Kỳ 1:  Xây dựng thế trận an ninh nhân dân để bảo vệ nhân dân

(HCMA3) - Vụ tấn công của các đối tượng khủng bố ngày 11/6/2023 ở Đắk Lắk gây nên những tổn thất to lớn. Từ tình hình thực tế, có nhiều vấn đề được đặt ra nhằm tránh xảy ra vụ việc tương tự, trong đó có việc cần phải tiếp tục xây dựng thế trận an ninh nhân dân (ANND) ở cơ sở vững chắc.

Đã gần hai tháng trôi qua, kể từ ngày xảy ra cuộc khủng bố dã man của các đối tượng manh động tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân hai xã: Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Các đối tượng khủng bố “có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ và mất nhân tính” và hầu hết những kẻ tiếp tay, bao che cho chúng đã bị cơ quan chức năng và người dân bắt gọn. Sẽ có nhiều việc phải làm, từ ổn định tư tưởng người dân, khắc phục hậu quả vụ việc, đến đấu tranh khai thác các đối tượng để tiếp tục làm rõ âm mưu, thủ đoạn, thế lực tổ chức, tài trợ, giật dây... Đồng thời, cũng phải nghiên cứu, đúc rút những bài học kinh nghiệm, tìm ra giải pháp để phòng tránh nguy cơ xảy ra các tình huống tương tự. Trong đó, có bài học về tiếp tục tăng cường xây dựng thế trận ANND trong tình hình mới.

Huy động lực lượng truy bắt các đối tượng tham gia vụ tấn công, khủng bố. Ảnh: Internet.

Chủ thể xây dựng thế trận an ninh nhân dân

Luật An ninh quốc gia 2004[1] xác định: “Thế trận an ninh nhân dân là việc tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh quốc và các nguồn lực cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia” (Điều 3). Để xây dựng thế trận ANND vững chắc, Đảng, Nhà nước xây dựng lực lượng nòng cốt là Công an nhân dân chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị (HTCT) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng lực lượng “bán chuyên trách” như tổ dân quân tự vệ, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ dân phố, dân phòng,… tham gia bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) theo luật định. Nhà nước bảo đảm ngân sách và cơ sở vật chất cho hoạt động bảo vệ ANQG, “ưu tiên các địa bàn chiến lược, xung yếu, quan trọng về an ninh quốc gia” (Điều 7). Đồng thời Luật cũng quy định: “Bảo vệ an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật” (Điều 8). 

Có thể thấy, xây dựng thế trận ANND là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị (HTCT) và toàn dân, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước; chủ động đối phó có hiệu quả đối với các thế lực thù địch đe dọa nền ANQG. 

Vấn đề đặt ra từ cơ sở trong tình hình mới

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình ANQG có nhiều diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Chúng thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động, xúi giục, tổ chức các hoạt động gây mất an ninh, trật tự xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức; an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp”[2].

Những “diễn biến phức tạp” ấy mỗi ngày, từng nơi vẫn diễn ra, có thể âm thầm, có khi bùng phát, như vụ việc của Tây Nguyên những năm 2001, 2004 do bọn phản động FULRO đội lốt tôn giáo Tin lành Ðề-ga xúi giục, kích động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) biểu tình, gây rối trật tự, tấn công cán bộ, đập phá công sở… Nay, lại vẫn Tây Nguyên, vẫn âm mưu, thủ đoạn không mới, nhưng hành vi tàn bạo và mất nhân tính hơn, không chỉ tấn công công sở, giết hại công an, cán bộ, mà còn giết hại, bắt giữ dân thường, có cả người DTTS tại chỗ. 

Một số đối tượng tham gia vào vụ tấn công tại Đắk Lắk bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý. Ảnh: Internet.

Trong chuyến công tác lên Đắk Lắk ngay sau hai tuần xảy ra vụ việc ở Cư Kuin, chúng tôi được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều cán bộ phụ trách công tác dân vận chính quyền ở cơ sở. Từ những suy nghĩ, trăn trở, tự đánh giá về thực trạng công tác xây dựng thế trận ANND ở địa phương, một số vấn đề đã được nêu ra:

Về bản chất của vụ việc, dù có yếu tố dân tộc (các đối tượng khủng bố đều là người DTTS), song hành vi của bọn khủng bố không phải nhằm “giải quyết vấn đề dân tộc” (như một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch), mà là “gây tiếng vang” về sự hiện diện của chúng khi tấn công vào lực lượng nòng cốt bảo vệ ANQG là công an xã, và bất cứ ai cản đường chúng, kể cả đồng bào cùng chung nguồn cội.

