PGS,TS Nguyễn Văn Nam

Học viện Chính trị khu vực III

Kết thúc tác phẩm: Những bóng ma của Mác1, Giắc-cơ Đê-ri-đa viết: Thou art a scholar; speak to it, Horatio (tạm dịch: Anh là một người có học thức, hãy nói chuyện với nó đi, Hôratio)...

1. Từ nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khác nhau chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng cả về kinh tế, xã hội, chính trị... cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của CNXH ở các nước này, và ngày nay các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) còn lại cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong khi đó chủ nghĩa tư bản (CNTB) cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã có những điều chỉnh, đã thích nghi và có những mặt phát triển... Thực tế lịch sử trên đặt ra cho nhiều người có những suy nghĩ khác nhau: một bộ phận cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu có nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, mà nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, sự sụp đổ ấy không bắt nguồn từ học thuyết, từ nền tảng tư tưởng (chủ nghĩa Mác - Lênin), mà là từ sự xa rời, sự nhận thức và vận dụng học thuyết ấy vào điều kiện của mỗi nước không phù hợp. Một bộ phận khác, lại một lần nữa vang lên bản hợp tấu cái điệp khúc ca ngợi CNTB và gièm pha học thuyết của Mác (chủ nghĩa Mác - Lênin), họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã chết, đã được chôn vùi vĩnh viễn dưới đống đổ nát của bức tường Béc-lin, dưới đống đổ nát của chủ nghĩa cộng sản... Sự thật có như vậy không? Cũng cần có sự nhìn nhận một cách khách quan, khoa học và sự thấu đáo!

Việc có ý kiến, quan điểm khác nhau cũng là điều dễ hiểu, tuy nhiên cũng cần nhận thấy rằng: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà thế giới có nhiều biến động và thách thức, nhiều vấn đề mới được đặt ra và cần phải có sự chung sức của cả cộng đồng quốc tế thì mới có thể từng bước giải quyết được. Để giải quyết những vấn đề chung ấy cần phải trên những nguyên tắc cơ bản cả về chính trị, kinh tế, xã hội... đạt đến sự đồng thuận về những nguyên tắc ấy là điều không đơn giản! Bởi vì, mỗi lực lượng, phe nhóm, giai cấp... đều xuất phát từ những lợi ích không hoàn toàn giống nhau, nhưng điều giống nhau mà nhiều người nghĩ đến đó là: Tiến tới một xã hội không còn người bóc lột người, mọi người đều được có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Lý tưởng tiến bộ đó được thể hiện ở các thời kỳ khác nhau của lịch sử, trong đó có C. Mác, Ph. Ăngghen, và  V.I.Lênin, họ không phải là những người đoán mò về tương lai của loài người - như một số người từng rêu rao, mà ngược lại các ông là những nhà cách mạng, những nhà khoa học, lý tưởng mà các ông theo đuổi là khát vọng của nhân loại tiến bộ - con người được giải phóng hoàn toàn khỏi mọi ách áp bức bóc lột, được ấm no, tự do, hạnh phúc.

Khác với nhiều nhà xã hội trước đó và cùng thời, C. Mác và Ph. Ăngghen không chỉ là nhà lý luận, mà còn là lãnh tụ của phong trào cách mạng đang phát triển của giai cấp công nhân (GCCN), của toàn thể những người lao động. Đứng trên lập trường của giai cấp bị áp bức, bị bóc lột - giai cấp công nhân. Hai ông đã sáng lập ra lý luận -  mà lý luận này là vũ khí tinh thần của họ trong cuộc đấu tranh cách mạng với CNTB, với những điều kiện xã hội hạ thấp, làm hư hỏng con người, là phương tiện mạnh mẽ để bản thân con người cải biến hiện thực vì lợi ích của con người.

Có thể ngày nay một số điểm trong học thuyết của Mác và Ăngghen không còn phù hợp với điều kiện lịch sử đã thay đổi, nhưng không thể phủ nhận rằng lý luận đó chỉ là những suy luận suông không có cơ sở! Mà lý luận đó là kết quả của sự nghiên cứu sâu sắc và sự khái quát hóa không chỉ khoa học, mà cả thực tiễn lịch sử xã hội, cả hoạt động cách mạng của quần chúng mà các nhà sáng lập lý luận đó đã tham gia một cách trực tiếp và tích cực... Với sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng cộng sản vào năm 1848 - không chỉ là một văn kiện lý luận, mà còn là cương lĩnh đầu tiên của đảng cộng sản đầu tiên trên thế giới. Nó không chỉ giải thích một cách đơn giản bản chất của học thuyết mới, mà còn kêu gọi người lao động đoàn kết lại vì cuộc đấu tranh giải phóng con người, xóa bỏ chế độ người bóc lột người bằng cuộc cách mạng xã hội.

