Tham dự Hội thảo có các đồng chí trong Ban Giám đốc; thành viên Hội đồng Khoa học; lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên các đơn vị; chuyên viên Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; các học giả, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đến từ Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Trường Đại học Duy Tân;...
Chủ trì hội thảo: PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và TS Lê Nhị Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa.
(Ảnh: PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III
trình bày đề dẫn tại Hội thảo)
Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là điều ước quốc tế quan trọng nhất về Luật Biển trên phạm vi toàn cầu. Ngày 10/12/1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết; là văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển. UNCLOS 1982 được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói” (package deal), bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển. UNCLOS 1982 bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục, 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới. UNCLOS 1982 được xem là một bản hiến pháp mới về biển của cộng đồng quốc tế, ấn định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, xác lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đóng góp quan trọng vào tiến trình pháp điển hóa Luật Biển quốc tế. UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, đến nay đã có 168 quốc gia phê chuẩn.
UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ các quốc gia trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển cho sự phát triển bền vững của các thế hệ mai sau. UNCLOS 1982 là công cụ hữu hiệu để các quốc gia giải quyết tranh chấp phát sinh từ biển, góp phần bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. Việc đưa vào UNCLOS 1982 các điều khoản bắt buộc giải quyết các tranh chấp ở biển được coi là một bước tiến lớn của luật quốc tế nói chung và của Công ước Luật Biển năm 1982. Điều này phản ánh đúng xu thế của thời đại, thể hiện ý nguyện của các quốc gia có biển cũng như không có biển. Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế trở thành nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên hợp quốc và được thể hiện đậm nét trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Từ góc độ UNCLOS 1982, Biển Đông là khu vực đặc thù, chứa đựng tất cả các nội dung liên quan của UNCLOS 1982 như quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, nước không có biển, nước bất lợi về mặt địa lý, các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, vùng nước lịch sử, vùng đánh cá, phân định biển, vấn đề biển kín và nữa kín, eo biển quốc tế, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật, các đàn cá di cư xa và đàn cá xuyên biên giới, khai thác chung, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn… Các quy định của UNCLOS 1982 là cơ sở để các quốc gia trong khu vực Biển Đông kiềm chế và quản lý các nguy cơ đối với an ninh trên biển; là cơ sở để các bên đưa ra các yêu sách vùng biển hợp pháp, từ đó xác định được các quyền và nghĩa vụ của mình. UNCLOS 1982 cũng thiết lập cơ chế hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia. Cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 có thể được vận dụng và tiến tới giải quyết tranh chấp, trong đó các quốc gia có nghĩa vụ đạt được giải pháp tạm thời trong khi tranh chấp chưa được giải quyết triệt để.
Thực tiễn cho thấy, vấn đề Biển Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa đến an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển của các nước trong khu vực. Cho đến nay, một số quốc gia ven Biển Đông vẫn còn những cách giải thích khác nhau, sự áp dụng và vận dụng UNCLOS 1982 khác nhau khi xác định phạm vi ranh giới các vùng biển, dẫn đến sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Sau 40 năm được chính thức ký kết, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là một khuôn khổ pháp lý đa phương và toàn diện nhằm giúp các quốc gia khai thác, sử dụng và quản lý biển, đại dương một cách hòa bình, công bằng, bền vững trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau. Là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam có nhiều lợi ích lớn gắn liền với biển. Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982 và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước Luật Biển 1982; luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực vào việc thực hiện Công ước.
Với mục tiêu nghiên cứu, làm rõ hơn giá trị của UNCLOS 1982 trong quản trị biển hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia ven Biển Đông, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 với Việt Nam trong tình hình mới”.
Để đạt được mục đích của Hội thảo trong phạm vi thời gian được ấn định, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận làm rõ các nội dung sau: Giá trị phổ quát của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong thiết lập và duy trì trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển và đại dương; Vai trò và trách nhiệm của những quốc gia thành viên trong tham gia và thực thi các quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Quá trình Việt Nam tham gia và thực hiện các nội dung của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Những khó khăn và thách thức trong giải quyết các tranh chấp, khác biệt trên Biển Đông và thực thi các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 về phân định biển giữa các quốc gia ven Biển Đông trong tình hình mới.
(Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo tại Học viện Chính trị khu vực III)
Hội thảo đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện với 17 tham luận được gửi đến. Dưới sự điều hành của Ban Chủ trì, các tham luận cùng một số ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - Những nội dung chủ yếu và sự vận dụng trong thực tiễn ở Việt Nam; Quá trình Việt Nam tham gia và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - Kết quả và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học biển của Việt Nam - Kết quả và vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay; Chiến lược biển của Trung Quốc trên Biển Đông và tác động đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay (qua các nghiên cứu của Việt Nam và nước ngoài); Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; Giải quyết các tranh chấp, khác biệt trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 - Từ nhận thức đến thực tiễn;…
Kết luận Hội thảo, TS Lê Nhị Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa đã đánh giá cao các bài tham luận, những ý kiến phát biểu của các nhà khoa học với tinh thần trách nhiệm, hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề do Ban Tổ chức yêu cầu. TS Lê Nhị Hòa cho rằng, Hội thảo hôm nay là diễn đàn để các học giả, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý cùng trao đổi và cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách giải quyết các tranh chấp, bất đồng và tăng cường hợp tác trên Biển Đông. Đồng thời, kết quả của Hội thảo sẽ là tư liệu bổ ích phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở Học viện Chính trị khu vực III.
BBT Cổng TTĐT
(Duy Hoà thực hiện)