(HCMA3) - Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc và công tác dân tộc là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Nhất quán quan điểm coi Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược. Đó là vấn đề cơ bản, lâu dài, song cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam[1], Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”[2]; “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”[3].

Trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh phát triển các vùng, Văn kiện Đại hội XIII đã nêu ra những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Riêng đối với khu vực Tây Nguyên, quan điểm Đại hội XIII nêu rõ, bên cạnh phát triển các thế mạnh của vùng cần đẩy mạnh “Phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên”[4].

Miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có đầy đủ 54 dân tộc sinh sống, có 985 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (chiếm 28,68% xã được phân định của cả nước) trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố. Đây là khu vực đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và việc bảo đảm an sinh xã hội, tỉ lệ nghèo cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, hệ thống hạ tầng kém…

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Hàng nghìn tỷ đồng đã được nhà nước đầu tư vào vùng đồng bào DTTS ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều chương trình như Chương trình 135, cùng các chương trình Mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…, hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón, giống, cây trồng, vật nuôi; giao đất, giao rừng; khuyến nông, khuyến lâm được quan tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi ở miền Trung - Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Các địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên đã triển khai thành công nhiều chính sách và dự án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong vùng DTTS. 

Trong đó, để từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp sát, đúng với thực tiễn trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực cho công tác này. Tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh 7 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, trong đó đáng chú ý là tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao. Ðể làm được điều này, Tỉnh tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho người dân; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định cư mới gắn với quy hoạch nông thôn mới; tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Tỉnh ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, các thiết chế phục vụ sinh hoạt cho đồng bào. 

Tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó dành sự ưu tiên kết nối các tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn bản, tuyến đường liên kết với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng và khai thác tốt các công trình nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. 

Còn đối với tỉnh Quảng Nam, để phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, đồng bào DTTS, Tỉnh đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế vùng miền núi và thu được nhiều kết quả đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam đầu tư hơn 9.350 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng và các mô hình kinh tế. Thông qua việc sắp xếp bố trí dân cư và phát triển sản xuất đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giảm nghèo cho đồng bào DTTS. 

Với những cách làm hay và mô hình hiệu quả, Gia Lai đã bước đầu thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tại thời điểm năm 2011, tỉnh Gia Lai còn 68.420 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 23,75%), trong đó, số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 51.198 hộ (chiếm tới 74,82%)[5], thì đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS đã giảm còn 21,26%[6]. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Đến nay, 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 84,07% tuyến đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa; 66,54% tuyến đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 60,51% tuyến đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Toàn tỉnh có 88 xã và 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; trên 90% thôn, làng đồng bào DTTS được định canh, định cư ổn định[7].

Đối với Đắk Lắk, những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời từng bước tạo tiền đề cho sự phát triển về mọi mặt, làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống, mức hưởng thụ văn hoá, sinh hoạt giữa đồng bào Kinh và đồng bào DTTS. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cơ bản ổn định và ngày càng cải thiện. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 20,82%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 38,95%[8] thì đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 10,49%; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 23,08%[9]. Đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê tông hóa các tuyến đường tỉnh đạt 95,17%; các tuyến đường huyện đạt 85%; các tuyến đường xã và liên xã đạt 49% %; 100% xã có điện lưới quốc gia, 98% thôn, buôn có điện. 

Tại tỉnh Lâm Đồng, qua triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 công tác dân tộc và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 19,1% đến năm 2022 giảm còn 5,65%, giảm 2,9% so với cuối năm 2021. Có 95,8 % đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hệ thống giao thông ở vùng DTTS đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, thôn đang từng bước được cải thiện, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được thảm nhựa hoặc bê tông. 100% xã, thị trấn có trạm y tế hoạt động, chất lượng cán bộ y tế được nâng cao, đảm bảo 100% xã có bác sĩ[10]

Như vậy, có thể thấy các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong những năm qua đã rất chú trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc theo quan điểm của Đảng. Nhờ đó, tính đến hết tháng 6/2023 và ước đến 31/12/2023, 14/17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt và vượt so với chỉ tiêu giảm nghèo được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 17 tỉnh trong khu vực bình quân đạt 3,81%, đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