Những cuộc đấu tranh cách mạng của những người lao động từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời... cho đến Công xã Pari (1871) là những gợi ý cho Mác và Ăngghen từng bước bổ sung, phát triển học thuyết của mình trong những điều kiện lịch sử cụ thể... Từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX trung tâm của phong trào cách mạng quốc tế và đặc biệt là phong trào công nhân chuyển sang nước Nga; lúc bấy giờ do nhiều nguyên nhân đã làm cho nước Nga là điểm nút của những mâu thuẫn trong toàn bộ hệ thống đế quốc châu Âu. Điều kiện đó đòi hỏi và có thể phát triển hơn nữa học thuyết của Mác và Ăngghen - đáp ứng yêu cầu trên đã gắn liền với tên tuổi của V.I.Lênin. 

V.I.Lênin là người sáng lập ra đảng cộng sản cách mạng, Người cho rằng chính đảng là đội ngũ giác ngộ nhất, có tổ chức nhất của GCCN, vũ trang cho nó bằng lý luận cách mạng tiên tiến, bằng chiến lược và sách lược của phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của đảng của những người cộng sản, công nhân và nông dân nước Nga đã lật đổ CNTB và thành lập nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

Hoạt động lý luận của Lênin gắn chặt với cuộc đấu tranh cách mạng của GCCN, với thực tiễn xây dựng CNXH ở Liên Xô. Người không những đã phát triển lý luận của Mác - Ăngghen, đặt ra và giải quyết rất nhiều vấn đề lý luận mới, mà còn lãnh đạo việc thực hiện trên thực tiễn những nguyên tắc của CNXH...  Lênin đấu tranh không mệt mỏi cho sự trong sáng của lý luận mác-xít, chống hệ tư tưởng tư sản, chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xét lại... những khuynh hướng này bóp méo, hoặc giả mạo chủ nghĩa Mác, mưu toan dùng chủ nghĩa Mác vì những lợi ích khác nhau.

Tên tuổi của V.I.Lênin trở thành biểu tượng của cách mạng vô sản, của CNXH và tiến bộ, tượng trưng của sự cải tạo thế giới theo hướng tiến bộ. Nhiều người nghiên cứu cho rằng: Sẽ không quá đáng khi cho rằng: chủ nghĩa Lênin là học thuyết quốc tế sâu sắc, là chủ nghĩa Mác của thời đại ngày nay.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học và cách mạng nên nó đáp ứng, giải quyết mọi sự trăn trở, và những yêu cầu tiến bộ của con người cho dù phương Tây hay phương Đông. Thực tế lịch sử chứng minh rằng từ khi chủ nghĩa Mác được hình thành vào giữa thế kỷ XIX (và sau này là chủ nghĩa Mác - Lênin), học thuyết ấy bao gồm hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những nguyên lý, quy luật kinh tế xã hội... ngày càng được chứng minh bằng thực tiễn của cuộc sống, được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của GGCN trên thế giới, là vũ khí lý luận của GCCN và nhân dân lao động.

Những cuộc cách mạng vô sản lần lượt nổ ra và thắng lợi, CNXH hiện thực từng tồn tại với tư cách là môt hệ thống cùng với tất cả tính ưu việt và sức sống mãnh liệt của nó trên thế giới... Thế nhưng, CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị đổ vỡ, thực tế đó đòi hỏi phải có sự nhìn nhận khách quan, khoa học chứ không thể có một cách nhìn một chiều, phiến diện; sự sụp đổ đó không phải vì chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn sức sống, nó đã chết, đã được chôn vùi vĩnh viễn dưới đống gạch của bức tường Béc-lin, dưới đống đổ nát của CNCS... như luận điệu của một số người! Sự thật việc sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu không phải vì chủ nghĩa Mác - Lênin, mà là sự phá sản của một đường lối sai lầm, chẳng những sa vào quan liêu hóa, giáo điều, chủ quan, duy ý chí bắt đầu từ sai lầm trong xây dựng đường lối của Đảng cầm quyền ở những nước đó; ở sự xét lại và phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin, và kể cả những âm mưu trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chính chủ nghĩa đế quốc quốc tế sử dụng.

