(HCMA3) - Quyền được giáo dục là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Được hưởng thụ quyền giáo dục sẽ giúp cho con người phát triển đầy đủ nhân cách, trí tuệ, tài năng, thay đổi cuộc sống của mình và thúc đẩy sự phát triển của quốc gia, dân tộc. 

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt quan tâm đến quyền được giáo dục, trong đó “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[1].

Nhất quán quan điểm coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đại hội XIII của Đảng (1/2021) tiếp tục khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”[2]; “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”[3] trong đó có quyền được giáo dục. Những nhiệm vụ cụ thể được xác định nhằm bảo đảm quyền được giáo dục như: Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn[4]… 

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 24/3/2023. Ảnh: Internet.

Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Quy mô dân số Tây Nguyên chiếm 6,1% dân số cả nước với 53 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng[5]. Lãnh thổ Tây Nguyên nằm ở cả Đông và Tây Trường Sơn nên đất đai, địa hình hiểm trở, mạng lưới sông suối dày, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố không tập trung gây ra nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm quyền được giáo dục cho người dân. 

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, bằng những chính sách của Nhà nước và sự đồng lòng ủng hộ của toàn xã hội, cùng với sự nỗ lực tự thân của các địa phương trong vùng, thời gian qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng giáo dục Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, quyền được giáo dục của người dân ngày càng được bảo đảm, thể hiện ở những nội dung cụ thể như: Hệ thống mạng lưới trường, lớp học vùng Tây Nguyên đã được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, từng bước bảo đảm quyền được giáo dục của người dân. Về cơ bản, hiện nay mọi thôn bản đều có lớp mầm non, không còn xã trắng về giáo dục mầm non. Các xã đều có trường tiểu học và điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết thôn, bản, buôn, vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn tạo cơ hội cho trẻ dân tộc thiểu số trong độ tuổi đều được đi học. Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông. Nhiều địa phương đã xây dựng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông liên xã. 

Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (tăng 494 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên so với năm học 2010 - 2011). Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa; bảo đảm cơ bản cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Tây Nguyên đạt 61% (cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, và cao hơn 6,6% so với bình quân cả nước). Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại khu vực tăng dần qua các năm; riêng năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước là 12.812 tỷ đồng (tăng 56% so với năm 2011). 

Các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng học tập. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực trạng giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2022, năm học 2021 - 2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non ở Tây Nguyên là 42,23% (tăng 31,5% so với năm học 2010 - 2011), tiểu học là 59,14% (tăng 36,7%), trung học cơ sở là 50,49% (tăng 42,7%), trung học phổ thông là 35,58% (tăng 28,8%).

 Để bảo đảm quyền được giáo dục của người dân, công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi được các địa phương đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm cao cùng với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học ở Tây Nguyên trong những năm qua đều tăng, tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác. 5/5 tỉnh khu vực Tây Nguyên duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Đáng chú ý, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường của Tây Nguyên đạt 99,6% - cao hơn so với bình quân cả nước và đứng thứ 3 toàn quốc. 100% trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày - cao hơn bình quân cả nước và cao hơn cả vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu sốvà để bảo đảm quyền được giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những năm vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên luôn quan tâm, chú trọng phát triển quy mô, mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú. Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 59 trường phổ thông dân tộc nội trú với khoảng 13.533 học sinh, trong đó 49 trường phổ thông dân tộc nội trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, có 68 trường phổ thông dân tộc bán trú với khoảng 12.494 học sinh. Ngoài việc thực hiện giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông, các trường còn tích cực tổ chức các nội dung giáo dục đặc thù để hướng học sinh vào các hoạt động bổ trợ nhằm phục vụ tốt cho việc nâng cao chất lượng học tập. Chất lượng giáo dục của các trường được cải thiện qua từng năm học. Trong năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%, còn trung học phổ thông là 98,7%. Tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%; học sinh bán trú cấp trung học cơ sở hoàn thành cấp học đạt 92%. 

Giáo dục ở các tỉnh Tây Nguyên có nhiều khởi sắc

Các tỉnh Tây Nguyên cũng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số như cấp miễn phí sách giáo khoa, vở học sinh, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế, cấp học bổng, tín dụng cho học sinh, sinh viên, ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo,… Các chính sách hỗ trợ thiết thực đã tạo điều kiện cho nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được học tập, góp phần tăng tỉ lệ các em đến trường. Con em các dân tộc đều có người học đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề. Nhiều em đã có những nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập, qua đó đã bổ sung thêm một nguồn lực được đào tạo cơ bản phục vụ cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vùng Tây Nguyên được nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, bảo đảm quyền được giáo dục của người dân. Trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026. Riêng khu vực Tây Nguyên, năm học 2022 - 2023, được bổ sung 2.037 biên chế giáo viên các cấp. Bên cạnh hệ thống giáo dục công lập, hiện nay Tây Nguyên là một trong những vùng có tốc độ phát triển giáo dục ngoài công lập cao nhất cả nước. Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 261 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, tăng 150 cơ sở giáo dục so với cách đây 10 năm.

Ngoài ra, các địa phương còn chú trọng phát triển giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học. Vùng Tây Nguyên hiện có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của các trường đại học, 4 trường cao đẳng sư phạm và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy mô sinh viên đại học của vùng là 30.221 sinh viên; trong đó, sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm 13,3%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 50,2%. Đặc biệt, công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số được các địa phương quan tâm. Đến nay, về cơ bản toàn vùng Tây Nguyên đã đạt mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Bên cạnh đó, 40% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 74,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 cùng với 94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Nói về giáo dục Tây Nguyên, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Giáo dục Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác: vừa giải quyết yêu cầu khó theo kịp các vùng nhưng lại phải thực hiện đổi mới như mọi vùng và làm nhiệm vụ với đồng bào dân tộc”[6]. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong vùng, giáo dục Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ, quyền được giáo dục của người dân ngày càng được hiện thực hóa, hứa hẹn một tương lai tương sáng cho vùng “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”.

Ban Biên tập cổng TTĐT

(TS Đào Thị Tùng  thực hiện)


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29 -NQ/TW ngày 14/1/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, Hà Nội.

[2],3,4 Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1, tr. 175, tr.136, tr. 136-140.

[5] Hoàng Giang (2023): Tạo sinh kế bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyênhttps://baochinhphu.vn/tao-sinh-ke-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-102221130153746779.htm

[6] Nguyễn Liên (2023), Giáo dục Tây Nguyên đang thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn vùng khác, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bo-truong-bo-gd-dt-giao-duc-tay-nguyen-dang-thuc-thi-nhiem-vu-nang-ne-hon-vung-khac-i319984/