xem cỡ chữ
T
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển (1949-2024) với với nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng nhiệm vụ chính trị cơ bản, trọng tâm của Học viện vẫn không thay đổi và ngày càng được mở rộng, tăng cường. Hiện nay, Học viện Chính trị khu vực III thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở các khu vực miền Trung - Tây Nguyên; nghiên cứu khoa học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.
Học viện có 6 đơn vị chức năng và 15 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản; với tổng số 201 cán bộ, viên chức, trong đó có: 58 Phó giáo sư và tiến sĩ, 81 thạc sĩ, 39 cử nhân. Học viện đã trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Những năm gần đây, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Học viện Chính trị khu vực III vẫn tiếp tục có những bước phát triển mới với nhiều thành tích nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực công tác: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế; thông tin, xuất bản; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; công tác Đảng - đoàn thể; xây dựng cơ sở vật chất.
PGS, TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III chủ trì hội thảo khoa học.
Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, bài học kinh nghiệm của Học viện Chính trị khu vực III trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo là luôn kiên định thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của Trường Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao trong từng giai đoạn, gắn chặt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ chính của Học viện được xác định ngay từ khi thành lập và ổn định qua các giai đoạn lịch sử.
Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử đặt ra cho cách mạng những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, đặc thù, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như nghiên cứu, truyền bá lý luận chính trị cần gắn với việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đó. Chúng ta có thể thấy, trong giai đoạn kháng chiến, Trường Đảng cần đào tạo, huấn luyện cho cán bộ tri thức lý luận cơ bản, tập trung vào “huấn luyện” kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng, binh vận, địch vận và năng lực tổ chức, tập hợp quần chúng, tổ chức chiến đấu…
Giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trước yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, quản lý, điều hành được đặc biệt coi trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, tri thức về kinh tế thị trường, chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ cũng là những nội dung học viện cần quan tâm hơn trước. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ xuyên suốt nhưng hiện nay, trước sự thay đổi nhanh chóng của truyền thông, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, học viện cũng cần có những sự điều chỉnh, cập nhật về phương pháp, phương tiện đấu tranh để phù hợp, kịp thời và hiệu quả hơn...
PGS,TS Đoàn Triệu Long, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu tại buổi làm việc với lãnh sự quán Australia (ngày 10-9-2024)
Nhằm tiếp tục đổi mới và thực hiện mục tiêu phát triển, khẳng định vị thế, bản sắc của một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhà trường cần xây dựng một môi trường đoàn kết, dân chủ và đổi mới. Đây là điều kiện tiên quyết để học viện có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm.
Trước yêu cầu đó, nhà trường đã tập trung xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao, phối hợp hiệu quả giữa Đảng ủy, Ban Giám đốc, và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn học viện. Quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện, lãnh đạo nhà trường luôn tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và có sự trao đổi, bàn bạc của cán bộ, đảng viên, giảng viên và học viên, giải quyết hài hòa giữa cống hiến, năng suất, chất lượng, hiệu quả với hưởng thụ vì lợi ích chung của học viện.
Để đạt được mục tiêu đó, mỗi cán bộ, giảng viên luôn chuyên tâm đầu tư có chất lượng cho các nhiệm vụ chuyên môn, coi trọng tính hiệu quả trong mọi công việc. Đội ngũ giáo viên phải lấy chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học làm mục tiêu hướng tới; lấy kết quả công việc là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá, xếp loại, bố trí, sử dụng cán bộ. Để nội dung bài giảng có chất lượng cao, bên cạnh những kiến thức cơ bản, nền tảng thì bài giảng phải có hàm lượng tri thức khoa học cao và cập nhật liên tục, nên cần chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và phải đặt ngang hàng với công tác giảng dạy, gắn liền với giảng dạy; nghiên cứu phải thực sự để phục vụ giảng dạy. Các công trình nghiên cứu cần có giá trị cao về lý luận, đồng thời gắn với các vấn đề thực tiễn của đất nước và các địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên, có thể góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn nội dung bài giảng.
PGS,TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III chụp ảnh lưu niệm với Ban Nữ công học viện
Với cương vị của những người đứng đầu, đội ngũ lãnh đạo học viện cần thực sự tâm huyết, trách nhiệm trong việc xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công chức, viên chức, người lao động và học viên. Đặc biệt, phải có tầm nhìn dài hạn và toàn diện trong việc xây dựng, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của học viện, tập trung đầu tư bài bản, hợp lý, tiết kiệm nhưng hiệu quả và bền vững.
Về nguồn lực, cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực cánh sinh của nhà trường cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các ban, bộ, ngành ở Trung ương; sự hỗ trợ của các địa phương để xây dựng học viện ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Muốn vậy, cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các đơn vị, đoàn thể: Cần thể hiện được sự tiên phong, mẫu mực; nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều; phải thực sự sâu sát với công việc, với đồng chí, đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; mạnh dạn thực hiện việc trao quyền cho các bộ phận chức năng và tăng cường kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các bộ phận đó thực hiện tốt nhiệm vụ. Chính điều này sẽ tạo động lực, khơi dậy sự sáng tạo cho toàn thể cán bộ, giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Trong chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành của Học viện Chính trị khu vực III, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên qua các thời kỳ luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để góp phần tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xứng đáng là Học viện Chính trị mang tên Bác Hồ kính yêu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ban biên tập Công TTĐT
(Dẫn nguồn: https://www.qdnd.vn/)
Tag:
Tổng biên tập
Tạp chí Sinh hoạt lý luận gặp mặt cộng tác viên năm 2024
Lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75A56.2 cùng Sư đoàn Không quân 372 tổ chức gói bánh chưng chào Xuân Ất Tỵ
Lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75A56.2 nghiên cứu thực tế tại tỉnh Phú Yên
Câu lạc bộ Cán bộ trẻ tổ chức thực hành thao giảng
Tổ chức Giải Pickleball lần thứ Nhất chào mừng năm mới 2025
Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng
Email:
Liên hệ: 02363.831.174