2.  Sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là: sau sự khủng hoảng và đổ vỡ của CNXH ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu... các nước XHCN còn lại không vì thế mà tan vỡ theo, ngược lại do nhận thức và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, với đường lối cải cách, đổi mới CNXH ở những nước còn lại chẳng những tồn tại mà còn có mặt phát triển, ngày càng có vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Thực tế lịch sử đó vừa bác bỏ luận điệu cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chết, mà ngược lại chứng minh rằng nó có sức sống mãnh liệt và có giá trị thời đại, bởi vì đó là học thuyết cách mạng và khoa  học. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra những giải đáp đầy đủ, chi tiết, cặn kẽ mọi vấn đề, ở mọi thời đại, ở mọi quốc gia, mà phải xem đó là học thuyết mở, phải được bổ sung, phát triển không ngừng cùng với tiến trình phát triển tri thức khoa học, thực tiễn của nhân loại.

Lời của Giắc-cơ Đê-ri-đa: Anh là một người có học thức, hãy nói chuyện với nó đi... ở cuối tác phẩm nhắc nhở mọi người nên tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin nhiều hơn nữa; tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin không phải để áp đặt, võ đoán hay chê bai, dè bỉu... những gì người ta thấy trước mắt chưa hẳn đã là tất cả, là sự thật, mà đôi khi cái tất cả, cái sự thật lại còn đang ở phía trước. Đánh giá một luận điểm tiến bộ, hay một học thuyết không thể nhất thời, sức sống của nó còn ở thời gian! Điều này cũng có nghĩa là khi đánh giá một chế độ xã hội, hay một hình thái kinh tế - xã hội cũng không chỉ nhìn bằng 50 - 70 năm, 100 năm hoặc 500 - 700 năm; lịch sử xã hội loài người từ khi có giai cấp và đấu tranh giai cấp đã trải qua nhiều nghìn năm và đó là sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng một hình thái kinh tế - xã hội khác - thông qua qua cuộc cách mạng xã hội. Đó là sự thật lịch sử mà không một ai có thể chối bỏ được! Do đó, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin luôn cần ở sự khách quan và khoa học. 

Nếu chịu khó một ít, thì điều dễ nhận thấy là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội là cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để tiếp cận, nghiên cứu, giải thích, dự báo sự phát triển mang tính lịch sử - tự nhiên của xã hội loài người. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ đơn thuần là giải phẩu các hình thái hinh tế - xã hội trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, mà các ông còn phân tích làm nổi bật bản chất và những mâu thuẫn cơ bản bên trong của mỗi hình thái kinh tế - xã hội và cuối cùng sự thay thế giữa các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp lên cao, hoặc tuần tự hoặc nhảy vọt (bỏ qua) một cách biện chứng theo quy luật - một cách lịch sử - tự nhiên, cũng như từ chế độ cộng sản nguyên thủy nhân loại bước lên chế độ chiếm hữu nô lệ, rồi chế độ phong kiến tới chủ nghĩa tư bản, thì sau hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa phải có một hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn, đó chính là hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đó là cái tất yếu hợp quy luật mà khoa học mác-xít đã chỉ ra.

Và Giắc-cơ Đê-ri-đa là một trong nhiều người như vậy, ông nhấn mạnh rằng: Không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác. Học thuyết của Mác - Lênin là học thuyết mở, cần bổ sung, phát triển vì thế Giắc-cơ Đê-đi-ra chủ trương không kế thừa toàn bộ các luận điểm của Mác mà chỉ “trung thành với Mác” ở những nguyên lý, luận điểm, “một tinh thần nhất định của Mác” mà trong những tinh thần đó cần biết điều gì cần phải trung thành và bảo tồn, điều gì cần phải bổ sung và phát triển. Cần phải trở về với Mác để chống lại cái “trật tự thế giới mới”, của thị trường TBCN và ông đã vạch ra 10 khuyết tật của cái “trật tự thế giới mới” ấy: (1) Khủng hoảng và nạn thất nghiệp; (2) Việc loại trừ hàng loạt công nhân không nhà ở khỏi mọi sự tham gia vào đời sống dân chủ của các quốc gia, trục xuất, lưu đày những người lưu vong; (3) Nguy cơ chiến tranh và xung đột sắc tộc vẫn tiềm ẩn khó lường giữa các nước, các khu vực; (4) Sự bất lực trong việc chế ngự những mâu thuẫn về chuẩn mực và thực tế của thị trường tự do; (5) Sự gia tăng nợ nần; (6) Công nghiệp và buôn bán vũ khí; (7) Sự phát tán vũ khí nguyên tử vượt khỏi sự kiểm soát quốc gia; (8) Chiến tranh sắc tộc ngày càng nhiều; (9) Những nhà nước – ma siêu hiệu lực xâm nhập vào các tổ chức kinh tế - xã hội, vào sự lưu thông tư bản, vào các thể chế quốc gia và liên quốc gia;  (10) Sự bất bình đẳng giữa các quốc gia trước pháp luật. Sự bá quyền của một số quốc gia trong lĩnh vực luật pháp và thiết chế quốc tế2.

