Kỳ 2: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng 

(HCMA3) - Từ vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vừa qua, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo tư tưởng, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị (HTCT) và đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của kẻ địch.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Từ những nhìn nhận, đánh giá về thực tế xây dựng thế trận an ninh nhân dân (ANND) ở cơ sở nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, có thể khẳng định: các cấp ủy, tổ chức đảng là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTQ ở cơ sở. 

Cuộc sống người dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã bình yên trở lại. Ảnh: Internet.

Để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận ANND, xin đề xuất một số kiến nghị:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm chấn chỉnh tư tưởng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả HTCT, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân về nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong tình hình mới. 

Tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, HTCT các ngành, các cấp để cung cấp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thông tin chính thống, chính xác về sự việc khủng bố ở Đắk Lắk vừa qua. Thông qua công tác tuyên truyền miệng, các kênh truyền thông đại chúng (báo, đài, mạng xã hội…) để chấn chỉnh tư tưởng, động viên người dân không sợ kẻ xấu, không bao che, tiếp tay, mà tiếp tục giúp đỡ lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt bọn khủng bố. Thông qua sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị, sinh hoạt đoàn thể, khu dân cư… để tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng về bảo vệ ANQG trong tình hình mới, như: Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”…

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận ANND gắn với đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. 

Quán triệt và quyết liệt thực hiện nhiệm vụ “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”[1] của Đảng. Tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm vụ việc đã qua, dự báo tình hình, bối cảnh mới để xây dựng nghị quyết, lãnh đạo chính quyền, các cơ quan nhà nước cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác, phối hợp các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh từ cơ sở. Nâng cao chất lượng công an cấp xã, chú trọng tiêu chí am hiểu địa bàn, gần dân, sát dân, có kiến thức, kỹ năng giao tiếp và vận động quần chúng, nhất là với đồng bào có đạo, DTTS; có kỷ luật sắt và bản lĩnh chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thống nhất các lực lượng bảo vệ ANTQ. Lãnh đạo, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt trong xây dựng nền ANND, trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý với cấp ủy, chính quyền và trong trực tiếp thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín, lực lượng nòng cốt trong các mô hình tự quản bảo vệ an ninh, trật tự ở cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước để đánh giá đúng tình hình, có cơ sở chỉ đạo kịp thời công tác thi đua - khen thưởng, kỷ luật, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm với nhân dân của các cơ quan, tổ chức trong HTCT và đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Tăng cường công tác tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong tình hình mới. Ảnh: Internet.

Ba là, cùng với nhiệm vụ bóc gỡ, trấn áp tội phạm, cần đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Triển khai nắm tình hình trong nhân dân, cùng với khai thác thông tin từ các đối tượng đã bị bắt giữ để làm rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá, lấy “người thật, việc thật” từ chúng làm cứ liệu thực tế đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc đang lan truyền trên không gian mạng và trong các buổi “đấu tranh đòi nhân quyền” của các tổ chức phản động trong và ngoài nước. Khẳng định đây là hành vi khủng bố có tổ chức, có liên quan tới các đối tượng FULRO lưu vong ở nước ngoài, có sự tham gia và tiếp tay của các đối tượng là người DTTS sinh sống trên địa bàn, cần phải nghiêm trị theo quy định pháp luật. Khẳng định việc nghiêm trị các đối tượng không phải là hành động “đàn áp người DTTS”, không phải là hậu quả của những chính sách “phân biệt, kỳ thị dân tộc”, “chiếm đoạt đất đai”, “đàn áp tôn giáo” như các thế lực thù địch vu khống. Ngược lại, đó là biện pháp cần thiết, chính đáng, cần được nhân dân ủng hộ, xem là bài học cho những ai còn hoài nghi chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, cho những ai vì cái lợi bản thân, không lao động mà muốn “được hưởng sung sướng” dù phản bội lại quê hương, đồng bào của mình.

Bốn là, triển khai nhiều giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi để không ai vì nghèo khó mà theo địch, tiếp tay cho địch.

Huy động các lực lượng, công cụ, phương tiện để tuyên truyền, cổ động và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đa chiều, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng nông thôn mới…, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Khi đồng bào thấu hiểu và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, sẽ tin tưởng và tự giác động viên nhau chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhắc nhở nhau không nghe lời kẻ xấu, cổ vũ nhau lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đó mới là con đường đúng đắn nhất để mọi người cùng được hưởng sung sướng, hạnh phúc đích thực.

Năm là, xây dựng HTCT trong sạch, vững mạnh toàn diện, đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, gần dân, hiểu dân, được dân tin yêu, phối hợp và bảo vệ.

Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội để phát huy tốt hơn vai trò “tham mưu và nòng cốt” trong công tác dân vận ở cơ sở. 

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tây Nguyên (cả Tây Bắc và Tây Nam Bộ) là mang tính chiến lược, rất cần một kế hoạch thực chất, phù hợp để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cả HTCT và toàn thể nhân dân. Khi có bộ máy trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ nắm chắc kỹ năng công tác, sâu sát trong dân, được dân tin yêu, hiểu biết phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào thì chắc chắn không động tĩnh gì trong dân mà cán bộ không được biết, không âm mưu, thủ đoạn, hành động nào của lực lượng thù địch khiến cả HTCT bất ngờ…

Buôn, làng Tây Nguyên đang đổi thay tươi sáng mỗi ngày. Song, mưu đồ chống Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực phản động chưa bao giờ hết. Tăng cường xây dựng thế trận ANND gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp quan trọng để hiện thực hóa quan điểm phát triển của Đảng: “Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”[2] . 

Ban Biên tập Cổng TTĐT
(TS Trương Thị Bạch Yến thực hiện)

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập I, tr. 157.

[2]  Đảng Cộng sản Việt Nam  (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập I, tr. 217