PGS,TS Đoàn Triệu Long, TS Nguyễn Bình Đức
Học viện Chính trị khu vực III
1. Kết quả tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Học viện Chính trị khu vực III
1.1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Nhiều năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chỉ đạo 35 Học viện thường xuyên tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc các cá nhân, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác này được tổ chức thông qua nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là ban hành các văn bản chỉ đạo, thông qua các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, hội thảo khoa học, giảng dạy trên lớp, thông qua các bài viết, tài liệu đăng tải trên Tạp chí Sinh hoạt lý luận; Cổng thông tin điện tử Học viện, Facebook Những ngọn lửa nhỏ, Facebook Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị khu vực III, Website Việt Nam Thịnh vượng, các tạp chí khoa học, báo giấy, báo điện tử... Qua đó, đã tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Nhiều cán bộ, giảng viên và học viên ngày càng ý thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội. Đồng thời, các bài viết của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện trên Group và Fanpage Những ngọn lửa nhỏ, các tài khoản cá nhân (cả chính danh và ẩn danh), Cổng thông tin điện tử của Học viện cũng được lan tỏa rộng khắp trên không gian mạng, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng mạng đối với công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, đấu tranh, phê phán các quan điểm, thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ, giảng viên đều có kế hoạch giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, nhiều bài viết về tuyên truyền, nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc gắn với từng chuyên đề, bài giảng, đề tài, bài viết… được đăng tải. Vì thế, đã góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
1.2. Xây dựng lực lượng tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Thực hiện kế hoạch của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Học viện Chính trị khu vực III đã thành lập Ban Chỉ đạo 35, Tổ giúp việc, Nhóm chuyên gia các nhà khoa học, Đội xung kích 35… Đặc biệt, quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ này trong việc tích hợp vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, thông tin, tuyên truyền ở Học viện.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã kịp thời xây dựng lực lượng tham gia tuyên truyền và đấu tranh trên không gian mạng. Bên cạnh lực lượng chủ đạo là đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện, lực lượng tham gia này ngày càng được mở rộng, có sự tham gia của học viên các hệ lớp đã và đang tham gia học tập tại Học viện, của đông đảo các thành viên là cá nhân, các trang mạng xã hội được liên kết trên cả nước, đã tạo ra sức lan tỏa tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Lực lượng tham gia tuyên truyền và đấu tranh ngày càng được củng cố, mở rộng, được tổ chức khoa học, hoạt động có hiệu quả. Đây là nhân tố quan trọng, quyết định đến kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của Học viện trong thời gian qua.
1.3. Đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Để đáp ứng yêu cầu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên có thời gian, điều kiện vật chất và tinh thần thực hiện có hiệu quả công tác này.
Một là, thông qua các đơn vị chức năng như Trung tâm Thông tin khoa học, Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Chỉ đạo 35 của Học viện đã chỉ đạo việc tổ chức thu thập, cung cấp các loại tài liệu, tư liệu phục vụ tốt nhất cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Học viện thường xuyên cung cấp cho cán bộ, giảng viên các tạp chí lý luận của Đảng; cung cấp cho các thành viên Ban chỉ đạo và Đội xung kích 35 Bản tin nội bộ của Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tài liệu thảm khảo đặc biệt hằng tháng và hằng ngày của Thông tấn xã Việt Nam.
Hai là, Học viện đã tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, nhất là các thành viên đội xung kích 35 tham gia các lớp tập huấn do Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Qua đó, đội ngũ tham gia công tác 35 của Học viện đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là các kỹ năng, phương pháp đấu tranh trên không gian mạng.
Ba là, điều kiện vật chất, trang thiết bị, hệ thống mạng internet của Học viện được nâng cấp. Cán bộ, giảng viên cũng được trang bị kiến thức và các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học nói chung, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Bốn là, cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ cho lực lượng tham gia công tác 35 được quan tâm kịp thời và đã được cụ thể hoá tại các quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Học viện.
1.4. Phân công, phối hợp trong tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Trước hết, phân công, phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị trong Học viện bước đầu đã được thực hiện có hiệu quả. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, cá nhân cán bộ, giảng viên, Ban Chỉ đạo 35 đã triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị tham gia viết bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phối hợp tổ chức các tọa đàm khoa học về gắn nhiệm vụ công tác 35 với giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết để cán bộ, giảng viên sử dụng, vận dụng vào công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.
