QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

VỀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TỪ ĐẠI HỘI VI ĐẾN ĐẠI HỘI XIII

BÙI THỊ HẢI HÀ

Học viện Chính trị khu vực III

         

Phát triển xã hội là quá trình con người có những hoạt động khác nhau để nâng cao và cải thiện không ngừng chất lượng cuộc sống và môi trường sống. Để phát triển xã hội bền vững thì cần phải thực hiện hiệu quả quản lý phát triển xã hội, nghĩa là phải hoạt động theo chức năng quản lý của nhà nước với sự phối hợp của các tổ chức ngoài nhà nước trong việc tổ chức xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, các công cụ quản lý, huy động tối đa các nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cá nhân, cộng đồng và phát triển xã hội bền vững.

1. Quan điểm và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội từ Đại hội VI đến Đại hội XIII

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12 - 1986) đã đề ra đường lối đổi mới đất nước,trong đó bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn, đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xác lập một mô hình phát triển mới cho đất nước, bổ sung, phát triển lý luận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong điều kiện mới.

Lần đầu tiên khái niệm “chính sách xã hội” được nêu trong Văn kiện Đại hội VI. Nghị quyết Đại hội khẳng định: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc... thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội”1. Đồng thời, Văn kiện Đại hội nhấn mạnh: “Cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên. Đó là một bước tiến mới trong nhận thức về chính sách xã hội của Đảng”2.

Bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước, Đại hội VI đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của Nhân dân và các đoàn thể quần chúng đối với việc quản lý và thực hiện chính sách xã hội khi khẳng định phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, điều này đã thể hiện một bước phát triển mới so với quan điểm trước đây về chủ thể quản lý phát triển xã hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của phát triển xã hội, vị trí, vai trò của chính sách xã hội và nhấn mạnh mục tiêu của chính sách xã hội trong mối quan hệ với chính sách kinh tế: “Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”3.Đại hội nhấn mạnh: “Huy động mọi khả năng của Nhà nước và của Nhân dân, trung ương và địa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề của chính sách xã hội”4.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng nêu rõ: “Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”5.

Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01 - 1994), mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được Đảng xác định một cách rõ ràng hơn: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”6. Hội nghị đã chủ trương tăng cường xây dựng các luật, các chính sách nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, vừa khuyến khích đầu tư để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vừa hạn chế bất công xã hội; có chính sách ưu đãi hợp lý về nhiều mặt để tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo.

Như vậy, giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1996, các văn kiện Đại hội Đảng đã nhấn mạnh đến khuyến khích làm giàu hợp pháp và coi việc một bộ phận dân cư giàu lên trước là cần thiết cho sự phát triển. Sau 10 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, trong đó về mặt xã hội tạo được một số chuyển biến tích cực. Cụ thể: đời sống vật chất của phần lớn nhân dân được cải thiện. Số hộ có thu nhập trung bình và số hộ giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm. Từ sau năm 1993, mỗi năm thêm hơn 1 triệu lao động có việc làm. Nhiều nhà ở và đường giao thông được nâng cấp và xây dựng mới ở cả nông thôn và thành thị. Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông tin đại chúng, công tác kế hoạch hóa gia đình và nhiều hoạt động xã hội khác có những mặt phát triển và tiến bộ. Người lao động được giải phóng khỏi ràng buộc của nhiều cơ chế không hợp lý. Chủ trương đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước được toàn dân hưởng ứng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII(tháng 6 - 1996), Đảng ta khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”7. Đồng thời, Đại hội nêu rõ:“Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội”8.

Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2001) nhấn mạnh: “Thực hiện các chính sách xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hóa xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển sản xuất, tăng năng xuất lao động, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội, khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp. Giải quyết việc làm là một chính sách xã hội cơ bản”. Đồng thời, Đảng ta khẳng định: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”9.Tổng kết 20 năm đổi mới đất nước, Đại hội X của Đảng (năm 2006) chủ trương phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội phải tiếp tục được đặt trong mối quan hệ không tách rời với phát triển kinh tế và quản lý phát triển kinh tế. Văn kiện Đại hội Đảng nêu: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”10, với các định hướng lớn về giải quyết những vấn đề xã hội.

Giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2011, đất nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật, đầy ấn tượng, trong đó phải kể đến việc giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Điển hình:

Trong lĩnh vực lao động và việc làm, những năm 1996 - 2001, mỗi năm hơn 1,2 triệu lao động có việc làm mới;những năm 2001 - 2005, mức giải quyết việc làm trung bình hằng năm đạt khoảng 1,4 - 1,5 triệu người; những năm 2006 - 2010, con số đó lại tăng lên đến 1,6 triệu người. Công tác dạy nghề từng bước phát triển, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ dưới 10% năm 1990 lên 40% năm 2010.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả đầy ấn tượng. Nhiều chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế. Đã tiến hành điều chỉnh chuẩn nghèo theo từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Năm 2006, Việt Nam hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).

Công tác giáo dục đạt được nhiều thành tựu. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Từ năm 2006 đến nay, trung bình hằng năm quy mô đào tạo trung học chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng và đại học tăng 7,4%. Năm 2009, trên 1,3 triệu sinh viên nghèo được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi để theo học.

Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả quan trọng; mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ số phát triển con người tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên 0,733 (năm 2008), xếp thứ 100/177 nước, thuộc nhóm trung bình cao.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) khẳng định:“Kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần”11. Để thực hiện tốt mục tiêu công bằng trong các chính sách xã hội, Đảng ta nhấn mạnh chính sách xã hội phải phù hợp với từng đối tượng, từng giai cấp, tầng lớp trong xã hội.Năm năm qua (2011-2015), phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực như: Chính sách an sinh xã hội được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trên các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người có công và bảo trợ xã hội. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong 5 năm đã tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 là 2,3%. Năm 2014, lao động trong khu vực chính thức đạt trên 30% và lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 49% tổng số lao động. Cuối năm 2015, đã có trên 12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, 75% tham gia bảo hiểm y tế, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuổi thọ trung bình tăng, đạt 73,3 tuổi vào năm 2015. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - công nghệ kỹ thuật cao.

Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) nhận định: “Đảng đã nhận thức ngày càng cụ thể và đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội... Nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; vai trò của chính sách xã hội, sự thống nhất và kết hợp hài hòa giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội”12.

Lần đầu tiên, Đại hội XII đặt ra quan điểm phát triển xã hội bền vững. Văn kiện Đại hội nêu rõ: “Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, Đảng ta khẳng định: “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”13. Những năm qua, nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động được thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở thành thị có xu hướng giảm dần từ mức 4,5% năm 2010 xuống còn 3% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) xuống còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô.Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Theo Tạp chí Times Higher Education, Việt Nam có ba trường đại học có tên trong bảng xếp hạng các trường Đại học khu vực châu Á năm 2021 (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội). Công tác dạy nghề cũng đạt được những kết quả quan trọng, số người được đào tạo nghề liên tục tăng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện đáng kể từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020.

Chính sách ưu đãi người có công được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh số 02 ngày 09 - 12 - 2020 về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ với người có công với cách mạng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tặng nhà tình nghĩa,… dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực. Hiện nay, cả nước có trên 9,2 triệu người có công được hưởng chính sách ưu đãi, trong đó, số người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng.

Chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng và hiệu quả. Tính đến hết năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội là trên 16,1 triệu người, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 6 lần so với thời điểm năm 1995. Trong giai đoạn này, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng từ 7,2 triệu lên 12,6 triệu (năm 2018) và đến cuối năm 2020 đạt khoảng 13,3 triệu người. Riêng về bảo hiểm y tế, với hệ thống chính sách và thực hiện chính sách được đổi mới đồng bộ, năm 2010, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế mới đạt 60,9% dân số thì đến năm 2020 đã đạt gần 91%, với gần 88 triệu người tham gia.

Kế thừa và phát triển các thành quả đạt được trong các kỳ đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”14. Mặt khác, Văn kiện Đại hội đã xác lập phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội là một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người”15.

Như vậy, những bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hơn 35 năm đổi mới vừa qua đã đem lại những thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những thành tựu vượt bậc về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

2. Một số vấn đề đặt ra

Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn trên, nhưng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập sau đây:

Một số chính sách xã hội chậm đổi mới, chưa sát thực tiễn, thiếu cơ sở khoa học; còn thiếu những chính sách đặc thù cho những vùng đặc thù; thiếu cơ chế chính sách điều tiết hợp lý quan hệ lợi ích, điều hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội.

Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều giữa các vùng; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm rất chậm, từ năm 2015 đến năm 2019, giảm được 0,95%; 20/63 tỉnh có tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2019 cao hơn so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ tăng 1,2 lần, từ 15,81 triệu đồng năm 2015 lên 19 triệu đồng năm 2019.

Chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, chính sách tiền lương còn mang nặng tính bình quân, không đảm bảo được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo ra được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Cải cách tiền lương tiến hành chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Chính sách bảo hiểm xã hội có mặt còn hạn chế.Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Hệ thống bảo hiểm xã hội về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách bảo hiểm xã hội với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ.Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội chậm được khắc phục.

Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập.Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế khu vực này còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặc dù tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đã được cải thiện, tăng từ 69,2% năm 2015 lên 77,2%năm 2019 nhưng hiện vẫn còn khoảng một phần năm số trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số thiếu bác sỹ, đặc biệt ở khu vực biên giới. Trên 60% số trạm y tế xã tại một số tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Khánh Hòa không có bác sỹ16.

Quản lý phát triển xã hội và giải quyết một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chưa được kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa; thể chế quản lý xã hội còn nhiều hạn chế; tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội… ở một số nơi còn chậm được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận nhân dân17.

Trong thời gian tới,cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả. Nhà nước cần tiếp tục huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội trong việc thực hiện phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, có như vậy mới có thể tạo dựng một xã hội phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, 1987, tr.86.

3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb CTQG, H, 2006, tr.100, tr.49, tr.139.

6. Sđd, t.53, tr.216.

7.Sđd, t.55, 2007, tr.398.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.113-114.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H,2001, tr.162.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.101.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011,tr.79.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam:Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG, H, 2015, tr.105

13. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016,tr.134-135.

14,15,17. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. 1,Nxb CTQG, H,2021, tr.47, tr.147-148, tr.85.

16. Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, 2020, tr.43.

 

(Nguồn: Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 8 (181), 2021)