TS. Lê Thị Thanh Huyền

(Học viện Chính trị khu vực III)

 

1. Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về kinh tế số

Ở Việt Nam, những năm 90 của thế kỷ XX thuật ngữ “kinh tế số” chưa được nói nhiều, nhưng các nội dung liên quan đến KTS đã được đề cập như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số (CNS), dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã được đề cập theo từng giai đoạn và đạt kết quả tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, từ Đại hội VI đến Đại hội XII, Đảng ta đề ra chủ trương về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), với quyết tâm xây dựng hạ tầng thông tin trở thành mạng kết nối hạ tầng quan trọng đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong tình hình mới. Do đó, Đại hội XII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ tổng quát: “Phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…”(1)

Ở Việt Nam, kinh tế số được hiểu đó là nền kinh tế bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ được thực hiện theo mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Trong đó, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo các mạng lưới công nghệ thông tin và truyền thông; các ứng dụng công nghệ số bao gồm các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ online và các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ cho hoạt động KTS. Như vậy, KTS được vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số, kỹ thuật số và được áp dụng rộng rãi lên tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; các lĩnh vực sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa, dịch vụ tài chính ngân hàng… Sự phát triển của kinh tế số đã tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng đến tất cả các ngành của nền kinh tế, với ý nghĩa không chỉ thay đổi phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức sản xuất kinh doanh) mà còn thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo chuỗi từ sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng với tốc độ và quy mô nhanh chưa từng có. Phát triển KTS ở Việt là xu thế tất yếu, với mục tiêu đề ra“Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP”(2).

Hiện nay, dưới sự tác động mạng mẽ của cuộc CMCN lần thứ trên thế giới và những thành tựu Việt Nam đã đạt được sau 35 năm đổi mới cho thấy quan điểm, chủ trương của Đảng về những vấn đề liên quan đến KTS là phù hợp xu thế thời đại và tình hình thực tiễn, đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại. Vì vậy, Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Phát triển kinh tế số trên nền tảng và khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”(3)đây là một trong những định hướng lớn cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Điều này cho thấy KTS là một nội dung mới của Đại hội XIII so với các Đại hội trước và khẳng định vai trò của KTS đối với phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết đối với nước ta, phù hợp với xu thế của thời đại. Các nội dung về KTS của Văn kiện Đại hội XIII được thể hiện ở các khía cạnh như sau:

Thứ nhất, kinh tế số góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XIII xác định “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” (4). Như vậy, điểm mới của Đại hội XIII về KTS là cần phải tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên sự đổi mới, sáng tạo để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu với chủ trương “Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế quốc gia và phát triển kinh tế số”(5). 

Thứ hai, kinh tế số được xem là một yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để có sự bứt phá, tiến kịp, vượt lên của một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Đại hội XIII, nhấn mạnh:“Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới”(6)Nội dung này hàm ý phát triển KTS ở Việt Nam phải được thực hiện một cách toàn diện trên tất các lĩnh vực, các ngành (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) dựa trên thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư. Đặc biệt, đối với phát triển ngành công nghiệp, Đảng ta xác định: “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, tập trung phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghệ cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... Ưu tiên phát triển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”(7)

Thứ ba, kinh tế số góp phần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm ngẽn. Trên tinh thần kế thừa, phát triển quan điểm Đại hội IX, XII của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII khẳng định: “Xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia. Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”(8). Đảng ta đã khẳng định tiếp tục ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư, chuyển đổi số, công nghệ số, ICT vào phát triển quản trị quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đồng thời phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường “Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu”(9).

Thứ tư, kinh tế số là một ngành kinh tế cấu thành tỷ trọng GDP trong nền kinh tế quốc dân ngày càng tăng lên. Trên cơ sở thực tiễn ở Việt Nam, phân tích bối cảnh quốc tế, Đảng ta cho rằng KTS là một trong những xu hướng tất yếu của sự phát triển thời đại ngày nay và nhấn mạnh: “Phát triển bền vững trở thành một xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là một mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn...”(10). Do đó, trong Chiến lược phát triểnkinh tế - xã hội 10 năm (2021 -2030), Đảng ta đưa ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số đến năm 2025 tỷ trọng KTS đạt khoảng 25% GDP và đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP. Như vậy, để thực hiện được mục tiêu đó, KTS được là một  bộ phận trong đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nhấn mạnh “Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”(11)

Nhìn chung, quan điểm của Đại hội XIII về KTS được đề cập khá toàn diện trên tất cả các ngành, các lĩnh vực và không chỉ là yếu tố thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mà còn là một bộ phận cấu thành trong tỷ trọng GDP của nền kinh tế quốc dân. 

2. Tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Trong xu thế phát triển KTS của thế giới, Đại hội XIII đã phân tích tình hình trong nước với những thuận lợi, khó khăn, và nhấn mạnh KTS là một yếu tố đem lại nhiều cơ hội cho thực hiện quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại trong thời gian tới. Tiềm năng và triển vọng về KTS ở Việt Nam được thể hiện ở các nội dung sau đây:

- Về phát triển hạ tầng kinh tế số ở Việt Nam.

 Hai thập niên đầu của thế kỷ XXI ở Việt Nam ngành công nghiệp công nghệ thông tin (công nghệ phần cứng và công nghệ phần mềm) được phát triển nhanh chóng và số người sử dụng phần mềm vào quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được gia tăng. Theo số liệu thống kê năm 2020, Việt Nam có khoảng 64,6 triệu người dùng internet, chiếm trên 67,2% dân số cả nước trung bình mỗi người sử dụng interent trên các thiết bị di động thông minh (smartphone) là dành tới 3 giờ 12 phút/ngày(12). Trong khoảng thời gian đó người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc với 52%, ứng dụng xem video là 20%, game là 11% và ứng dụng công việc hay mua sắm qua các sàn thương mại điện tử(13). Việt Nam đang xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới. Có thể nói, KTS Việt Nam có nhiều ưu thế nổi trội ở một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng số hóa, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đã thử nghiệm thành công mạng 5G là một trong hai quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á triển khai 5G, dự báo đến năm 2025 sẽ có khoảng 6,3 triệu thuê bao kết nối 5G(14). Trong đó, công nghệ thông tin và truyền thông tăng trưởng khá nhanh với tổng doanh thu đạt 98,9 tỷ USD vào năm 2018 (sản xuất phần cứng chiếm 89% tổng doanh thu của ngành ICT), cao gấp 13 lần doanh thu năm 2010 (7,6 tỷ USD) và đến năm 2020, doanh thu ngành này đạt mức 120 tỷ USD. Giai đoạn 2016 - 2018 duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khá cao ở các lĩnh vực như: công nghiệp phần mềm là 15%/năm; công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông là 20,24%/năm; công nghiệp nội dung số đạt 7,47%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt hơn 93 triệu USD(15). Mặt khác, Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia thu hút đầu tư lớn về KTS ở khu vực châu Á, năm 2018, nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 350 triệu USD với 137 dự án, tăng 250% về trị giá và 165% dự án so với năm 2017(16). Với kết quả này cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và triển vọng phát triển hạ tầng KTS trong thời gian tới với tốc độ nhanh hơn.

- Về phát triển thị trường kinh tế số ở Việt Nam 

Việt Nam cùng các nước trong ASEAN 6 được đánh giá là một trong những thị trường năng động, ổn định về phát triển kinh tế, năm 2020 có chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 3,5 điểm, xếp hạng tăng 10 bậc đạt 61,5/100 điểm và xếp 67/141 quốc gia và nền kinh tế. Trong đó, chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tăng 54 bậc, xếp thứ 41 thế giới, vượt chỉ tiêu đề ra của Chính phủ(17). Hoạt động đặt hàng của doanh nghiệp với đối tác với các hình thức trực tuyến năm 2018 chủ yếu là qua email với 84%, qua mạng xã hội là 45%, qua website là 44% và sàn giao dịch thương mại điện tử. Các doanh nghiệp này hầu như dùng công cụ Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo... để hỗ trợ các hoạt động trong công việc kinh doanh, quản lý cho doanh nghiệp (năm 2018 với 58% doanh nghiệp dùng các công cụ này)(18). Có thể thấy, những năm gần đây (2015 - 2019) thương mại điện tử có thị phần tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế số ở Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng tăng trung bình trên 25%/năm. Năm 2019, có khoảng 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, doanh thu đạt khoảng 10,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng 35% mỗi năm, nhanh hơn gấp 2,5 lần so với Nhật Bản(19). Hiện nay, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee đã dần dần phát triển, mở rộng, tạo uy tín thương hiệu của khu vực, hay là lĩnh vực Dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe trực tuyến cùng dần dần hình thành và mở rộng. Năm 2019, ở Việt Nam lượng truy cập trung bình ở website chiếm tỷ lệ lớn nhất là Shopee khoảng 38 triệu lượt/tháng, Thegioididong khoảng 28 triệu lượt/tháng, Sendo khoảng 27,2 triệu lượt/tháng, Lazada khoảng 27 triệu lượt/tháng và Tiki khoảng 24,5 triệu lượt/tháng(20). Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam có hơn 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua  internet và 44 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, cùng  với nhiều ứng dụng thanh toán di động (như WePay), ví điện tử cho phép người dùng chuyển tiền cho nhau thông qua giao dịch ngang hàng trên internet, cũng như trả tiền hàng hóa, dịch vụ và thanh toán. Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid -19 diễn ra toàn cầu nhưng thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng đạt 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD (chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước)(21). Như vậy, xu hướng hiện nay có thể thấy thương mai điện tử là một bộ phận cấu thành quan trọng có giá trị và tốc tăng trưởng cao trong những năm gần đây góp phần thúc đẩy phát triển KTS ở Việt Nam.

