(HCMA3) - Trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, thành tố “hạnh phúc” là một trong những yếu tố cấu thành đặc biệt quan trọng. Trong mục tiêu của chủ nghĩa xã hội thì những con người xã hội chủ nghĩa phải được hạnh phúc. Những con người hạnh phúc đến từ những gia đình hạnh phúc, đến từ văn hóa truyền thống, cách thức giáo dục, sự trao truyền các giá trị của từng gia đình. Vì vậy, hạnh phúc của gia đình và hạnh phúc của xã hội không tách rời nhau. Muốn xã hội hạnh phúc phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng gia đình.

1. Đối với mỗi con người, gia đình là nơi thân thuộc, bình yên và cũng vô cùng ấm áp, thiêng liêng. Đại thi hào Goethe từng cho rằng: “Dù vua chúa hay dân cày, người nào tìm thấy sự bình an trong gia đình, đó là người hạnh phúc nhất”. Trong thực tiễn cuộc sống mỗi người, chúng ta có thể có nhiều bạn, nhưng chỉ có một gia đình; chúng ta có thể có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó chính là gia đình.

Ở khía cạnh hạnh phúc, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa việc giành thời gian và sự quan tâm yêu thương nhiều hơn cho gia đình với sức khỏe tinh thần của trẻ. Theo đó, trẻ em khi có nhiều thời gian ở bên gia đình, nhận được nhiều sự chăm sóc của ông bà, cha mẹ, anh chị em thì có chiều hướng tâm lý tự tin, vui vẻ. Mối quan hệ gia đình lành mạnh có tác động rất tích cực và có thể nâng cao sức khỏe tinh thần cho con người, giúp cuộc sống trở nên an toàn và ổn định hơn. Khi một cấu trúc gia đình bền chặt, đầy sự yêu thương, chia sẻ, gắn kết, trẻ sẽ cảm thấy được khích lệ và tự tin, trẻ biết học cách cho đi và cách đón nhận. Với sự hỗ trợ của gia đình, thông qua các tương tác xã hội, thông qua việc thực hiện các chức năng cũng như quá trình lưu giữ, phát huy các giá trị, cá nhân có thể thành công trong cuộc sống và hoàn thành những điều lớn lao hơn cho bản thân cũng như cho cộng đồng, đất nước.

Với xã hội, gia đình được xem là tế bào, là một “xã hội thu nhỏ” trong đó hiện diện đầy đủ các mối quan hệ xã hội như quan hệ giáo dục, quan hệ văn hoá, quan hệ kinh tế, quan hệ tổ chức… Gia đình vốn có các chức năng cơ bản là: chức năng tái sản xuất ra con người; chức năng nuôi dưỡng và giáo dục; chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình; chức năng đáp ứng nhu cầu tâm lý, sinh lý, tình cảm.

Ngày 02/4/2012, tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về hạnh phúc, đã coi hạnh phúc là thước đo tiến bộ, công bằng xã hội và là mục tiêu của chính sách công, với mức độ hài lòng của người dân về các chỉ báo cơ bản như: thu nhập bình quân theo đầu người, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn cuộc sống, sức khỏe cộng đồng, sự rộng lượng, vị tha của các thành viên; thái độ và phản ứng tích cực xã hội, sự đa dạng và biến đổi tích cực của môi trường sinh thái, tính đa dạng và sự cởi mở của văn hóa.

Ở nước ta, công tác xây dựng gia đình là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng từng căn dặn: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”[1].

Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”[2].

Như vậy, sự hưng thịnh, hùng cường của quốc gia dân tộc sẽ phụ thuộc nhiều vào sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh của mỗi gia đình. Vì vậy, hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau nhiều hơn trong gia đình, coi trọng công tác xây dựng gia đình, chú trọng về những người công dân hạnh phúc, qua đó góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc.

2. Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư khóa IX “Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác xây dựng gia đình ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể đã rất chú trọng công tác gia đình; nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản. Chất lượng cuộc sống gia đình, thu nhập gia đình ngày càng được nâng cao. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể có nơi có lúc chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình. Chưa quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của quá trình đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở cửa hội nhập quốc tế. Một số biểu hiện của lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội đã và đang tác động tới gia đình, nhất là trẻ em. Tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, sử dụng lao động trẻ em… còn nhiều phức tạp. Sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ còn hạn chế. Mất cân bằng giới tính, tỷ lệ sinh giữa các vùng miền còn chênh lệch. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn hình thức.

Từ thực tế trên, thiết nghĩa để xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đổi mới công tác truyền thông chính sách, pháp luật về gia đình.

Để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của các cá nhân, nhất thiết phải coi trọng công tác xây dựng gia đình. Công tác này được bắt đầu từ việc truyền thông nâng cao nhận thức của từng người dân và các gia đình về vị trí, vai trò của gia đình và tầm quan trọng của xây dựng gia đình văn hóa.

Mỗi gia đình hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc, vì vậy cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, đoàn thể phải có những hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng gia đình theo tinh thần Đại hội XIII và Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư. Cụ thể hóa Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình trong tình hình mới, đặc biệt chú trọng đến truyền thông, giáo dục kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng ứng xử trong gia đình thông qua các hoạt động tại địa phương, đơn vị.

Cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng hình thức truyền thông bằng các thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng đối tượng tuyên truyền là nam giới.

Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh. Lồng ghép kiến thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phổ biến hệ thống giá trị văn hóa gia đình Việt Nam.

Có thể nói, nghiên cứu đầy đủ về văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam là cơ sở cho việc xây dựng chuẩn mực định hướng cho gia đình Việt Nam các giai đoạn;  cơ sở cho quá trình nghiên cứu nội dung, biện pháp giáo dục gia đình phù hợp với từng đối tượng, từng nhóm dân cư và vùng địa lý; nghiên cứu sự phối hợp giữa quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội với vai trò tự quản của gia đình trong việc củng cố các quan hệ gia đình, thực hiện vai trò và chức năng của gia đình.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả và bền vững các chương trình mục tiêu quốc gia về kinh tế và an sinh xã hội; phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình trong điều kiện mới.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền; phát huy vai trò của các tổ chức hội đối với công tác gia đình.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình. Nhà nước cần xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, của các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Người Cao tuổi...), đoàn thể, huy động toàn dân vào việc chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kiện toàn, bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp vững mạnh. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em các cấp. Chính quyền các cấp cần quy hoạch đủ cán bộ, đào tạo, hỗ trợ cán bộ có năng lực phụ trách công tác gia đình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc tổ chức xây dựng gia đình mình trở thành gia đình văn hóa.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác gia đình. Xây dựng chính sách, pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác gia đình. Đầu tư các nguồn lực vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho gia đình có đủ năng lực thực hiện các chức năng cơ bản, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

TS Hồ Thị Nhâm

Học viện Chính trị khu vực III

 

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.523.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.