Thế giới ngày nay vẫn còn phân cực khá lớn giữa các nước - giữa giàu và nghèo. Ngày 5-3-2023 trong hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ), lãnh đạo các nước nghèo nhất thế giới thể hiện sự thất vọng và cay đắng vì đối xử của các quốc gia giàu có. Nhiều lãnh đạo kêu gọi phải chi hàng trăm tỷ đô la như đã hứa và giúp các nước nghèo thoát khỏi đói nghèo, đối phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống Cộng hòa Trung Phi cho rằng, quốc gia của ông giàu tài nguyên nhưng đang bị các cường quốc phương Tây “cướp bóc”. Còn trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã chỉ trích mức lãi suất “săn mồi” mà các ngân hàng quốc tế áp với những nước nghèo... Tuy nhiên, ngày khai mạc của phiên thảo luận chung tại hội nghị thượng đỉnh một thập niên mới diễn ra một lần không có thông báo lớn nào về viện trợ, ngoại trừ khoản 60 triệu USD mà chủ nhà Qatar cho biết sẽ tài trợ qua các chương trình của LHQ. Lãnh đạo các nền kinh tế lớn vắng mặt trong kỳ họp kéo dài 5 ngày về tình trạng hỗn loạn ở các nước nghèo.

Một số nước ở châu Mỹ Latinh từng được ví là cái sân sau của ngôi nhà Bắc Mỹ, ngày nay đã gia nhập “liên minh các quốc gia Nam Mỹ” (UNSUR) nhằm xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”, triệt để khước từ CNTB kiểu Mỹ hiện nay. Mặc dù còn nhiều khó khăn và cần có sự nghiên cứu đầy đủ hơn nữa, nhưng trào lưu CNXH thế kỷ XXI vẫn xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong ba bộ phận tạo thành nền tảng chính trị tư tưởng của họ...

Chúng ta không thể phủ nhận những hạn chế, khuyết điểm và sai lầm của một số Đảng Cộng sản cầm quyền trong quá trình xây dựng chủ CNXH hiện thực. Những điều đó đã dẫn đến vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng, từng bước sụp đổ, nhưng không ai có thể phủ nhận sự tồn tại khách quan và những ưu việt của nó. Sự đổ vỡ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, không có nghĩa là sự sụp đổ của CNXH với tư cách là một học thuyết cách mạng và khoa học. Trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của học thuyết này, những nước XHCN còn lại đã và đang có những đổi mới, tiếp tục tồn tại và có bước phát triển - trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được Đại hội lần thứ VII (1991) thông qua, đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) là từng bước đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và những đặc trưng đó đang hàng ngày, hàng giờ được hiện thực hóa… Cho đến nay, có thể khẳng định rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay...

Thực tế trên lại một lần nữa chứng minh nhận định của Giắc-cơ Đê-ri-đa là có sở: Không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác.Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là chân lý khoa học không thể chối cãi, và chắc chắn rằng chủ nghĩa Mác - Lênin nhất định sẽ không ngừng được làm phong phú và phát triển cùng với sự phát triển của thực tiễn, chứ không phải là giáo điều, cứng nhắc, rập khuôn; ngọn nguồn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin  là thực tiễn, căn cứ phát triển là thực tiễn, kiểm nghiệm tiêu chuẩn cũng là thực tiễn. Thực tiễn phát triển mãi mãi không có giới hạn, nhận thức chân lý mãi mãi không có giới hạn, sáng tạo lý luận mãi mãi không có giới hạn.

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin cũng phải tính đến những điều kiện cụ thể, không thể máy móc áp dụng một cách rập khuôn vào những điều kiện lịch sử đã có những thay đổi nhất định. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống các khái niệm, các quy luật, phạm trù phản ánh quá trình phát triển của xã hội loài người nói chung thể hiện trong chủ nghĩa duy vật lịch sử và quy luật vận động của xã hội tư bản nói riêng - quy luật giá trị thặng dư, từ những quy luật đó chủ nghĩa Mác - Lênin phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người từ CNTB sang CNCS và vai trò của GCCN trong quá trình phát triển ấy. Học thuyết Mác - Lênin là một học thuyết cân đối và hoàn bị thể hiện ở sự cân đối và hoàn bị giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cộng sản và cương lĩnh hành động thực tiễn, giữa lý luận và thực tiễn, giữa khoa học và cách mạng, giữa giải thích đúng thế giới và tham gia cải tạo thế giới theo hướng cộng sản.

