(HCMA3) - Chiều ngày 24/4/2024, Học viện Chính trị khu vực III phối hợp với Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia ĐTĐLXH.07/22, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tổ chức hội thảo trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp quốc gia: “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Tham dự Hội thảo có TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ươngĐoàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp quốc gia “Chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030”, mã số ĐTĐLXH.07/22; các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Truyền Thống và Phát triển; một số nhà doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng. Về phía Học viện Chính trị khu vực III, có PGS,TS Lê Văn Đính - Phó Giám đốc Học viện; cùng các nhà khoa học của Học viện.
Hội thảo do PGS,TS Lê Văn Đính - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ương Đoàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Chủ nhiệm Đề tài ĐTĐLXH.07/22 đồng chủ trì.
Ban Chủ trì Hội thảo
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Ban Chủ nhiệm Đề tài ĐTĐLXH.07/22, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Truyền Thống và Phát triển, các doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, PGS,TS Lê Văn Đính mong rằng, Hội thảo hôm nay sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp nhằm làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia ĐTĐLXH.07/22 đã nêu khái lược tính cấp thiết, mục tiêu của đề tài là: Phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách và giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thực trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các yếu tố tác động và nguyên nhân chi phối đến sự phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ ở nước ta từ khi thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Đề xuất các giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta giai đoạn 2021-2030. Do đó, TS Đặng Vũ Cảnh Linh bày tỏ mong muốn, trong khuôn khổ Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp cùng thảo luận để làm rõ một số nội dung liên quan đến các vấn đề lý luận và thực tiễn về nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề cơ bản như: Một số khái niệm cơ bản về nhân lực khoa học công nghệ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lý luận và một số vấn đề đặt ra; Nâng cao vị trí vai trò nhân lực khoa học, công nghệ trẻ ở khu vực doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; Chính sách nhân lực khoa học và công nghệ ở Việt Nam: thực trạng và vấn đề đặt ra; Vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức trực thuộc trong hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; Một số đóng góp của trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Đóng góp của đội ngũ trí thức hoạt động trong doanh nghiệp về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X; Chuyển đổi số từ thực tiễn đến hành động và nhiệm vụ của đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp; Một số thuận lợi, khó khăn của việc phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp ở thành phố đà nẵng hiện nay; Báo cáo thực trạng sử dụng nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong doanh nghiệp nhỏ lĩnh vực du lịch, kinh doanh bán hàng, lĩnh vực giáo dục đào tạo; Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp vùng duyên hải miền trung; Giải pháp liên kết giữa các chủ thể về phát triển nhân lực khoa học công nghệ ở thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, rất nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ góp phần giúp cho Ban Chủ nhiệm và nhóm thực hiện Đề tài giải quyết được nhiều nội dung cốt lõi đặt ra trong quá trình triển khai nghiên cứu, đặc biệt là hoàn thiện bộ công cụ điều tra khảo sát một cách tối ưu nhất.
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Tin: Duy Hoà; Ảnh: Viết Chinh)