TỌA ĐÀM KHOA HỌC
“HỒ CHÍ MINH VỚI SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY NHỮNG TINH HOA VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG”
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2023) và thực hiện nhiệm vụ khoa học năm 2023, sáng ngày 18 tháng 05 năm 2023, được sự đồng ý của Bán Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh tiến hành tọa đàm khoa học với chủ đề “Hồ Chí Minh với sự kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa phương Đông”.
Tham dự buổi Tọa đàm có PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa và PGS, TS Phạm Đức Kiên - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Lãnh đạo Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; một số nhà khoa học trong Học viện cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Tư tưởng Hồ Chí Minh. Buổi tọa đàm do TS. Nguyễn Mậu Linh, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh chủ trì.
(TS. Nguyễn Mậu Linh - chủ trì, báo cáo đề dẫn)
Mở đầu buổi tọa đàm, TS Nguyễn Mậu Linh trong báo cáo đề dẫn cho rằng: Về tinh hoa văn hoá phương Đông, đã có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của Nho giáo đối với Hồ Chí Minh. Bản thân Hồ Chí Minh không bao giờ giấu hay làm mờ đi một nguồn gốc văn hoá của mình là Nho giáo và trên thực tế Người đã sử dụng khá nhiều mệnh đề của Nho giáo và đưa vào đó những nội dung và ý nghĩa mới. Ngoài Nho giáo, Hồ Chí Minh còn tiếp thu những triết lý của Phật giáo, Lão giáo, chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, Học thuyết của Găngđi… Điều cần tiếp tục nghiên cứu và thảo luận sâu hơn là vị trí, vai trò, ảnh hưởng của từng nguồn gốc, từng yếu tố đó như thế nào đối với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là nội dung trọng tâm mà các đại biểu dự tọa đàm cần làm rõ.
Theo đó, buổi tọa đàm có 08 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến trao đổi, tham góp thêm từ các đại biểu nhằm luận giải, làm sáng tỏ nội dung Hồ Chí Minh tiếp thu, thâu thái những tinh hoa văn hóa phương Đông. Tiêu biểu như: Hồ Chí Minh với sự kế thừa và phát huy những giá trị của Nho giáo; Hồ Chí Minh với sự kế thừa và phát huy những giá trị của Phật giáo; Hồ Chí Minh với sự kế thừa và phát huy những giá trị của Lão giáo; Hồ Chí Minh với sự kế thừa những giá trị trong chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc); Hồ Chí Minh với học thuyết của M. Găng đi (Ấn Độ); Khoan dung Hồ Chí Minh trong tiếp nhận văn hóa phương Đông; Hồ Chí Minh với một số nhà tư tưởng, quân sự cổ điển Trung Quốc (Tôn Tử, Khổng Minh); Hồ Chí Minh với Nêru và Xucácnô. Những tham luận này, giúp cho các giảng viên trong khoa có cơ sở để vận dụng vào giảng dạy, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
(PGS, TS Phạm Đức Kiên – Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu)
Thông qua tọa đàm, mỗi giảng viên, đại biểu tham dự có nhận thức sâu sắc hơn về những nguồn gốc lý luận nói chung, tinh hoa văn hóa phương Đông nói riêng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng là những luận cứ khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, khẳng định và bồi dưỡng niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kết luận tọa đàm, TS. Nguyễn Mậu Linh, cảm ơn và đánh giá cao các bài tham luận, những ý kiến phát biểu của các nhà khoa học với tinh thần trách nhiệm cao đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích để vận dụng vào giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời đã gợi mở được những nội dung, vấn đề tiếp tục nghiên cứu nhằm giúp các giảng viên của Khoa tiếp củng cố và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học thời gian đến./.
(Thực hiện: Phạm Văn Hòa, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh)