xem cỡ chữ
T
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 bất diệt
1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng điển hình trong thế kỷ XX, là một trong những thắng lợi vẻ vang nhất, chói lọi nhất của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã đưa dân tộc Việt Nam lên một vị trí mới với những ý nghĩa về chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Từ đây, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và thời đại Hồ Chí Minh. Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn này, lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 chính là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tưởng nhớ, tri ân lớp lớp những người đã hiến dâng trí tuệ, tuổi trẻ và tính mạng của mình để làm nên giang sơn gấm vóc Việt Nam, đồng thời, là dịp để các thế hệ nhắc nhớ, nhìn nhận sâu sắc, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm lịch sử trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, cứ vào dịp lễ kỷ niệm thiêng liêng về Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 thì các thế lực phản động, thù địch “đến hẹn lại lên” tìm mọi cách bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ định thành quả, tầm vóc và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Trong đó, chúng cho rằng: Cách mạng Tháng Tám là sự “ngẫu nhiên”, sự “ăn may”; Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có vai trò gì(!?); thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không phải là nhờ sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc mà là nhờ một sự “may mắn” của hoàn cảnh lịch sử… Đây là những luận điệu xuyên tạc nguyên hiểm với mục đích tạo ra sự hoài nghi, hiểu sai lệch về thành quả, giá trị, ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng Tháng Tám, về vai trò lãnh đạo của Đảng…
2.Trước những luận điệu xuyên tạc, phản động về Cách mạng Tháng Tám, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc là một nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay.
Phải khẳng định ngay rằng rằng: Những giá trị bất diệt, những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám sẽ mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bảo vệ vững chắc, bởi lẽ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám luôn gắn liền với vai trò lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được thể hiện cụ thể qua một số phương diện sau:
Thứ nhất, không một tổ chức nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam vừa hoạch định đường lối cách mạng một cách đúng đắn vừa luôn chủ động bổ sung, hoàn chỉnh đường lối trong suốt quá trình giải phóng dân tộc
Đường lối cách mạng, yếu tố tiên quyết đưa tới thắng lợi cách mạng Tháng Tám được thể hiện trước hết ở Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt được Đảng thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Tại Hội nghị này, Đảng đã xác định nhiều nội dung quan trọng của dường lối cách mạng Việt Nam. Theo đó, mục tiêu chiến lược cụ thể của cách mạng Việt Nam là: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Mục tiêu này đã làm rõ nội dung: cách mạng thuộc địa nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, chính là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Namlà chống đế quốc và chống phong kiến là nhiệm vụ cơ bản để giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày, trong đó, chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc được đặt ở vị trí hàng đầu; về lực lượng cách mạng, Đảng chủ trương đoàn kết các giai cấp, các lực lượng tiến bộ, cá nhân yêu nước để tập trung chống đế quốc và tay sai,…
Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại (nguồn ảnh: https://media.qdnd.vn/)
Như vậy, với việc thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt tại Hội nghị thành lập Đảng, lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có mộtvăn kiện chính trị đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại. Nhờ đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo trong Cương lĩnh của Đảng, Việt Nam đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước. Cương lĩnh của Đảng cũng đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.
Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, thông qua đầu năm 1930, được Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh. Trên cơ sở nhận định khả năng diễn biến của Chiến tranh thế giới lần thứ hai và căn cứ vào tình hình cụ thể trong nước, Hội nghị Trung ương 6 (11-1939), Hội nghị Trung ương 7 (11-1940) và Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) - Hội nghị do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc và cách mạng dân chủ, xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam khi đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[2]. Tại Hội nghị Trương ương 8 (5/1941), Đảng chủ trương tích cực chuẩn bị tiến tới cuộc khởi nghĩa, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này. Đảng xác định: cuộc đấu tranh giành độc lập “phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”[3]
Như vậy, thắng lợi của một cuộc cách mạng không bao giờ là “tự dưng đến”, mà là phải biết chuẩn bị để giành lấy nó. Cách “chuẩn bị” trong Cách mựng Tháng Tám chính là sự hoạch định đường lối đúng đắn và từng bước bổ sung, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành. Đây chính là điểm “tất yếu” đầu tiên, kiên quyết đưa đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám
Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi chính là nhờ Đảng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng cách mạng, tập dượt cho quần chúng đấu tranh…
Quán triệt quan điểm, phương pháp cách mạng bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc, Đảng đã tích cực xây dựng lực lượng cách mạng.
Để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, Đảng chủ trương tập hợp, đoàn kết các giai tầng. Hội nghị Trung ương 6 (11-1939) đã chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương với các Hội phản đế và Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Thực hiện chủ trương Hội nghị Trung ương 8, Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của Mặt trận với tinh thần cơ bản là “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”[4].
Các đoàn thể cứu quốc với các Hội cứu quốc như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc…đã phát triển rộng khắp cả nước. Mặt trận Việt Minh đã trở thành ngọn cờ đoàn kết dân tộc, thu hút hết thảy các giai cấp, tầng lớp, đảng phái yêu nước làm nhiệm chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Thành lập Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo của Đảng, là mốc lịch sử quan trọng đã tạo cho cách mạng nước ta có một đội quân chính trị hùng mạnh áp đảo các thế lực phản động, là nhân tố làm nên Cách mạng Tháng Tám… đến tháng 6 năm 1944, Đảng thành lập Đảng dân chủ Việt Nam với thành phần chủ yếu là trí thức yêu nước. Đảng Dân chủ Việt Nam ra đời và tham gia Mặt trận Việt Minh làm cho mặt trận dân tộc chống đế quốc, phát xít thêm sâu rộng, mặt khác, làm thất bại âm mưu của địch tìm mọi cách lôi kéo trí thức và tư sản dân tộc chống phá cách mạng.