Tính chất của vụ việc cho thấy, các lực lượng chức năng bảo vệ an ninh, trật tự và đội ngũ cán bộ, công chức xã không nắm được hết thông tin, ở mức độ nhất định đã bị bất ngờ; một số người dân tình cờ thấy chúng mua đồ rằn ri, sắm phương tiện, hay nhóm họp, tụ tập nơi vắng vẻ… nhưng không cảnh giác, không nghi ngờ; thậm chí, thân nhân của một số đối tượng biết ít nhiều về việc này, song bao che, thậm chí tiếp tay cho chúng. 

Từ vụ việc đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và qua trao đổi với một số cán bộ cơ sở về công tác xây dựng thế trận ANND thời gian qua, có những khía cạnh cần được quan tâm thêm:

Một là, về việc tổ chức, bố trí lực lượng chuyên trách trong xây dựng thế trận ANND ở cấp xã là công an chính quy. Đây là chủ trương cần thiết, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tạo thành nòng cốt bảo vệ an ninh cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và thúc đẩy, hướng dẫn quần chúng thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy vậy, chủ trương này mới được triển khai gần đây, đội ngũ công an xã đa phần là người ngoài địa phương, số lượng ít (5 người/1 xã). Trong điều kiện địa hình miền núi, biên giới, dân cư sống rải rác, ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng cư dân có nhiều điểm khác nhau, nhất là nơi có đông đồng bào DTTS, có đạo..., việc trực tiếp thâm nhập, nắm bắt tình hình an ninh chính trị ở thôn, buôn của công an xã thực sự khó khăn (nếu không có “tai mắt” nhân dân sẽ khó phát huy được nguồn lực từ phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ).

Hai là, lực lượng “bán chuyên trách” như công an thôn, dân quân tự vệ, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã được xây dựng, đã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, song còn nhiều hạn chế, bất cập về năng lực, vướng mắc về mô hình tổ chức và công tác chỉ đạo chung. Nguồn lực (kinh phí, công cụ, phương tiện) phục vụ xây dựng thế trận ANND theo luật định còn quá hạn hẹp, dàn trải cho nhiều nhiệm vụ. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn không nhiều, phụ cấp thấp, không khuyến khích được nhiều người trẻ, có năng lực và sức khỏe tham gia. Đặc biệt, công tác phối hợp hoạt động giữa công an xã với quân sự xã và các lực lượng nói trên còn thiếu hiệu quả trong thực hiện các nội dung như: trao đổi thông tin; vận động nhân dân, xây dựng cơ sở an toàn về an ninh chính trị, trật tự xã hội; tuần tra, canh gác, huấn luyện, diễn tập, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đấu tranh phòng chống tội phạm; giải quyết các tình huống vi phạm pháp luật tiềm ẩn nguy cơ bạo loạn chính trị, bạo loạn có vũ trang,…

Ba là, vai trò “làm tham mưu và nòng cốt” trong công tác dân vận của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các xã hiệu quả chưa cao. Là các tổ chức quần chúng, tập hợp, tổ chức và hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích nhân dân và đoàn viên, hội viên của mình, song Mặt trận và các đoàn thể chưa phát huy cao nhất vai trò giám sát xã hội, để nắm tình hình dân chúng và đánh giá đúng công tác xây dựng thế trận ANND của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng. Nên, không thể tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý đảm bảo an ninh, trật tự; cũng không thể làm nòng cốt, để vận động và tổ chức cho nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. 

Những vấn đề nêu trên đã trở thành một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng thế trận ANND trên nhiều địa bàn, cần phải có những giải pháp phù hợp để mang lại sự bình an, hạnh phúc cho nhân dân.

(Còn tiếp)

Ban Biên tập Cổng TTĐT
(TS Trương Thị Bạch Yến thực hiện)


[1] Quốc hội (2004): Luật số 32/2004/QH11 ngày 03/12/2004 về an ninh quốc gia.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.212.