Hai là, thông qua trao đổi, chia sẻ thông tin trong các nhóm facebook, việc liên kết, tương tác, chia sẻ thông tin, bài viết của nhau trên không gian mạng với các fanpage hay group facebook khác cũng được tăng cường. Điều này đã góp phần lan tỏa thông tin tích cực, ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của các thông tin xấu độc đến cộng đồng mạng xã hội.
Với việc sử dụng các website chính thức, Cổng thông tin điện tử của Học viện đã tạo cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu có một không gian chính thức, công khai, thuận lợi cho công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Nhờ đó, các bài viết được thể hiện dưới hình thức như bài báo khoa học ngắn, được biên tập nghiêm túc và đăng tải theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm túc.
1.5. Nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Những năm qua, Học viện Chính trị khu vực III đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học dưới các hình thức đề tài khoa học, tọa đàm, hội thảo khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các nhiệm vụ khoa học này ngày càng được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng và góp phần cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy lý luận chính trị của Học viện.
Thứ nhất, phần lớn giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học đã nhận diện khá toàn diện và phân biệt rõ giữa quan điểm sai trái và quan điểm thù địch. Đây là điều kiện tiên quyết, có vị trí quan trọng, chi phối việc lựa chọn, sử dụng các hình thức, phương pháp và mức độ tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác phù hợp. Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền này trong thời gian qua là khá bao quát, đúng và trúng trên những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, nhất là những lĩnh vực có liên quan đến chuyên môn của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy. Ở mức độ nhất định, cán bộ, giảng viên Học viện đã có sự phân biệt quan điểm sai trái với quan điểm thù địch để có phương pháp, mức độ đấu tranh phản bác phù hợp. Đồng thời, đã gắn kết giữa đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch với việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính trị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước theo quan điểm: gắn chặt giữa xây và chống, xây là cơ bản, chống phải cương quyết, kiên trì.
Thứ hai, đã có sự gắn kết việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên không gian mạng với các hình thức nghiên cứu khoa học (nghiên cứu đề tài, viết bài hội thảo, tọa đàm khoa học, viết bài đăng tải trên các tạp chí khoa học…). Đã có những đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở nghiên cứu trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và được đánh giá có chất lượng tốt. Các hội thảo, tọa đàm khoa học hàng năm cũng đã dành sự ưu tiên cho nội dung này, nhất là những hội thảo có sự tham gia của các địa phương, đơn vị trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cùng với đó, Tạp chí Sinh hoạt lý luận của Học viện đã mở chuyên mục “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” và thu hút sự quan tâm, tham gia viết bài của nhiều nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Vì thế, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Học viện trong thời gian qua đã tạo được sự lan tỏa tích cực và được hỗ trợ bởi các hình thức, phương pháp khác, tạo nên hiệu quả tổng hợp cho công tác này.
Thứ ba, kết quả nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được vận dụng phù hợp vào công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác, nhất là công tác chính trị, tư tưởng. Thực tế cho thấy, các bài nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ có sự gia tăng về số lượng, đa dạng hơn về hình thức thể hiện mà còn có sự nâng lên về chất lượng, sự tìm tòi, thể nghiệm về phương pháp nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn. Do vậy, đã có một số cán bộ khoa học được khen thưởng cấp bộ, cấp Học viện vì có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
1.6. Phối hợp với các địa phương, đơn vị ở miền Trung - Tây Nguyên trong tuyên tuyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch
Từ năm 2020, Học viện đã triển khai các hoạt động phối hợp với một số địa phương, đơn vị ở miền Trung, Tây Nguyên về công tác 35 trên 03 phương diện: cung cấp, chia sẻ thông tin và cập nhật kiến thức; công tác tuyên truyền, giáo dục; hoạt động khoa học. Nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học phối hợp với các đơn vị bên ngoài để nghiên cứu vận dụng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong điều kiện mới đã được tổ chức. Đây là những hoạt động có ý nghĩa trong việc khẳng định tính đúng đắn của nền tảng tư tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng và góp phần quan trọng vào việc hình thành các luận cứ khoa học phục vụ cho công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
2. Một số kinh nghiệm bước đầu trong tuyên truyền về bảo vệ nền tẳng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
2.1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của giảng viên, cán bộ, viên chức và học viên về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Thực tế cho thấy, nơi nào và ở đâu đề cao vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì nơi đó tổ chức tuyên truyền có hiệu quả. Ngược lại, hiệu quả của công tác này sẽ không cao, ảnh hưởng đến tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Do đó, bằng các hình thức, phương pháp phù hợp, tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn thể giảng viên, cán bộ, viên chức và học viên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các tổ chức Đảng và mỗi cán bộ đảng viên, học viên phải thực sự xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với công tác chuyên môn của mình. Để nâng cao nhận thức của giảng viên, cán bộ, viên chức và học viên về công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần áp dụng đa dạng và đồng bộ các giải pháp, trong đó cần chú trọng các giải pháp sau:
(1) Thông qua các hoạt động dạy và học, gắn với những nội dung bài học cụ thể để tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào bài giảng.