Trong đó, một số tỉnh dự kiến đạt kết quả này rất cao, điển hình là Thừa Thiên Huế, giảm 11,04% hộ nghèo, đạt 368% kế hoạch; tỉnh Quảng Nam đạt tỷ lệ giảm nghèo 7%, đạt 233,3% kế hoạch; tỉnh Quảng Ngãi đạt tỷ lệ giảm nghèo 5,37%, đạt 179% kế hoạch; tỉnh Quảng Trị đạt tỷ lệ giảm nghèo 4,1%, đạt 136,7% kế hoạch; tỉnh Khánh Hoà đạt tỷ lệ giảm nghèo 6%, đạt 133,3% kế hoạch. Các tỉnh Nghệ An, Phú Yên, Kon Tum, Đắc Lắc sẽ đạt tỷ lệ giảm nghèo dự kiến từ 105,7% đến 122% kế hoạch…

Bên cạnh đó, công tác phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS luôn được chú trọng quan tâm. Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực người dân tộc thiểu số. Năm học 2021 - 2022, riêng các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có 59 trường phổ thông dân tộc nội trú (chiếm 18,5% tổng số trường phổ thông dân tộc nội trú trong toàn quốc), với khoảng 13.533 học sinh. 49 trường phổ thông dân tộc nội trú (chiếm tỷ lệ 83,05%) được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó có 68 trường phổ thông dân tộc bán trú (chiếm 5,9% tổng số trường phổ thông dân tộc bán trú trong toàn quốc), với khoảng 12.494 học sinh[11].

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng DTTS và miền núi khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Đời sống văn hóa ở cơ sở có bước cải thiện rõ rệt. Các thiết chế văn hóa được tăng cường, cơ sở vật chất, một số di sản văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc được tôn vinh. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức tầm quốc gia, liên vùng, đã góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong khu vực. Đồng thời, chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên chú trọng ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa miền Trung -  Tây Nguyên vào cuộc sống đang được xem là giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS, miền núi và khu vực biên giới ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên không ngừng củng cố và tăng cường. Lực lượng công an tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền vận động đồng bào tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Lực lượng quân đội, nòng cốt là bộ đội biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vùng DTTS và miền núi triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả thiết thực “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”… đã từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào DTTS.

Những kết quả được nêu trên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã chứng minh công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm phát triển bền vững gắn liền với an sinh xã hội, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

BBT Cổng thông tin điện tử

(TS Trần Thị Hằng thực hiện)

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 24, ngày 12/3/2003, Hội Nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc.

[2], [3], [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2021, t.1, tr.170, 252, 155.

[5] Hồ Văn Điềm (2022), Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai vận động đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vữnghttp://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/mttq-tinh-gia-lai-van-dong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-thoat-ngheo-ben-vung-45219.html.

[6] Ngọc Thu (2022), Gia Lai có 34.387 hộ nghèo là đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022; https://baodantoc.vn/gia-lai-co-34387-ho-ngheo-la-dong-bao-dtts-theo-chuan-ngheo-da-chieu-nam-2022-1672308096236.htm

[7] Nam Khánh (2021), Gia Lai: Nâng cao đời sống vật chất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số;http://laodongxahoi.net/gia-lai-nang-cao-doi-song-vat-chat-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-1320791.html

[8] Đắk Lắk: Bình quân mỗi năm giảm 3,08% tỷ lệ hộ nghèo; https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/dak-lak-binh-quan-moi-nam-giam-3-08-ty-le-ho-ngheo-54829

[9] Kim Bảo (2023), Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;  https://daklak.gov.vn/-/trien-khai-hieu-qua-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-ong-bao-dtts-va-mien-nui

[10], [11] Khắc Lịch - Quỳnh Nga (2023), Nhiều chính sách lớn phát triển toàn diện vùng DTTS ở Tây Nguyên; https://cand.com.vn/Kinh-te/nhieu-chinh-sach-lon-phat-trien-toan-dien-vung-dan-toc-thieu-so-o-tay-nguyen-i696817/

[12] Dung Nguyễn (2023), Ưu tiên củng cố phát triển cơ sở giáo dục khu vực Tây Nguyên; https://giaoducthoidai.vn/uu-tien-cung-co-phat-trien-co-so-giao-duc-khu-vuc-tay-nguyen-post631346.html