NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI,

THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG HIỆN NAY

ThS Vũ Đình Anh

 

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tiến hành các hoạt động chống phá một cách thường xuyên, tinh vi và phức tạp theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Trong nhiều lĩnh vực chống phá, chúng chú trọng “tiến công vào lòng người” nhằm gây hoang mang về tư tưởng, mất niềm tin vào Đảng, vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cổ súy biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Điều này, năm 1988, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã khẳng định trong cuốn sách 1999 - Chiến thắng không cần chiến tranh, rằng: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”1. Hay như cựu Tổng thống Mỹ D. Eisenhower cũng cho rằng: “Chi 1 đôla cho tuyên truyền bằng chi 5 đôla cho quân sự”. Vì vậy, cần nhận diện đối tượng, phương thức hoạt động cũng như các luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng để nâng cao hiệu quả đấu tranh là hết sức cần thiết hiện nay.

2. Nhận diện đối tượng và phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng

Các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng thời gian qua chủ yếu là một bộ phận nhỏ người Việt Nam sống ở nước ngoài và một số đối tượng ở trong nước, thậm chí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Bộ phận ở nước ngoài đang quay lưng lại với đất mẹ quê hương để tiếp tay chống phá là những người trong làn sóng tị nạn tháo chạy khỏi đất nước sau Đại thắng mùa xuân năm 1975; hoặc theo Chương trình ODP (Orderly Departure Program) nhằm bảo lãnh cho người Việt Nam được định cư từ năm 1980, hoặc theo Chương trình H.O (Humanitarian Operation) nhằm bảo trợ theo diện đoàn tụ gia đình, con lai, cựu nhân viên chính phủ và những tù nhân chính trị từ năm 1991… Theo thống kê của Văn phòng ODP, đã giải quyết hồ sơ cho khoảng 700.000 người; theo thống kê của Mỹ, đến năm 1997 có hơn 558.000 người Việt Nam được định cư theo chương trình H.O2. Điều này tạo cơ hội cho nhiều người Việt đoàn tụ gia đình, ổn định cuộc sống ở đất nước mới cũng như có những đóng góp nhất định cho quê hương. Tuy nhiên, mặt trái chính là sự dung dưỡng, tạo điều kiện cho một bộ phận nhỏ người Việt có tư tưởng thù hằn cách mạng, đó là cơ sở để họ nhóm họp, hình thành các tổ chức phản động lưu vong chống phá cách mạng trong nước. Thậm chí, đó còn là “miền đất hứa” của một số trí thức, văn nghệ sĩ cơ hội, bất mãn, “trở cờ” ở trong nước hiện nay với hy vọng sẽ được hỗ trợ, bảo trợ, bảo lãnh.

Theo thống kê, hiện có khoảng 400 tổ chức, hội, nhóm hoạt động ở nước ngoài nhằm mục đích chống phá cách mạng Việt Nam như “Đảng Việt Tân”, “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế cho Việt Nam”, Hội chuyên gia Việt Nam”, “Phong trào yểm trợ tự do và dân chủ cho Việt Nam”, “Đảng Dân chủ Việt Nam thế kỷ XXI”3… Có rất nhiều đối tượng hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, văn học - nghệ thuật được các tổ chức, các thế lực bảo lãnh định cư ở nước ngoài để trực diện chống phá như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bùi Tín, Lê Hữu Mục, Vũ Thư Hiên, Phạm Đoan Trang, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Thu Hà…

Các thế lực thù địch đã tài trợ, tiếp tay cho rất nhiều cơ sở hoạt động chống phá ở nước ngoài, hiện có “52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng internet, 429 báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta”4. Cụ thể, một số nhà xuất bản (ở Mỹ có Tâm Thư, Hồng Lĩnh, Thanh Vân, Đại Nam, Tự do…; ở Pháp có Philippe Piquer, Phụ nữ…), các báo, tạp chí (Hợp Lưu ở Mỹ, Quê mẹ ở Pháp, Làng văn ở Canada…) thường đăng tải, in và phát tán vào trong nước ta. Những năm qua, một số ấn phẩm dưới dạng sách văn học - nghệ thuật có nội dung phản động, chống chế độ, xuyên tạc, bôi đen về Đảng, Nhà nước, Quân đội, vu cáo về tự do, dân chủ, nhân quyền… như: “Những thiên đường mù”, “Đỉnh cao chói lọi”, “Mặt Thật”, “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký”, “Những mảnh đời sau song sắt”, “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Chính đề Việt Nam”, “Cánh đồng Sênh”…

Bên cạnh các đối tượng lộ diện chống phá, các thế lực thù địch còn khuyến khích, cổ súy các đối tượng ở trong nước hoặc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để chống phá từ bên trong. Đây là vấn đề hết sức phức tạp mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hiện có một số cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ “thay lòng đổi dạ” theo xu hướng tiêu cực, dần bị suy thoái, biến chất. Cuối cùng, họ xa rời Đảng hoặc trở thành kênh phát ngôn chuyển tải thông tin xấu, độc hại, sai trái cho các thế lực thù địch. Không chỉ là thiểu số trí thức, văn nghệ sĩ trẻ, mà có một số trí thức, văn nghệ sĩ từng có uy tín, đã đảm nhiệm những chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “chống đối”. Chẳng hạn, nhóm văn nghệ sĩ vốn có uy tín đã vận động thành lập “Văn đoàn độc lập” để lấy danh nghĩa chấn hưng nền văn học, tiến hành các hoạt động bất thường và không chịu sự quản lý của các cơ quan trong nước. Hoặc họ tự lập một số nhóm văn nghệ mà không do Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật lãnh đạo như “Hội luận văn chương”, “Câu lạc bộ Nguyễn Đình Thi”, “Nhóm thơ Mở miệng”, phái “Họa sĩ Hà Nội”, “Tổ chức phóng viên không biên giới”, “Trung tâm Văn bút Việt Nam”… với chủ trương “văn học không biên giới” nhằm “hợp lưu” với các nhóm văn học có nhiều hoạt động chống phá ở hải ngoại5.

Để hiện thực hóa âm mưu thâm độc, các thế lực thù địch thực hiện tổng hợp các biện pháp, tiến hành các hoạt động chống phá thường xuyên theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đặc biệt, chúng tập trung vào các thời điểm Đảng và Nhà nước ta chuẩn bị và tiến hành tổ chức các hoạt động lớn như Đại hội Đảng; bầu cử; thông qua, ban hành các luật, nghị định; các ngày lễ kỷ niệm sự kiện cách mạng; hoặc khi có những vấn đề liên quan sai phạm của cán bộ, đảng viên, sự cố về môi trường, thiên tai… Chúng dùng các phương tiện truyền thông hiện đại, qua mạng internet như các mạng xã hội (nhất là facebook), các clip trên youtube, các blog cá nhân, các nhóm online, tổ chức livestream… Chúng mượn các chương trình hợp tác, viện trợ để tập hợp lực lượng qua các tổ chức hợp pháp và bất hợp pháp; chúng mua chuộc, lôi kéo, móc nối với các tổ chức, các văn nghệ sĩ có biểu hiện bất mãn, dao động về lý tưởng chính trị. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng các hoạt động nhân đạo, tài trợ “dự án”, lập đạo, truyền đạo trái phép để tuyên truyền, lôi kéo… Qua đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, lệch lạc.

3. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng

Các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng khá phức tạp, có sự đan xen nhiều khía cạnh, song có thể khái quát thành một số vấn đề như:

- Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng về tư tưởng, chúng xuyên tạc cho rằng Đảng thiếu dân chủ, áp đặt tư tưởng, tước đoạt tự do. Chúng khuyến khích cái gọi là “xã hội dân sự”, hỗ trợ thành lập các hội, nhóm đòi “dân chủ”, thân phương Tây, ca ngợi tinh thần “tự do” cực đoan…

- Phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng chủ nghĩa xã hội, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành tựu của cách mạng.

- Tuyên truyền những nhận thức sai lệch, phiến diện về chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, gây bi quan về tương lai xã hội chủ nghĩa. Thổi phồng một số khuyết điểm, sai lầm của Đảng, Nhà nước; bôi đen những mặt trái của nền kinh tế thị trường, những tệ nạn trong xã hội…

- Xuyên tạc, “hạ bệ” lãnh tụ Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thêu dệt sai sự thật các yếu tố đời tư, thế sự theo dụng ý “bôi đen” biểu tượng Hồ Chí Minh vĩ đại và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ cũng như đương đại nhằm gây hoang mang dư luận. “Tô vẽ” sai phạm của các cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng… để hủy hoại niềm tin đối với Đảng và Nhà nước.