(2) Thông qua các cuộc họp chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn của các đơn vị, các khóa học, lớp học để nâng cao nhận thức về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của cán bộ, giảng viên và học viên.
(3) Thông qua các phương tiện truyền thông (Báo, Đài Truyền thanh, truyền hình), các mạng xã hội (facebook, Zalo,...). Trong điều kiện thực tế hiện nay, đây là biện pháp có điều kiện để thực hiện và mang lại hiệu quả cao.
(4) Thông qua kiểm tra, giám sát và đánh giá gắn liền với đánh giá kết quả dạy và học, cũng là một cách nâng cao nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác rất hiệu quả.
2.2. Đẩy mạnh nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Hội đồng khoa học cần tư vấn để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào hoạt động nghiên cứu khoa học một cách bài bản, nề nếp, thường xuyên.
Với các đề tài khoa học được phân cấp, cần tăng cường trách nhiệm của Hội đồng tư vấn, nghiệm thu đề tài trong việc tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong các đề tài khoa học, coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của bản thuyết minh hoặc báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài.
Cần xây dựng thư mục khoa học, thiết lập hệ thống tiêu chí, luận cứ, luận điểm để tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong từng môn học, từng chuyên đề, từng lĩnh vực của hoạt động nghiên cứu khoa học. Đi liền với đó, cần tổ chức tập huấn, tọa đàm, mời chuyên gia trao đổi về cách thức, phương pháp, kỹ năng nhận diện, xây dựng luận cứ, phương pháp lập luận… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền. Đồng thời, bằng các hình thức và cách làm thích hợp, phải tiếp tục phổ biến, quán triệt và làm lan tỏa những nội dung mới, tầm nhìn, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, viên chức, học viên. Tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận; trong đó, chú trọng bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề lý luận mới. Tăng cường nghiên cứu những tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiến bộ để chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.
2.3. Đổi mới nội dung tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Trước hết, cần phải xác định rõ các nội dung tuyên truyền để tổ chức nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học. Trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng và các phương thức tuyên truyền, đấu tranh một cách bài bản, hệ thống theo các nội dung đã xác định. Nội dung tuyên truyền, đấu tranh trước hết phải được lan toả trong cán bộ đảng viên và học viên, sau đó là lan tỏa ra đời sống xã hội để cộng đồng dư luận xã hội thấu hiểu tính khoa học của việc tuyên truyền, tính chính nghĩa của việc đấu tranh phản bác. Đồng thời, làm rõ được âm mưu, thủ đoạn, tác hại và bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với “chống” là “xây”, nghĩa là tiếp tục nghiên cứu sâu sắc những nội dung, giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những thành quả của cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đặc biệt là Cương lĩnh của Đảng và Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đối với tuyên truyền trên không gian mạng, một yêu cầu quan trọng là nội dung tuyên truyềnđấu tranh phản bác phải ngắn gọn, súc tích nhưng lập luận phải chắc chắn, đầy đủ và thuyết phục, ngôn từ, văn phong phải gần gũi, dễ hiểu, dễ nắm bắt và dễ lan tỏa. Để đáp ứng được yêu cầu này, đòi hỏi cán bộ đảng viên và học viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ lý luận, đầu tư nghiên cứu, đi thẳng vào bản chất của từng vấn đề, tìm tòi các luận cứ đấu tranh sắc sảo, thuyết phục. Đồng thời, phải kiên trì chịu khó đọc nhiều tư liệu, viết nhiều bài đấu tranh với các thể loại khác nhau.
