(HCMA3) - Sáng ngày 05/12/2023, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên”.PGS,TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và TS Nguyễn Thị Linh Giang, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí trong Ban Giám đốc; Thành viên Hội đồng khoa học; Lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy; Cán bộ, chuyên viên các đơn vị: Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Tạp chí Sinh hoạt lý luận; Các tác giả có bài viết.
Ban Chủ trì Hội thảo khoa học
PGS,TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu chào mừng và trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn, PGS,TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khẳng định, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra quan điểm bảo đảm an sinh xã hội với một cấu trúc bao gồm: 1) Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; 2) Bảo hiểm xã hội; 3) Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 4) Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin). Tiếp đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định những định hướng lớn về hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030, trong đó nêu rõ: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”. Quan điểm này trở thành cơ sở nền tảng và định hướng cho việc thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, bảo đảm quyền an sinh xã hội gắn với thực tiễn trong những năm qua.
Việc thể chế hóa và triển khai thực hiện các quan điểm, định hướng của Đảng về an sinh xã hội bởi các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước là phương thức để bảo đảm các quyền cơ bản của con người dưới sự bảo trợ của Nhà nước, như: quyền lao động và có việc làm; quyền có mức sống thỏa đáng; quyền được giáo dục; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được sống trong môi trường trong sạch; quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, các tiến bộ khoa học công nghệ; quyền được bảo đảm an ninh, an toàn trong xã hội;...
Nhìn chung, trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chú trọng bảo đảm các quyền an sinh xã hội cơ bản của người dân, quan tâm hơn đến hệ thống phúc lợi xã hội; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; chính sách tiền lương tiếp tục được cải thiện; bảo hiểm xã hội được mở rộng. Tuy nhiên, bảo đảm quyền thụ hưởng cũng còn hạn chế thông qua các mặt như: giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập; chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội chưa thật sự hiệu quả; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa;…
Chính vì vậy, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên” với mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, các học giả, chuyên gia sẽ cùng thảo luận làm rõ vấn đề lý luận chung và thực trạng bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên; cùng tìm ra giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc tổ chức thực thi bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện với 37 tham luận được gửi đến gồm các nhóm nội dung: Nhóm thứ nhất, những nội dung cơ bản về bảo đảm quyền an sinh xã hội và quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, quyền an sinh xã hội trong tình hình mới; Nhóm thứ hai, thực trạng bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục… gắn với việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật trên từng nhóm đối tượng thụ hưởng khác nhau (phụ nữ, trẻ em, người đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo…), trên từng địa bàn cụ thể với những đặc điểm, đặc thù vùng, miền, nhu cầu, sự mong đợi và khả năng đáp ứng; Nhóm thứ ba, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong tổ chức thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước để quyền an sinh xã hội được bảo đảm, qua đó, đáp ứng được quyền thụ hưởng của người dân; Nhóm thứ tư, kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về bảo đảm quyền an sinh xã hội và những gợi mở, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc tổ chức thực thi bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên trong tình hình mới.
Dưới sự điều hành của Ban Chủ trì, các tham luận và ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Quyền an sinh xã hội tiếp cận dưới góc độ pháp luật về quyền con người; Pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay; Bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở tỉnh Quảng Nam; Đảm bảo quyền của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong lĩnh vực văn hóa; Bảo đảm quyền tiếp cận văn hóa của nhân dân ở thành phố Đà Nẵng; Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện đảm bảo quyền an sinh xã hội của nhân dân thành phố Đà Nẵng; Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng trong việc đảm bảo quyền an sinh xã hội của nhân dân; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện đảm bảo quyền an sinh xã hội của nhân dân ở tỉnh Quảng Nam;...
Kết luận Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá cao chất lượng nội dung của các bài tham luận và những ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, qua đó gợi mở nhiều vấn đề nhằm nhận diện được rõ hơn những nội dung căn bản về bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân cũng như việc tổ chức thực thi quyền an sinh xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong những năm qua. Đồng thời, kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp nguồn tư liệu bổ ích phục vụ công tác nghiên cứu, công tác giảng dạy tại Học viện Chính trị khu vực III trong thời gian tới; gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực thi bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân trong tình hình mới ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Duy Hòa thực hiện)