- Cổ súy lối sống vị kỷ, thực dụng, hưởng lạc, phản nhân văn, trái với thuần phong mỹ tục trong văn hóa Việt Nam; tô đen cái ác, cái xấu, cái phi nhân tính nhằm gieo rắc sự mất niềm tin, sự khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng và lý tưởng sống…

4. Nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc và tích cực thực hiện theo tinh thần Đại hội XIII nhằm “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”6. Trên lĩnh vực tư tưởng, thiết nghĩ, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Chúng ta cần quán triệt đây là trách nhiệm của tất cả mọi công dân Việt Nam, mà trước hết là cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc phương hướng, triển khai cụ thể nhiệm vụ, xây dựng lực lượng đấu tranh. Cần thông tin rộng rãi, đầy đủ về đối tượng, âm mưu, phương thức, quan điểm, nội dung… của các thế lực thù địch để tất cả mọi người hiểu rõ bản chất. Có như vậy, người dân mới biết để chủ động đề phòng nhằm làm vô hiệu hóa các hoạt động chống phá. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ phải nhận nhiệm vụ kép: vừa đấu tranh phản bác, vừa tuyên truyền, thuyết phục nhân dân. Các cơ quan hoạt động lĩnh vực tư tưởng, báo chí cần quán triệt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tiên phong đấu tranh trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về công tác đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng. Xuất phát từ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn về vai trò quan trọng, tầm ảnh hưởng rộng lớn của lĩnh vực tư tưởng trong xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, nên Đảng và Nhà nước phải luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, đời sống vật chất, điều kiện kinh tế của con người thay đổi thì đời sống tinh thần cũng biến đổi theo. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải luôn nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu, phù hợp thực tiễn phát triển của lĩnh vực tư tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp lý, tích cực đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch về tư tưởng. Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vậy nên cần phải bổ sung, hoàn thiện thể chế để tất mọi người có căn cứ tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay, nhìn chung pháp luật, cơ chế, chế tài liên quan trong lĩnh vực này dù còn một số khó khăn nhất định, song cơ bản đã đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, đã tương đối đầy đủ và toàn diện. Đó là cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý xã hội, quản lý hoạt động văn hóa, cho công tác đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, sự xâm nhập của các ấn phẩm độc hại, thù địch. Các “Tội là, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Tội phản bội Tổ quốc”, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”… đã được Bộ Luật Hình sự (năm 2015) hiện hành quy định khá chi tiết. Các văn bản pháp quy liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2017), Luật Xuất bản (năm 2012), Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018)… và các nghị định, thông tư, quy định, quy tắc… của các cơ quan chức năng quy định khá đầy đủ, chi tiết. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng để thực thi những quan điểm lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nhằm đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng. Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nhất là đối với các cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí, mạng xã hội.

Thứ ba, cần thực hiện đồng bộ nhiệm vụ “xây” đi đôi với “chống” trên mặt trận tư tưởng. Trong công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, cần chú trọng đồng thời “bảo vệ” và “đấu tranh”, “xây” và “chống”.  Về nhiệm vụ “xây”, chúng ta phải luôn giữ vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng; tích cực học tập, nghiên cứu, có sự bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn; đề ra đường lối đúng đắn, xác lập con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sáng tỏ hơn… Về nhiệm vụ “chống”, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan liên quan trực tiếp lĩnh vực tư tưởng, văn nghệ cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tích cực chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cần xử lý nghiêm những kẻ có biểu hiện, hành vi chống phá Đảng và Nhà nước để tăng tính răn đe. Cũng cần chống các biểu hiện xơ cứng, chủ quan, giáo điều hoặc xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin…

