Tham dự Hội thảo có PGS, TS Đoàn Triệu Long, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; các đồng chí trong Ban Giám đốc; thành viên Hội đồng Khoa học; lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên các đơn vị; chuyên viên Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; các học giả, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đến từ Vụ Địa phương II, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng;...
Chủ trì hội thảo: PGS, TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và TS Nguyễn Thị Linh Giang, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật.
(Ảnh: PGS, TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trình bày đề dẫn tại Hội thảo)
Phát biểu đề dẫn, PGS, TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, ở Việt Nam quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiên các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được qui định cụ thể tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Điều 12 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về nguyên tắc phân quyền cho chính quyền địa phương trên các nội dung: Việc phân quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật; Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.
Trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương”. Theo đó, phân cấp, phân quyền đã và đang được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trao quyền tự chủ hơn góp phần tạo điều kiện cho chính quyền và lợi thế của các địa phương; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của từng cấp, ngành trong tổ chức thực hiện; thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, việc thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở nước ta nói chung và ở miền Trung - Tây Nguyên nói riêng với những kết quả đạt được thể hiện tầm nhìn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề phân cấp, phân quyền.
Thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phân cấp, phân quyền vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Các quy định của pháp luật chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; Việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương ở một số lĩnh vực chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực; thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; phân cấp, phân quyền nhưng không kèm theo điều kiện bảo đảm, không được tăng cường tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp;… Chính vì vậy, phân cấp, phân quyền đã và cũng sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, nhân sự, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của các chủ thể; nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát; thúc đẩy giám sát, phản biện xã hội đối với chính quyền…
Từ những vấn đề đặt ra đó, Hội thảo rất cần có sự chia sẻ, góp bàn của cán bộ, giảng viên Học viện và các học giả, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý làm công tác thực tiễn tại một số địa phương nhằm làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với địa phương ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, góp phần tạo bước chuyển trong thay đổi nhận thức về phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền; bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của địa phương; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được mục đích của Hội thảo trong phạm vi thời gian được ấn định, PGS, TS Lê Văn Đính đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận làm rõ các nội dung sau: Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; Phân cấp, phân quyền trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước; Các yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp, phân quyền hiện nay tại Việt Nam; Thể chế hóa và tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền trong thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị, mô hình nông thôn, trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay; Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về văn hóa, kinh tế, ngân sách nhà nước ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; Phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hiện nay;…
(Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo tại Học viện Chính trị khu vực III)
Hội thảo đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện với 17 tham luận được gửi đến. Dưới sự điều hành của Ban Chủ trì, các tham luận cùng một số ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề như: Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; Pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương, địa phương và định hướng hoàn thiện; Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương về công tác tổ chức cán bộ và những vấn đề đặt ra đối với các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên hiện nay; Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện phân cấp, phân quyền của chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện nay; Kiểm soát quyền lực nhà nước trong thực hiện phân cấp, phân quyền ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên - Vấn đề đặt ra và giải pháp; Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về văn hóa ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hiện nay; Thực trạng phân cấp quản lý ngân sách nhà nước ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên;…
Kết luận Hội thảo, TS Nguyễn Thị Linh Giang, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật đã đánh giá cao các bài tham luận, những ý kiến phát biểu của các nhà khoa học với tinh thần trách nhiệm, hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề do Ban Tổ chức yêu cầu. Kết quả của Hội thảo hôm nay sẽ là tư liệu bổ ích phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Học viện, gợi mở nhiều vấn đề nhằm cung cấp thêm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo thực tiễn ở các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
BBT Cổng TTĐT
(Duy Hoà thực hiện)