Cùng với sự phát triển thị trường thương mại điện tử thì Chính phủ điện tử ở Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện trong nhóm các nước ASEAN. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam liên tục tăng lên, năm 2014 xếp vị trí 99, đến năm 2016 đã tăng lên 10 bậc lên vị trí 89, năm 2020 có vị trí thứ 86 và tăng 2 bậc so với năm 2018 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc(22). Trong đó, năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu các thông tin trên các website cơ quan nhà nước là 31%, 75% tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo... được cung cấp trên website của các cơ quan nhà nước tăng lên so với năm 2017 (năm 2017 là 73% doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ công trực tuyến). Khai báo thuế điện tử vẫn là dịch vụ công trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất (88%), tiếp sau đó là dịch vụ đăng ký kinh doanh (51%)(23), các dịch vụ khác như khai báo hải quan, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử... 

Hiện nay, xu hướng ứng dụng phần mềm và sử dụng công nghệ di động đang phát triển nhanh và trở thành thói quen trong sinh hoạt, công việc hằng ngày của người dân, trong quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bởi nó đem lại nhiều thuận lợi, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người sử dụng. Đây là một xu hướng tất yếu trong điều kiện khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ nhanh và quy mô lớn như hiện nay, đồng thời cũng thể hiện được một tiềm năng và triển vọng của thị trường Việt Nam về phát triển KTS trong thời gian tới. 

- Kinh tế số với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Trong 5 năm qua, KTS đã đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cụ thể: Năm 2015, KTS đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD nhưng đến năm 2018 đạt 9 tỷ(24); năm 2019 đạt 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015(25); năm 2020 đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019(26). Đặc biệt giai đoạn 2000 - 2020 nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, với ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, dịch bệnh Covid-19 diễn ra toàn cầu nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đạt được ở mức độ bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 5,95%/năm. Mặc dù, năm 2020 tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,91%(27) nhưng được đánh giá có mức độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GDP giai đoạn 2011 - 2020 đạt 39,4% (đạt cao hơn so với mục tiêu chiến lược đề ra là 35%) và tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 2011 - 2015 đạt 4,3%/năm; 2016 - 2020 tăng lên 6%/năm. Thành tựu này đã đưa Việt Nam cùng với Indonesia là hai quốc gia có tăng trưởng hai con số về KTS trong năm qua của ở khu vực ASEAN và được quốc tế đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; là điểm sáng trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

3. Một số gợi ý chính sách phát triển kinh tế số ở Việt Nam 

Để thực hiện được các nội dung và mục tiêu được đề ra của Đại hội XIII về kinh tế số theo tác giả có một số gợi ý chính sách:

Một là, cần tuyên truyền, chủ động tham gia tích cực các nội dung KTS trên cơ sở phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội. Đồng thời, cần phải xây dựng cơ chế hợp tác, mối liên kết giữa Nhà nước với các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách về phát triển KTS. Đẩy mạnh cải cách thể chế, tiếp tục xây dựng cơ chế quản lý thích hợp với điều kiện kinh doanh số đảm bảo đổi mới sáng tạo có tính thống nhất với nguồn dữ liệu xuyên quốc gia, đảm bảo tính bảo mật, an ninh mạng, pháp luật về thương mại điện tử và thuế theo khung pháp lý quốc tế. 

 Hai là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và hỗ trợ ứng dụng ICT, phát triển KTS, xã hội số ở Việt Nam trong thới gian tới. Cần ưu tiên tập trung phát triển các ngành liên quan đến kinh tế số như phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (nhất là mạng băng rộng để tăng tốc truyền tải thông tin); phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông; phát triển các nguồn dữ liệu số; nội dung và dịch vụ ICT nhằm tạo động lực thúc đẩy các dịch vụ thông minh (tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo...).  

