“Thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay

08:42 07/05/2025

(HCMA3) – Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 đã ghi một dấu ấn to lớn vào lịch sử trong nước và ngoài nước, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025), Ban Biên tập Cổng TTĐT Học viện Chính trị khu vực III xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS,TS Đoàn Triệu Long & ThS Nguyễn Thị Thu Trang với chủ đề: “Thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay.



Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genevơ - 70 năm nhìn lại (1954 - 2024)” do Học viện Chính trị khu vực III tổ chức vào ngày 6/5/2024

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07-5-1954 là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang, một “thiên sử vàng” của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chiến thắng này còn là một đòn giáng quyết định về quân sự, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng ta, được đề ra từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh. 

Với chủ trương toàn dân kháng chiến, Đảng ta đã tổ chức cả nước thành một mặt trận chung kháng Pháp. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu hiện cao nhất của “thế trận lòng dân” - sức mạnh toàn dân đánh giặc trong 09 năm kháng chiến chống Pháp. 

Từ đầu tháng 12 - 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch tiêu diệt quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm đánh chắc thắng. Công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được ráo riết tiến hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà còn cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”1.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 22-2-1954, đồng chí Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị ra chỉ thị Ra sức phá tan mưu đồ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ, chỉ rõ: “Công tác trung tâm trước mắt của toàn thể quân và dân ta là tập trung lực lượng đánh thắng địch trong những trận sắp tới, tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa, làm cho kế hoạch Nava của Pháp - Mỹ phải hoàn toàn thất bại. Kiên quyết động viên nhân lực, vật lực”2.

Trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị, ngày 18-3-1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Vấn đề động viên nhân, vật lực hậu phương cần phải làm thật ráo riết, tung nhiều cán bộ để đôn đốc kiểm tra khẩn trương luôn luôn, thì mới đạt được mục đích duy trì cấp dưỡng cho bộ đội theo một trình độ tối thiểu,… Có như vậy, sức khỏe của bộ đội ta mới dẻo dai được và bảo đảm được chiến đấu liên tục”3.

Sau hai đợt tiến công vào Điện Biên Phủ, nhận rõ những thắng lợi cũng như thấy hết những khó khăn của ta về cung cấp nhân, vật lực, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra nghị quyết: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”4

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, cuộc vận động “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng” đã được triển khai rầm rộ, rộng lớn chưa từng có trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã huy động được khối lượng lớn sức người, của cải vật chất ở vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, vùng Việt Bắc, cũng như ở vùng bị tạm chiếm để chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương anh dũng mở đường, sửa đường, nêu cao tinh thần quyết tâm mở đường thắng lợi để bộ đội ta nhanh chóng kéo pháo vào trận địa. Trên 26 vạn dân công miền ngược, miền xuôi, cả vùng tự do và vùng bị tạm chiếm đã phục vụ tiền tuyến trên 14 triệu ngày công5

Từng đoàn xe đã anh dũng vượt suối, băng rừng chở 4.188.000 tấn vật phẩm cung cấp cho bộ đội đánh giặc6. Hàng vạn thuyền lớn nhỏ vượt qua thác ghềnh hiểm trở; từng đoàn ngựa thồ của các địa phương, miền xuôi miền ngược đã được huy động lên trận tuyến. Gần 30.000 xe đạp thồ và hàng chục ngàn phương tiện vận tải thô sơ được huy động, vận chuyển 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ riêng số vật phẩm đã vận chuyển được ra mặt trận là hơn 20 vạn tấn, trong đó, có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô. Riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh và góp 1.296.078 ngày công vào vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây kho7

Trong nhiệm vụ bảo đảm hậu phương, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp rất lớn: “Hội mẹ chiến sĩ” với 500.000 bà mẹ đã hăng hái tiếp lễ, nuôi dưỡng bộ đội. Trong chiến dịch, phụ nữ đã đóng góp 2.381.000 công8

Với việc kịp thời huy động sức dân, lực lượng chiến đấu của ta ở Điện Biên Phủ được tăng cường thêm 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly gồm 24 khẩu, một đại đội súng máy 12,7 ly. Tổng số bộ đội tham chiếu tại Điện Biên Phủ lên tới 53.830 người; số cán bộ và chiến sĩ được huy động cũng lên tới 3.168 người9

Không chỉ huy động được đến mức cao nhất sức người, của cải vật chất phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ - nhân tố góp phần quyết định vào thắng lợi trên chiến trường, phong trào “toàn dân đánh giặc”, “cả nước đánh giặc” đã “chia lửa” cùng với Điện Biên Phủ, vì Điện Biên Phủ.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã trở thành một hình thức đối phó mới nhất, cao nhất, mạnh nhất trong kế hoạch chiến lược của thực dân Pháp - kế hoạch Nava. Muốn phá tan kế hoạch Nava và giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ thì sự phối hợp tác chiến giữa các chiến trường, giữa tiến công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị quần chúng trên các mặt trận chính diện cũng như vùng địch hậu có ý nghĩa quan trọng.

