(HCMA3) - Những giá trị văn hóa truyền thống và những đức tính của con người ở miền Trung - Tây Nguyên mang đậm nét giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời có những giá trị tiêu biểu riêng gắn liền với vùng đất, vùng trời, vùng biển đảo miền Trung - Tây Nguyên. Nhận thức rõ được đặc trưng, thế mạnh giá trị văn hoá và con người nơi đây sẽ góp phần tạo điều kiện cho miền Trung - Tây Nguyên bứt phá, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[1].

Đây là quan điểm đúng đắn của Đảng về mối quan hệ giữa con người với văn hóa. Con người với tư cách là chủ thể của văn hóa, và vai trò, sự tác động của văn hóa đến xây dựng, phát triển con người. Điều này phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trước những đòi hỏi cấp thiết đang đặt ra trong bối cảnh mới. Trong đó, các tỉnh, thành ở miền Trung - Tây Nguyên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Internet.

1. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên), giữ vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Trong quan điểm của Đảng ta, phát huy giá trị văn hóa được xác định không chỉ hướng đến mục tiêu gìn giữ, lan tỏa những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc mà còn xem văn hóa là nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm” để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đại hội XIII khẳng định: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn”[2]

Từ định hướng chung đó, dấu ấn văn hóa truyền thống của miền Trung - Tây Nguyên được ghi nhận, như: (i) Nhiều giá trị văn hóa văn hóa vật thể và phi vật thể được vinh danh, cụ thể có 5/15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh (nhã nhạc cũng đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật bài chòi Trung bộ; Nghệ thuật làm gốm Chăm); có 5/8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn); có 6/9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh (Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu); 5/11 khu dự trữ sinh quyển thế giới (khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng); có 1/3 công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam (công viên địa chất toàn cầu Đăk Nông)… (ii) Trên cơ sở giới thiệu, quảng bá, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, các tỉnh đã hướng đến phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế của cộng đồng. Đặc biệt, hoạt động du lịch, làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống… được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. 

Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa yêu cầu “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa”[3] đã tạo điều kiện cho miền Trung - Tây Nguyên bứt phá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, Hội An và Chương trình “Ký ức Hội An” tỉnh Quảng Nam được vinh danh là chương trình nghệ thuật thực cảnh có giá trị văn hóa, lịch sử hay nhất Việt Nam. Hội An còn là điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á. Ngoài ra còn có các chương trình nổi bật khác ở các địa phương như Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế, Thừa Thiên Huế hướng đến thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”; “thành phố sáng tạo”…

2. Con người miền Trung - Tây Nguyên với nhiều đức tính quý báu đã hun đúc, làm nên đặc sắc văn hóa vùng mang dấu ấn riêng. Mảnh đất sản sinh ra nhiều danh nhân lịch sử, những bậc chí sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước như: Quang Trung - Nguyễn Huệ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,…; những nhà chính trị, quân sự tài ba như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giap, Nguyễn Chí Thanh…; những tên tuổi anh hùng như N’Trang Lơng, N’Trang Gưh, Đinh Núp,… đã trở thành huyền thoại. Đây cũng là mảnh đất của những tên tuổi văn nghệ sĩ tài hoa như Tố Hữu, Hàn Mặc Tử, Thạch Lam, Giang Nam, Trịnh Công Sơn, Phan Huỳnh Điểu, Phan Khôi, Trần Văn Khê…

Những giá trị văn hóa truyền thống ở miền Trung - Tây Nguyên là sự thể hiện đậm nét giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng các giá trị văn hóa đó gắn liền với vùng đất, vùng trời, vùng biển đảo và con người miền Trung - Tây Nguyên với những nét tiêu biểu riêng. Con người nơi đây có lòng yêu nước nồng nàn, với khí phách hiên ngang đi đầu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, luôn sống thủy chung, có lý có tình, trọng nghĩa, trọng chân lý, thẳng thắn, chất phác, thật thà, bao dung, hòa đồng, khẳng khái…

Chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An. Ảnh: Internet.

Đại hội XIII nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát huy sức mạnh con người Việt Nam, bởi đây là nguồn lực quan trọng nhất: “… là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Để phát huy sức mạnh con người Việt Nam, cần chú trọng phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam một cách toàn diện, “khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”[4]. Để hiện thực hóa quan điểm Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng, nội lực vùng. Trong đó, có Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Với quyết tâm chính trị, khát vọng đưa miền Trung - Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, các địa phương đã huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biển, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Cơ sở vật chất của một số đơn vị khoa học - công nghệ được đầu tư và hiện đại hóa. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trên địa bàn đã có sự phát triển đáng kể. An sinh xã hội trong khu vực ngày càng được bảo đảm. Công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện theo hướng bền vững, tỷ lệ nghèo thu nhập và nghèo đa chiều giảm đáng kể. Sự nghiệp y tế - chăm sóc sức khỏe đạt được những thành tựu quan trọng. Khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ trong lĩnh vực này ngày càng được mở rộng với chất lượng ngày càng cao. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm toàn vùng có xu hướng giảm. Môi trường xã hội trong vùng tiếp tục phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ; hệ thống an sinh xã hội trong vùng tiếp tục được củng cố.

3. Để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người miền Trung - Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, cần tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng. Thực hiện đồng bộ ba chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh.

Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ba là, đề cao tinh thần gương mẫu, tiên phong của người lãnh đạo, quản lý, tạo môi trường, không gian văn hóa lành mạnh, dân chủ, nhân văn; khuyến khích tinh thần tự do, đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần “xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng”[5], “đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị”[6].

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người miền Trung - Tây Nguyên trong tình hình mới. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước giữ vai trò quyết định trong phát triển văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam chỉ có thể phát huy được khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước thì mới có điều kiện bổ sung, tiếp biến và sáng tạo ra nhiều giá trị, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Thực hiện thành công quan điểm về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng chính là tạo lập nền tảng vững chắc nhất trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây không chỉ là quyết tâm chính trị của toàn Đảng mà đó cũng chính là mong muốn, nguyện vọng của nhân dân để vươn lên khẳng định vai trò của con người Việt Nam, tầm vóc của quốc gia Việt Nam, sự trường tồn của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hợp tác, giao lưu hội nhập hiện nay.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.115-116.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Sđd, t.1, tr.145-146.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Sđd, t.1, tr.145.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Sđd, t.1, tr.221-222.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Sđd, t.1, tr.144.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Sđd, t.1, tr.262.

Ban Biên tập Cổng TTĐT

(Thực hiện: TS Trung Thị Thu Thủy)