Tác giả: PGS,TS Vũ Văn Phúc

Số trang: 407

Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, H. 2022

Từ Đại hội VI, nhất là từ Đại hội XI của Đảng đến nay, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò của thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà cụ thể là việc xác định các đột phá chiến lược trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đại hội XII và XIII của Đảng đã tiếp tục kế thừa, bổ sung, cụ thể hóa các đột phá chiến lược phù hợp với tình hình mới.

Trong thời gian 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, có chiều sâu và thu hút lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); các lĩnh vực văn hóa, xã hội ổn định, có chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, đặc biệt là việc thực hiện các đột phá chiến lược chưa thực sự quyết liệt, thiếu sự bứt phá, cụ thể: thể chế phát triển còn thiếu sự đồng bộ và hoàn thiện; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Để đạt được mục tiêu cụ thể được xác định tại Đại hội XIII của Đảng là phấn đấu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì vấn đề nhận thức và đề ra các giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược phù hợp với từng giai đoạn phát triển mới cần phải được tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ.

Nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo về vấn đề trên, năm 2022, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách “Nhận thức và giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do PGS.TS Vũ Văn Phúc làm chủ biên.

Bố cục sách bao gồm 2 chương:

Chương 1: Căn cứ lý luận và thực tiễn xác định và tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược.

Chương 2: Xác định, nhận thức và đề xuất các định hướng giải pháp chủ yếu thực hiện các đột phá chiến lược.

Nội dung cuốn sách góp phần bổ sung, làm rõ thêm về nội dung đánh giá và trả lời cho các câu hỏi: Các đột phá chiến lược hiện hành có được coi là còn nguyên giá trị hay không? Có cần sửa đổi, bổ sung đột phá chiến lược mới cho phù hợp hay không (trước Đại hội XIII); Có cần làm rõ nội hàm mới của các đột phá chiến lược và định hướng giải pháp chủ yếu thực hiện các đột phá chiến lược trong giai đoạn phát triển đến năm 2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho phù hợp với bối cảnh mới hay không ? (sau Đại hội XIII)…

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc !

(Nguồn: Trung tâm Thông tin khoa học)