LUẬN ĐIỂM VỀ GIAI CẤP TƯ SẢN VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TRONG 

“TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”

 

Vào những năm 30 và 40 của thế kỷ XIX, trong bối cảnh các mâu thuẫn xã hội, nhất là giữa giai cấp tư sản (GCTS) với giai cấp công nhân ngày càng gay gắt, phong trào đấu tranh của công nhân diễn ra ở nhiều nơi trên khắp châu Âu. Mùa Xuân năm 1848, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã hoàn thành tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (Tuyên ngôn), được in thành sách riêng tại Luân Đôn (Anh) và được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. 

Tuyên ngôn là cương lĩnh đầu tiên của những người cộng sản, là ngọn cờ tư tưởng lý luận dẫn dắt phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đây cũng chính là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng. Nói về giá trị của tác phẩm, các nhà cộng sản mác xít cho rằng: Tuyên ngôn “là tác phẩm phổ biến hơn cả, có tính chất quốc tế hơn cả, trong tất cả các văn phẩm xã hội chủ nghĩa, đó là cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân tất cả các nước từ Xi-bi-a đến Ca-li-for-ni-a”[1] và “có giá trị bằng hàng pho sách, nó định hướng cho toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức đang phấn đấu cho một xã hội văn minh”[2]. Kết cấu của tác phẩm, ngoài Lời tựa, Tuyên ngôn gồm có 4 nội dung chính: Tư sản và vô sản; Những người vô sản và những người cộng sản; Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa  Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập. Trong đó, luận điểm về GCTS và CNTB là một trong những nội dung cơ bản và có giá trị nhất. Luận điểm này không chỉ phù hợp với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà còn có sức sống, giá trị thời đại và có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn nay. 

Trong Tuyên ngôn, luận điểm về GCTS và CNTB được hai ông chỉ ra và phân tích rõ, chi tiết, từ sự ra đời của GCTS đến vai trò của nó đối với lịch sử loài người, từ những mâu thuẫn, hạn chế và giới hạn của GCTS, CNTB đến việc tạo cơ sở, tiền đề cho sự ra đời và phát triển của chế độ xã hội mới…

Thứ nhất, khi bàn về GCTS, Mác và Ăng-ghen đã tóm tắt thành ba luận điểm cơ bản: (i) GCTS ra đời là sản phẩm tất yếu của lịch sử xã hội loài người; (ii) GCTS sau khi ra đời và phát triển đã giữ vai trò cách mạng trong quá trình phát triển của xã hội loài người; và (iii) từ giữa thế kỷ XIX, GCTS đã mất dần vai trò của nó, đồng thời nó cũng tạo ra những tiền đề, những lực lượng để thay thế nó.

Thứ hai, trong quá trình phân tích, làm rõ ba luận điểm trên, nhất là ở luận điểm thứ ba, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nhấn mạnh: Từ giữa thế kỷ XIX, GCTS đã mất dần vai trò của nó, đồng thời nó cũng tạo ra những tiền đề, những lực lượng để thay thế nó. Hai ông đã đưa ra những lý do quan trọng để chứng minh cho sự diệt vong tất yếu của GCTS và CNTB, đó là: (i) GCTS là giai cấp bóc lột; (ii) sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm cho nó trở nên quá mạnh đối với quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, bởi “cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản trở sự phát triển của chúng; và mỗi khi những lực lượng sản xuất xã hội khắc phục được sự cản trở ấy thì chúng lại xô toàn thể xã hội tư sản vào tình trạng rối loạn và đe dọa sự sống còn của sở hữu tư sản”[3];(iii) một giai cấp muốn áp bức một giai cấp khác thì phải đảm bảo cho giai cấp ấy những điều kiện sinh hoạt để họ có thể tồn tại được trong điều kiện đó. Nhưng GCTS ở thế kỷ XIX đã không làm được điều này. Vì vậy, nó đã để người nô lệ “rơi xuống tình trạng khiến nó phải nuôi người nô lệ ấy, chứ không phải người nô lệ ấy nuôi nó”[4]; và (iv) “GCTS không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”[5].

Thực tiễn đã chứng minh cho những luận điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong Tuyên ngôn về GCTS và CNTB vẫn còn nguyên giá trị và sức sống đến ngày nay. Trải qua ½ thiên niên kỷ ra đời, tồn tại và phát triển, với biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, để tiếp tục tồn tại và phát triển, CNTB đã luôn luôn tự điều chỉnh, nhất là điều chỉnh những hạn chế, mâu thuẫn trong những luận điểm mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra trong Tuyên ngôn. Tuy nhiên, những hiện thực nan giải, những mâu thuẫn cơ bản vốn có không thể giải quyết được của GCTS và xã hội tư bản luôn diễn biến ngày càng phức tạp và gay gắt hơn. 

Ngoài những mâu thuẫn cơ bản vốn có, ngày nay GCTS và CNTB còn phải đối mặt với những mâu thuẫn mới nảy sinh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 tác động đến nhiều nước tư bản phát triển, khủng hoảng kinh tế như lạm phát, giá cả leo thang, việc làm khan hiếm, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, cực đoạn, chiến tranh cục bộ, xung đột giữa các quốc gia… GCTS đang áp dụng các biện pháp làm xoa dịu những mâu thuẫn giai cấp bằng những chế độ phúc lợi xã hội, cổ phần hóa doanh nghiệp…; song nó không thể xóa bỏ được những mâu thuẫn đó. Những sự điều chỉnh của GCTS và CNTB hiện đại không thể giúp CNTB “cải lão, hoàn đồng” như nó mong muốn. Bởi vì, tuy “CNTB còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội liên tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của CNTB”[6]. Chính những thực tế đang diễn ra trong xã hội các nước tư bản hiện nay và nhận định của Đảng ta càng chứng minh những luận điểm trong Tuyên ngôn về GCTS và CNTB là đúng đắn, hợp quy luật, giữ nguyên giá trị và sức sống đến ngày nay. 

Hiện nay, cho dù mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, hoạt động của phong trào cộng sản, cánh tả và công nhân quốc tế gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất và nội dung của thời đại, vẫn là thời kỳ quá độ từ CNTB lên chủ nghĩa xã hội. Sức sống mãnh liệt của Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn đèn chiếu sáng, là kim chỉ nam cho hành động của giai cấp công nhân, giai cấp vô sản và nhân dân lao động cùng các lực lượng tiến bộ trên thế giới, của các đảng cộng sản, cánh tả và công nhân quốc tế, các dân tộc trên hành tinh kiên trì đấu tranh cho mục tiêu cao cả của thời đại, đó là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn là việc làm có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung, trong công tác tư tưởng, lý luận nói riêng, nhất là trong việc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận tính đúng đắn, khoa học, hợp quy luật khách quan của lịch sử xã hội loài người về những luận điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong Tuyên ngôn về GCTS và CNTB trong thời đại ngày nay.

ThS. Nguyễn Văn Tuấn

   (Học viện Chính trị khu vực III)

 

 

[1] Mác và Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t.1, tr. 525.

[2] V.I.Lê-nin : Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t.2, tr. 10.

[3] Mác và Ăng-ghen: Sđd, tr. 548 - 549.

[4] Mác và Ăng-ghen: Sđd, tr. 556.

[5] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 605.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 68 - 69.