Nhằm phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng đã kịp thời ra chỉ thị: “Để tranh thủ tiêu diệt và tiêu hao thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa ở các chiến trường và phối hợp chặt chẽ với mặt trận Điện Biên Phủ, cả chiến trường toàn quốc phải ra sức đẩy mạnh hoạt động một cách liên tục trong một thời gian dài, và phải quán triệt phương châm đánh “đánh nhỏ ăn chắc”. Phải triệt để lợi dụng sơ hở và khó khăn của địch mà mở rộng chiến tranh du kích, triệt phá những đường giao thông vận tải quan trọng và những kho tàng của địch”10. Thực hiện chủ trương của Đảng, trên khắp chiến trường cả nước, quân và dân ta đẩy mạnh các cuộc tiến công và nổi dậy, kết hợp tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục của các lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng chính trị quần chúng, của đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị khắp các chiến trường và trên các địa bàn chiến lược, ở mặt trận chính diện cũng như vùng địch hậu đã “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần làm thất bại kế hoạch Nava.

Bước vào chiến cuộc Đông Xuân năm 1953 - 1954, trong khi quân ta mở một loạt cuộc tiến công vào những hướng quan trọng và tương đối sơ hở của địch ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Kon Tum, Bắc Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ, và tiến công vào Điện Biên Phủ thì nhân dân đã nổi dậy mạnh mẽ ở nông thôn và thành thị phá tề trừ gian, phá ách kìm kẹp, xây dựng chính quyền cách mạng trong các vùng mới giải phóng. Ở mặt trận Lai Châu, cùng với thắng lợi của chủ lực, tiêu diệt, bức hàng 24 đại đội địch, đập tan kế hoạch của địch rút quân ở Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ, nhân dân đã nổi dậy giành quyền làm chủ ở toàn bộ khu vực Lai Châu. Ở Tây Nguyên, quân và dân ta đã tiến công và nổi dậy, tiêu diệt tiểu khu Măng Đen (tiểu khu mạnh nhất ở vùng này), tiểu khu Đắc Tô và giành quyền làm chủ ở toàn bộ phía bắc tỉnh Kon Tum. Ở Bình Trị Thiên và Nam Bộ, được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội, nhân dân đã diệt tề nguỵ, mở rộng căn cứ du kích và khu du kích. Ở Đồng bằng Bắc Bộ, sau khi phá vỡ phòng tuyến địch ở sông Đáy, bộ đội ta cùng nhân dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy trên nhiều vùng suy yếu của Đồng bằng Bắc Bộ. Quân và dân ta đã tiêu diệt và phá ách kìm kẹp của địch ở Hoàng Đan (Hà Nam), La Tiến, Từ Sơn (Bắc Ninh)…, bức địch phải rút bỏ nhiều vị trí quan trọng ở Cầu Bố (Bắc Giang), Diêm Điền, Cao Mai (Thái Bình), Kinh Môn (Hải Dương), Phù Lưu Tế (Hà Đông).

Phong trào nổi dậy trong các thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các hoạt động của lực lượng vũ trang trên các chiến trường. Hơn một tuần lễ trước khi bộ đội chủ lực của ta nổ súng, mở đầu đợt tiến công vào lập đoàn cứ điểm Điện Biện Phủ, các lực lượng biệt động phối hợp với công nhân đột nhập và tiến công 2 sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và Cát Bi (Hải Phòng) phá hủy nhiều máy bay, một kho xăng và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Việc quân dân ta tiêu diệt một số lớn máy bay địch đã làm cho lực lượng không quân của thực dân Pháp bị suy yếu và góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phong trào toàn dân đánh giặc trên khắp cả nước không những làm thất bại âm mưu bình định của địch mà còn giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động của chúng, không cho chúng điều thêm binh lực để tiếp viện cho Điện Biên Phủ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiếu lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chỉ thị gửi Tổng Quân ủy, các Liên khu ủy và Khu ủy (ngày 8-2-1954), đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đánh giá: Từ khi bắt đầu Thu Đông năm 1953 đến nay, trên khắp các chiến trường toàn quốc và chiến trường Lào - Miên quân ta hoạt động mạnh và đều... Hoạt động mạnh và thắng lợi của quân ta trên khắp các chiến trường đã làm cho địch không những không thực hiện được kế hoạch tập trung lực lượng cơ động hòng giành lại thế chủ động đã mất trên chiến trường chính, mà trái lại địch càng đi sâu vào thế bị động, phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó ở nhiều nơi và sơ hở ở vùng sau lưng chúng, tạo cho ta điều kiện thuận lợi để tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch. Nếu ta triệt để lợi dụng khó khăn và nhược điểm của địch và quân dân toàn quốc cố gắng hơn nữa, các chiến trường toàn quốc phối hợp tác chiến mạnh mẽ và liên tục, đánh cho địch thêm nhiều đòn nặng thì tình hình quân sự giữa ta và địch nhất định sẽ phát triển theo hướng thuận lợi lớn cho ta và rất bất lợi cho địch: ta sẽ phá tan kế hoạch Nava của địch”11.