Sinh thời Ph.Ăngghen đặc biệt quan tâm đến logic phát triển của tư duy lý luận - tức lôgíc biện chứng, Người nói: Toàn bộ thế giới quan của Mác - đó không chỉ là học thuyết, mà là phương pháp. Thế giới quan này đưa ra không phải những giáo điều có sẵn, mà là những xuất phát điểm để tiếp tục nghiên cứu. Do vậy, trong nghiên cứu nếu chỉ khư khư coi mọi ý kiến của những người sáng lập ra nó đều phù hợp với mọi trường hợp của cuộc sống thì vô hình chung sẽ biến lý luận thành một lược đồ cứng nhắc, làm cho nó mất khả năng tự phát triển, và do đó, mất sự tác động có hiệu quả đến thực tiễn và tiến trình lịch sử. Nghĩa là, muốn ứng dụng tốt, trước hết phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phải hết sức sáng tạo, nếu không sẽ khó tránh khỏi sự chắp vá.

Do vậy, tổng kết đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm tiếp tục phát triển lý luận, bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn xây dựng CNXH ở nước ta là đòi hỏi quan trọng và cấp bách đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là con đường, phương thức hữu hiệu nhất để nâng cao trình độ trí tuệ cho cán bộ, đảng viên và toàn Đảng. Phải bám sát thực tiễn đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tìm ra cái bản chất nhất, xu hướng có tính chủ đạo của hiện thực. Tổng kết kinh nghiệm không chỉ ở trong nước, mà còn phạm vi thế giới để chọn lọc nhằm tìm ra những gì thích hợp với điều kiện nước ta. Đây chính là con đường hiệu quả nhất để khắc phục sự chủ quan, duy ý chí, sự mày mò thiển cận, đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta thực sự khoa học và sáng tạo, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, vừa phù hợp với xu thế của thời đại.

1. Giắc-cơ Đê-ri-đa: Những bóng ma của Mác (sách tham khảo), Nxb CTQG, Tổng Cục II Bộ Quốc phòng, H, 1994.

2. Bên cạnh đó,trong cuốn sách “Ngoài vòng kiểm soát” Brezinxky cũng đã nêu ra những khuyết tật của CNTB: (1). Sự gia tăng nợ công, nợ nước ngoài; (2). Thâm hụt thương mại - buộc Mỹ phải vay tiền trong khi Mỹ đã là con nợ lớn của thế giới và đe dọa một số khu vực sản xuất và lao động then chốt, và do đó làm tăng thêm thất nghiệp; (3). Khối lượng tiền tiết kiệm và đầu tư thấp; (4). Không có khả năng cạnh tranh công nghiệp; (5). Tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp; (6). Chăm sóc y tế không đầy đủ; (7). Giáo dục trung học chất lượng kém; (8). Cơ sở hạ tầng xã hội xấu đi và tình trạng sa sút tràn lan ở đô thị; (9). Một giai cấp giàu có tham lam, có xu hướng chống đối chế độ thuế thực sự tiến bộ; (10).Tình trạng kiện tụng tràn lan không đem lại lợi ích gì; (11). Vấn đề chủng tộc và nghèo đói càng sâu sắc; (12). Tội ác và bạo lực tràn lan; (13). Nền văn minh ma túy bao trùm; (14). Tình trạng tràn lan tâm lý tuyệt vọng trong xã hội; (15). Quá nhiều giấy phép mại dâm; (16). Sự truyền bá ồ ạt về đồi trụy tinh thần bằng phương tiện nghe nhìn; (17). Suy giảm về ý thức công dân, nó không còn đòi hỏi công dân bất cứ một hình thức cống hiến hoặc hy sinh nào thay mặt nhà nước một quốc gia; (18). Sự nổi lên của nền văn hóa đa phương có nhiều nguy cơ chia sắc tộc; (19). Chính quyền thiếu trách nhiệm và tham nhũng, đặc quyền đặc lợi; (20). Cảm giác trống rỗng về tinh thần ngày càng phổ biến trong xã hội.

Ban Biên tập Cổng TTĐT

(Dẫn nguồn từ Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 3-2023)