2.4. Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Đến nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị luôn sử dụng nhiều phương thức, chiêu trò, thủ đoạn khác nhau chống phá tinh vi và rất linh hoạt. Vì vậy, cần phải chú trọng đến việc xây dựng và không ngừng đổi mới phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, gắn liền với việc đổi mới nội dung tuyên truyền thì cần phải nghiêncứu, sử dụng nhiều cách thức, biện pháp mới để đáp ứng với sự “thiên biến, vạn hóa” của các luận điệu xuyên tạc diễn ra trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, nhất là trên không gian mạng. Trong môi trường không gian mạng hiện nay, cần chủ động xây dựng nhiều tài khoản cá nhân để đưa các thông tin tích cực và lan tỏa các luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái lên mạng xã hội. Kết hợp với đó, Cổng Thông tin điện tử Học viện và Tạp chí Sinh hoạt lý luận cũng cần nâng cao chất lượng các chuyên mục và mở rộng mạng lưới bạn đọc. Trong đó, cần có đề án để tiến tới xây dựng Tạp chí Sinh hoạt lý luận điện tử.
2.5. Xây dựng lực lượng nòng cốt tham gia tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
Trước hết, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong việc tham gia tuyên truyền trong công tác này. Với đội ngũ giảng viên khá đông đảo, có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn cao thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều lứa tuổi, có quan hệ rộng rãi với học viên thuộc các cấp, ngành, lĩnh vực khác nhau trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, Học viện cần tổ chức cho họ tham gia viết bài, bình luận, chia sẻ trên sách, báo, tạp chí và trên không giang mạng. Từ đó, góp phần giáo dục, tuyên truyền, lan tỏa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thông tin tích cực, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch.
Cần tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình hoạt động của Đội xung kích 35 trên không gian mạng đến từng đơn vị, chi bộ trong Học viện. Lực lượng này do cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, họ được cung cấp thông tin, trang bị phương tiện và định hướng đấu tranh… Định kỳ tổ chức sinh hoạt, trao đổi nội dung, hình thức đấu tranh, phát huy kinh nghiệm hay, khắc phục hạn chế. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng đấu tranh trên không gian mạng của đội ngũ cán bộ ở các đơn vị kinh nghiệm còn ít, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đấu tranh trên không gian mạng còn có những bất cập, hạn chế nhất định cả về nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh. Khả năng phát hiện, nắm bắt các thông tin xấu, độc, thất thiệt trên mạng còn chậm; tính hấp dẫn, thuyết phục của bài viết đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái chưa cao. Vì vây, cần đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho cán bộ, đảng viên, giảng viên nâng cao kiến thức và kĩ năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay.
2.6. Thực thi cơ chế cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Cần có cơ chế cung cấp thông tin, tài liệu chính thống cho các lực lượng (đặc biệt là các lực lượng chuyên trách) tham gia tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, nhất là, cung cấp thông tin về đối tượng, mục đích, nội dung chống phá của các quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, Ban chỉ đạo 35 các cấp, ngành cần nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan khác của Đảng (Ban Tuyên giáo Trung ương) và của Nhà nước (Bộ Thông tin - Truyền thông) tổ chức một “kênh” nội bộ nhằm cung cấp thông tin “gốc” (bài viết, băng hình, sách, báo, tạp chí…) cho các nhóm chuyên gia, nhà khoa học để thuận tiện cho việc nghiên cứu, đề ra giải pháp tuyên truyền, đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, bảo vệ cá nhân tham gia đấu tranh trong những trường hợp nhạy cảm, bị cộng đồng phê phán hoặc bị các thế lực thù địch, phản động tấn công trở lại./.
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Dẫn nguồn từ Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 2-2023)