Email:
Liên hệ: 02363.831.174