Ba là, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo gắn với các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hỗ trợ cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp đối với lĩnh vực công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền KTS nhằm thích ứng linh hoạt sự thay đổi liên tục của công nghệ hiện đại như ngày nay.

Bốn là, đẩy nhanh quá trình phát triển nguồn nhân lực cho KTS ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Dó đó, cần phát triển đội ngũ chuyên gia và người sử dụng ICT chuyên nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho người sử dụng thông thường; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế số. Cần có sự liên kết với các cơ sở đào tào đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đào tạo theo hướng phát triển tư duy sáng tạo, khuyến khích áp dụng mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên nền tảng số, công nghệ số. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo lại cho người lao động và tổ chức triển khai thiết bị số, Internet về các vùng hải đảo, vùng núi, vùng sâu vùng xa nhằm thu hẹp khoảng cách số cho người dân các vùng này trong quá trình chuyển đổi số, phát triển KTS. Ngoài ra, cần hợp tác với các với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp cận được với công nghệ mới gắn với thực tiễn yêu cầu của công nghệ và thị trường KTS hiện nay. 

Năm là, tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số, nhất là khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số, kỷ thuật số ở các lĩnh vực: Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tích hợp công nghệ số, xây dựng chiến lược và phát triển mô hình sản xuất kinh doanh dựa trên số hóa nhằm tối ưu các kỹ năng mới cho từng cá nhân, tổ chức và sử dụng chuỗi cung ứng thông minh một cách hiệu quả nhất. Làm tốt điều này sẽ là điều kiện phát triển nguồn nhân lực, phát triển tài sản trí tuệ và quản lý tài sản trí tuệ theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận tư duy sáng tạo phù hợp trong môi trường thời đại công nghệ số. 

Tóm lại, phát triển kinh tế số ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là một trong những nội dung quan trọng thể hiện được ý chí, quyết tâm và hiện thực hóa phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(26) Phan Anh (2021), “Xây dựng chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số”, Tạp chí điện tử economy, ngày 6/5/2021, https://vneconomy.vn/xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-ve-phat-trien-kinh-te-so-va-xa-hoi-so.htm.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, NXB CTQG - ST, Hà nội, tr.77

(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (27) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, NXBCTQG - Sự thật, Hà nội 2021, tập 1, tr.115;; tr.120-121; tr.123; tr.235; tr.123; tr.132, tr.224, tr.207, tr.222, tr.61 

(18), (23) Đặng Thị Việt Đức, “Kinh tế số Thực trạng và hướng phát triển tại Việt Nam”, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2020, tr.89; tr.93.

(24), Trần Mai Hiến (2020), “Kinh tế số và cơ hội để Việt Nam bứt phá”, Tạp chí cộng sản điện tử, ngày 11/2/2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/815928/kinh-te-so-va-co-hoi-de-viet-nam-but-pha.aspx#

(20) Tô Trọng Hùng (2021), “Nhận thức về kinh tế số và một số giải pháp phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam”, Tạp chí tài chính online, ngày 12/6/2021, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nhan-thuc-ve-kinh-te-so-va-mot-so-giai-phap-phat-trien-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-334876.html

 (19), (21) Bùi Lan Phương (2021), Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử tại Việt Nam”, Tạp chí tài chính online, ngày 3/7/2021, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/giai-phap-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-335205.html

(2) Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

 (13), (25) Đăng Văn Sáng (2020), “Xu thế phát triển kinh tế số trên thế giới và một số hàm ý cho Việt Nam”, Tạp chí tài chính online, ngày 20/12/2020, https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/xu-huong-phat-trien-kinh-te-so-tren-the-gioi-va-ham-y-cho-viet-nam-330697.html

 (12), (14), (16), (17) Nguyễn Thị Phương Thảo (2020), “Triển vọng kinh tế số tại Việt Nam”, 23/04/2020, Tạp chí con số sự kiện, http://consosukien.vn/trien-vong-kinh-te-so-ta-i-viet-nam.htm

(15) Nguyễn Văn Thức (2021), “Quản lý thuế trong nền kinh tế số”, Tạp chí tài chính online, ngày 20/3/2021, https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/quan-ly-thue-trong-nen-kinh-te-so-332657.html

(22) Phạm Trung (2020), “Liên hợp quốc, xếp hạng về Chính phủ điện tử: Việt Nam tăng 2 bậc”, Nhân dân điện tử, ngày 14/7/2020, https://nhandan.vn/thong-tin-so/lhq-xep-hang-ve-chinh-phu-dien-tu-viet-nam-tang-2-bac-608578/

 

(Dẫn theo Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 1(182)/2022)