TS Trần Văn Phương
Học viện Chính trị khu vực III
(HCMA3) - Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng là nguyên tắc được Đảng ta khẳng định trong nhiều văn kiện (Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết của Đảng) và được hiến định trong Hiến pháp (Khoản 2, Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Điều này một lần nữa tiếp tục được Đảng ta khẳng định, cụ thể hơn trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng vừa phát huy trí tuệ, sáng tạo của nhân dân góp phần vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, vừa bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo bản chất của chế độ ta.
Để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Đảng ta không ngừng hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho hoạt động này ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá nhiều mặt ưu điểm trong việc thực hiện nguyên tắc “dựa vào nhân dân” để xây dựng Đảng, như: Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, cơ chế để phát huy dân chủ, vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng Đảng; Mặt trận Tổquốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; Việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước ngày càng tốt hơn, chú trọng thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy dân chủ, bám sát thực tiễn, hướng về cơ sở. Người đứng đầu ở nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân;…
Tuy nhiên, việc “dựa vào nhân dân” để xây dựng Đảng vẫn còn một số hạn chế: Cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng chưa đầy đủ, đồng bộ; Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước,chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm, vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức;…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị biểu dương chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: TTXVN.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định, đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, phấn đấu những mục tiêu cao hơn trên hành trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội nhận định trong những năm tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đang đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức. Vì thế, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đại hội XIII xác định phải đặc biệt coi trọng đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện nhằm: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].
Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội XIII xác định phải tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó phải “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”[2]. Theo đó, việc dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận của Trung ương khóa XIII, cần quán triệt một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng phải luôn xác định vị trí, vai trò của nhân dân là: “dân là gốc”; “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]; “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”[4].
Thứ hai, thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước phải “thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”… mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân;… lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[5]. Bên cạnh đó, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế cụ thể phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.
Thứ ba, chú trọng thực hiện hiệu quả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật tạo lập cơ chế, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với việc đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm, phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, sáng tạo, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những cá nhân, tổ chức lợi dụng tham gia xây dựng Đảng gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Xây dựng Đảng về chính trị, cần phải phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, “Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành cần lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội…”[6]. Phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.
Xây dựng Đảng về tư tưởng, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân, các cơ quan báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Xây dựng Đảng về đạo đức, bên cạnh tiếp tục thực hiện các quy định của Đảng về góp ý, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, cần “coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”[7].
Xây dựng Đảng về cán bộ, cần phải phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ... tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp uỷ đảng về công tác cán bộ.
Xây dựng Đảng về tổ chức, Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh để xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, cần phải tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp ý, giám sát hoạt động của chi bộ, cấp uỷ, bí thư cấp uỷ cơ sở và đảng viên. Mọi đảng viên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục tùng tuyệt đối sự phân công của Đảng; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên; cần phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; lựa chọn nhân tố tích cực trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, quần chúng, người có uy tín để giới thiệu cho Đảng.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.111.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.191.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.96.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.173.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.96-97.
[6] Đảng cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.184.