(HCMA3) - Nhân kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2024) và kỷ niệm tròn 100 năm ngày mất của Người (1924 - 2024), sáng ngày 17/04/2024, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Di sản V.I.Lênin - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam, Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Về phía Học viện, có các đồng chí trong Ban Giám đốc; thành viên Hội đồng khoa học; lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên các đơn vị trực thuộc; chuyên viên các đơn vị: Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Tạp chí Sinh hoạt lý luận. Hội thảo còn có sự tham dự của đông đủ các tác giả bài tham luận và phóng viên các cơ quan báo đài ở Trung ương và thành phố Đà Nẵng. PGS,TS Phạm Đức Kiên, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và TS Lê Xuân Hoa, Trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học chủ trì Hội thảo.

Ban Chủ trì Hội thảo khoa học

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Phạm Đức Kiên, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khẳng định: V.I.Lênin là học trò xuất sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen, là vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới, là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời, Người đã lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành thành công cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

PGS,TS Phạm Đức Kiên, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Việc Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản V.I.Lênin - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam” vào đúng dịp kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2024) và tròn 100 năm ngày mất của Người (1924 - 2024) là nhằm tôn vinhcuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến vĩ đại của Người cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta nghiên cứu, hiểu sâu sắc hơn trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách của V.I.Lênin và hệ thống lý luận do Người để lại; khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của V.I. Lênin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ và hạnh phúc của nhân loại. Từ đó, chúng ta có thêm bản lĩnh để kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; có ý chí, quyết tâm và khát vọng mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn, thử thách sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để đạt được mục tiêu Hội thảo đề ra, thay mặt Ban Tổ chức, PGS,TS Phạm Đức Kiên mong muốnvà đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học cùng tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề cơ bản:1) Những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với cách mạng vô sản thế giới; làm rõ giá trị, ý nghĩa và sức sống của di sản V.I.Lênin trong thời đại ngày nay; 2) Thông qua hệ thống lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của V.I.Lênin, góp phần khẳng định tầm vóc trí tuệ và nhân cách vĩ đại của một thiên tài; 3) Phân tích làm rõ quá trình nhận thức và sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới; 4) Nhận thức rõ, nhận thức đúng giá trị cốt lõi, cách mạng của hệ thống lý luận V.I.Lênin, đồng thời nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch đang tìm cách phủ nhận, xuyên tác hệ thống lý luận của Người. Trên cơ sở đó, củng cố niềm tin và tiếp tục kiên định, vận dụng, phát triển tư tưởng của V.I.Lênin trong bối cảnh mới.

Toàn cảnh Hội thảo 

Hội thảo đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện với 34 tham luận được gửi đến Ban Tổ chức. Tại Hội thảo, nhiều báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề như: V.I.Lênin - Người đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận thành hiện thực; Tư tưởng của V.I.Lênin tiếp tục soi đường cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới hiện nay; Vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về phát triển trong nhận diện sự phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay; Tư tưởng của V.I.Lênin về dân chủ và sự vận dụng, phát triển sáng tạo trong thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam thời kỳ đổi mới; Chính sách kinh tế mới (NEP) của V.I.Lênin và sự vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam; Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh giản, hiệu quả  ở Việt Nam thời kỳ đổi mới; Quan điểm của V.I.Lênin về dân tộc và vận dụng, phát triển sáng tạo trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam thời kỳ đổi mới; Vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước...

Tổng kết Hội thảo, PGS,TS Phạm Đức Kiên, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trân trọng cảm ơn sự tham dự của đông đảo quý vị đại biểu, khách quý và các nhà khoa học; đồng thời, đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học được thể hiện qua nội dung các bài tham luận và các ý kiến phát biểu, từ đó cũng gợi mở nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ về giá trị lý luận và thực tiễn của di sản V.I.Lênin đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Ban Biên tập Cổng TTĐT

     (Duy Hòa thực hiện)