Lời hiệu triệu “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên quyết tâm sắt đá và tạo nên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, người Việt Nam yêu nước nào cũng trở thành chiến sĩ giết giặc, địa phương nào cũng hóa thành trận địa vùi xác quân thù.

Với đường lối, phương châm toàn dân kháng chiến, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ không những quân đội mà toàn dân đều đánh giặc. Với mô hình tổ chức ba thứ quân, ta tạo nên lực lượng và thế trận đánh địch tại khắp các xóm làng, đường phố, tại các địa phương và trên chiến trường cả nước, thực hiện triệt để quan điểm “toàn dân đánh giặc”; không những vùng tự do đánh giặc mà vùng tạm chiếm cũng đánh giặc; đồng bào nông thôn đánh giặc, đồng bào thành thị cũng đánh giặc; miền xuôi đánh giặc, miền núi cũng đánh giặc; nam đánh giặc, nữ đánh giặc; thanh niên đánh giặc, phụ lão, thiếu nhi cũng đánh giặc. 

Trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, một cuộc đọ sức toàn diện nhất, quyết liệt nhất giữa ta và thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi là vì cả dân tộc Việt Nam với 25 triệu người tiến hành kháng chiến. 

70 năm trôi qua, song tinh thần và những bài học kinh nghiệm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong đó bài học về “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạng tổng hợp của dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vẫn còn sống mãi với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genevơ - 70 năm nhìn lại (1954 - 2024)” do Học viện Chính trị khu vực III tổ chức vào ngày 6/5/2024 

Hiện nay, bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; đan xen cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, đối với sự nghiệp đổi mới nói chung và đối với đường lối xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân nói riêng. Lợi dụng quá trình mở cửa, hội nhập, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, gây thù hằn tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta; khoét sâu các mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, kích động biểu tình, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị - xã hội. Đặc biệt, chúng đang tìm cách chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân; đối lập Nhân dân với lực lượng vũ trang; chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, phá hoại liên minh công - nông - trí; kích động chống đối, làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Trên bình diện quốc tế, các mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn tồn tại. Tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; hoạt động ly khai, can thiệp lật đổ, khủng bố diễn ra quyết liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khu vực, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. 

Trong bối cảnh mới, bên cạnh việc đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, phải lấy “tinh thần yêu nước” để quy tụ lòng dân, tập hợp, đoàn kết “mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước” nhằm “tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”

Để phát huy vai trò, sức mạnh và tiềm năng to lớn của Nhân dân thì trước hết phải tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, củng cố vững chắc thế trận lòng dân”, trong đó “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân”Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ đó ngày càng khăng khít, đảm bảo ý Đảng luôn phù hợp với lòng dân. Bằng nhiều hoạt động thiết thực cụ thể, với nhiều hình thức vận động phong phú, đa dạng thông qua các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, hiểu biết về đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, đưa đất nước phát triển.

Hình thức và phương pháp đoàn kết, tập hợp, phát huy vai trò của Nhân dân phải được đổi mới để bảo đảm tính thực chất và hiệu quả. Các hình thức tập hợp Nhân dân phải đa dạng, lấy các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt. Các phương thức và khẩu hiệu hành động phải phù hợp với từng đối tượng.

Đoàn kết, huy động sức dân không chỉ trong tổ chức thực hiện đường lối, mà còn thể hiện ngay từ khâu hoạch định đường lối, làm cho đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phản ánh được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, kết tinh được trí tuệ, sáng kiến của Nhân dân; xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. 

Tuyệt đối tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy vai trò, tạo điều kiện, cơ hội để Nhân dân tham gia thảo luận, góp ý những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. 

Giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Tổ chức và động viên, quy tụ Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo. 

Tăng cường công tác phòng, chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Tác giả: PGS,TS Đoàn Triệu Long & ThS Nguyễn Thị Thu Trang

Học viện Chính trị khu vực III

(Nguồn: Tạp chí Sinh hoạt lý luận số 3/2024)

----

Ban Biên tập Cổng TTĐT

1. Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (tháng 12 -1953).

2, 4, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 15, Nxb CTQG - ST, H, 2001, tr. 32, 88, 90, 14.

3. Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng: Thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị (ngày 19-3-1954), t. 6, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tr. 139.

5, 7, 9. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (trực thuộc Bộ Chính trị): Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 202, 202, 552 -553.

6. Ban khoa học hậu cần: Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ Đông Xuân 1953 - 1954, Tổng Cục Hậu cần, 1979, tr. 566.

8. Nguyễn Thị Thập (Chủ biên): Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, t. 1, Nxb Phụ nữ, H, 1980, tr. 161.



 

Tổng biên tập