Thứ tư, xây dựng, phối hợp, phát triển lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch về tư tưởng, văn hóa. Đã có chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhưng lực lượng để thực thi nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn là hết sức quan trọng, là yếu tố đảm bảo thành công. Vì vậy, cần có sự phối hợp một cách đồng bộ cả theo chiều ngang và chiều dọc. Tức là các bộ, ban, ngành ở cấp trung ương cần có sự phối hợp đồng bộ với nhau và cùng chỉ đạo, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền ở địa phương, và cả theo ngành dọc từ trên xuống. Có như vậy mới tạo được cơ chế thống nhất nhằm phát huy sức mạnh định hướng dư luận một cách đồng bộ. Trong đó, các cơ quan trực tiếp liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa như Ban Tuyên giáo, Trường Đảng, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, ngành văn hóa, thông tin, cơ quan xuất bản, cơ sở nghiên cứu, cơ quan công an, quân đội, cơ quan báo chí… các cấp cần xây dựng thêm lực lượng thường trực để thực hiện công tác này. Tất nhiên, đây không phải là sự thành lập các bộ phận mới, mà chỉ là nhiệm vụ kiêm nhiệm gắn với nhiệm vụ thường xuyên (như ban tuyên giáo của các đảng ủy, chi ủy…). Cần xây dựng được đội ngũ nòng cốt có phẩm chất chính trị vững vàng, trình độ lý luận chuyên sâu, có khả năng luận chiến tốt, có sự nhiệt huyết với công tác nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch về tư tưởng, văn hóa. Cũng cần bảo đảm về cơ sở vật vất, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là đối với những vị trí kiêm nhiệm vai trò thường trực trong công tác này. Khi có được cơ chế, quy định phối hợp, có lực lượng thường trực thì sẽ chủ động, kịp thời hơn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần có cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp hành động giữa các cơ quan liên quan qua lực lượng thường trực trong triển khai tuyên truyền, vận động, đấu tranh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Khi có những sự kiện nhạy cảm, phức tạp dễ gây hoang mang dư luận, các cơ quan báo chí, truyền thông cần kịp thời chuyển tải các nội dung, thông tin một cách đầy đủ và sâu sắc để dư luận thấy rõ sự thật.

Thứ năm, đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên không gian mạng. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, các cơ quan chức năng liên quan cần xây dựng kế hoạch thực hiện một cách cụ thể và sớm nhất có thể. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin, Internet, các trang mạng xã hội, Youtube… có tầm phổ rộng trong toàn xã hội đối với người dân, thì vấn đề quản lý trong lĩnh vực này là hết sức khó khăn và phức tạp. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP “về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng (năm 2018). Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng để thực thi nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, nhất là trên môi trường mạng Internet hiện nay. Nhưng thực tế vẫn có nhiều điểm chưa theo kịp được thực tiễn quản lý ở lĩnh vực này. Nhất là vấn đề liên quan đến các thông tin, bài viết, clip có nội dung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, cách mạng Việt Nam có nguồn gốc từ máy chủ ở nước ngoài. Sự khó khăn khi áp dụng pháp luật còn do tính chất mở và không biên giới của mạng internet. Để ban hành được “những điều cấm” trong quản lý Internet đã phức tạp, nhưng để thực thi được “những điều cấm” đó lại càng khó khăn bội phần. Vì không chỉ do tính chất của công nghệ mà còn bởi những vấn đề mang tính chính trị, pháp luật, bởi một hành vi trên Internet có thể vi phạm pháp luật của nước này, nhưng lại được phép ở một quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ đủ mạnh, đảm bảo cơ sở vật vất để có thể thực thi, tác chiến, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Tóm lại, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa xã hội một cách dai dẳng và phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần xác định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch là hoạt động thường xuyên và lâu dài. Để công tác này đạt hiệu quả cao, cần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đáp ứng yêu cầu, bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, chú trọng một số giải pháp cơ bản nêu trên nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, “xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”; đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Đó là cơ sở để đất nước ta giữ vững định hướng độc lập dân tộc và tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

1, 5. Hội đồng Lý luận Trung ương: Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb CTQG - ST, H, 2017, tr. 481, tr. 474 - 475.

2. Lê Thế Cương: Câu chuyện xưa và sự lợi dụng chống phá hiện nay, http://cand.com.vn/, ngày 24-4-2020, 2020.

3. Nguyễn Bá Dương: Bình mới rượu cũ” của chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, Nxb QĐND, H, 2017, tr. 53 - 54.

4. Tùng Lâm: Đấu tranh với các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, https://www.tapchicongsan.org.vn/, ngày 01-8-2020.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. 1, Nxb CTQG - ST, H, 2021, tr. 183.