Để tạo lực, tạo thế cho sức mạnh của toàn dân tộc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, trên cơ sở Đội du kích Bắc Sơn ra đời năm 1940, các đội Cứu quốc năm 1941, các đội Tự vệ năm 1943. Đến cuối năm 1944, Đảng thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thống nhất với các lực lượng vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân. Đây là bước phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng nước ta. CÙng với việc xây dựng, thành lập lực lượng vũ trang, Đảng ta đã lập các chiến khu, căn cứ địa cách mạng, trong đó tiêu biểu nhất là căn cứ địa Việt Bắc.
Ngay sau ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành làm đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng tại Từ Sơn, Bắc Ninh, phân tích tình hình và quyết định phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, cao trào kháng Nhật, cứu nước đã lan tỏa và bùng nổ khắp nơi. Phong trào khởi nghĩa từng phần làm tan rã một bộ phận chính quyền cơ sở của phát xít Nhật và tay sai ở nông thôn. Cùng với sự hình thành các chiến khu, các căn cứ du kích... là sự cô lập thành thị và giành thắng lợi từng bước... Đây chính là “bước tạo đà” cho Tổng khởi nghĩa sau này.
Để thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và khởi nghĩa trong nhân dân, cùng với khởi nghĩa từng phần, Đảng phát động phong trào “Phá kho thóc giải thoát nạn đói”. Phong trào này vừa là cuộc đấu tranh rộng lớn và sâu sắc, vừa là đợt tập dượt quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến những hình thức đấu tranh cao, kết hợp đấu tranh kinh tế, chính trị, vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
Cách mạng Tháng Tám 1945: Mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước (nguồn ảnh: https://infographics.vn/)
Thứ ba, Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám còn do Đảng cộng sản Việt Nam đã dự báo đúng thời cơ, chớp thời cơ phát động, lãnh đạo nhân dân đứng lên giàng chính quyền
Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, Trung ương quyết định họp Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào, Tuyên Quang, từ ngày 14 đến 15/08/1945. Hội nghị đãquyết định phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, với phương châm: “kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội”[5]
Cần phải khẳng định, khi Đảng phát động tổng khởi nghĩa, ở Việt Nam không tồn tại “khoảng trống quyền lực” nhưmột số học giả tư sản đã bịa đặt. Bởi lẽ, đêm 13/08/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa; trong khi đó, đến ngày 14/08/1945, Nhật hoàng mới tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập”[6]. Hơn nữa, quân Nhật chỉ đầu hàng Đồng minh chứ không phải đầu hàng lực lượng của ta.
Hưởng ứng chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước, triệu người như một, nhất tề vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28/8/1945), cuộc khởi nghĩa đã thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền về tay nhân dân.
Nhờ chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ, đồng thời kiên quyết chớp thời cơ phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
*
Từ những phân tích đã nêu, chúng ta thêm một lần nữa có cơ sở khẳng định: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài bối cảnh thế giới có những chuyển biến mau lẹ, thuận lợi thì yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, quyết định, đó là quá trình chuẩn bị chu đáo trong vòng 15 năm trên tất cả các mặt; là năng lực nhận định đánh giá đúng tình hình, nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ chính xác của Đảng ta. Khi “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến”, nếu không được chuẩn bị chu đáo trên tất cả các mặt, nếu không có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân không thể có được thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định trên thực tế năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; khẳng định tính đúng đắn, khoa học của đường lối đấu tranh cách mạng đã được hoạch định từ đầu năm 1930. Đây chính là một trong những nền tảng vững chắc cho dân tộc Việt Nam thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[7]. Vậy nên, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không bao giờ là một sự “ăn may” mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng vĩ đại đó là một biểu tượng của tinh thần quật cường và toả sáng của sức mạnh nội lực Việt Nam “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Và như vậy, mọi mưu toan chống phá, xuyên tạc cùng những suy diễn chủ quan sai lệch về cuộc cách mạng này đều không có giá trị và cần phải lên án, đấu tranh phản bác.
Ban Biên tập CTTĐT
(Tác giả: TS. Phạm Văn Hồ, khai thác và biên tập hình ảnh: Sỹ Bùi)
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 2 (1930), trang 2
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 7 (1940 – 1945), tr.113
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, t.7, tr.129.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, t.7, tr.470.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 7, tr. 425.
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tập 7 (1940 – 1945), trang 417 - 418
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 7, tr. 25.
Tag:
Tổng biên tập
Câu lạc bộ Cán bộ trẻ tổ chức thực hành thao giảng
Tổ chức Giải Pickleball lần thứ Nhất chào mừng năm mới 2025
Lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75A56.7 nghiên cứu thực tế tại tỉnh Quảng Trị
Hội nghị Tổng kết công tác Công đoàn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Lớp Cao cấp Lý luận chính trị K75A56.5 nghiên cứu thực tế tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng
Địa chỉ: Số 232 Nguyễn Công Trứ Tp. Đà Nẵng
Email:
Liên hệ: 02363.831.174