Học viện Chính trị khu vực III trong hành trình ứng dụng chuyển đổi số và phong trào “Bình dân học vụ số”

15:00 02/04/2025

(HCMA3) - Sáng ngày 01/4/2025, Học viện Chính trị khu vực III đã tổ chức Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo dành cho 70 cán bộ, giảng viên của Học viện. Đây là khoá học được tổ chức trong 15 ngày do các chuyên gia của Trung tâm phát triển phần mềm Đại học Đà Nẵng trực tiếp huấn luyện, đã đạt được kết quả rất tốt, tạo nên sự phấn khởi, hứng thú của cán bộ, giảng viên khi tiếp cận với các tri thức về chuyển đổi số, đặc biệt là trong thực hành ứng dụng AI vào các công việc cụ thể, từ quản lý, hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho tới xây dựng nội dung bài giảng, slide thuyết trình.

 

PGS,TS Đoàn Triệu Long

Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III


Bế giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Kết quả và kỳ vọng

Việc tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, một mặt thể hiện sự quan tâm sâu sát, thiết thực của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực III trong việc tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện chuyển đổi số; mặt khác, kết quả của khoá học cũng đã tạo nên những chuyển biến, thay đổi rất tích cực trong hành trình tiếp cận công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo của cán bộ, giảng viên.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, Học viện Chính trị khu vực III luôn nỗ lực triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý điều hành, đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Học viện đã chủđộng xây dựng các phần mềm để ứng dụng trong công tác quản lý đào tạo và quản lý khoa học. Trong nhiều cuộc họp, hội nghị, Học viện đã sử dụng công nghệ thông tin, cung cấp tài liệu phục vụ các cuộc họp, hội nghị mà không sử dụng các tài liệu giấy. Đồng thời, đã tiếp nhận, triển khai vận hành hệ thống quản lý Học viện thông minh cùng các phần mềm quản lý chuyên sâu và tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm cho toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động. Trên cơ sở đó, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tổ chức cho cán bộ tiếp cận, ứng dụng vào công việc thực tế của mình.

Với những bước đi bền bỉ và quyết liệt, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ từng được cho là lĩnh vực lạ lẫm, khó triển khai đã từng bước trở thành công cụ hữu ích cho nhiều hoạt động của nhà trường.

Những kết quả đạt được trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực công tác của Học viện Chính trị khu vực III là điều đáng mừng, đáng trân trọng. Song, so với yêu cầu thực tiễn, những kết quả đó cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một hành trình dài với không ít khó khăn, thử thách ở phía trước.

 Quyết tâm và giải pháp

Trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, thời gian tới, Học viện Chính trị khu vực III sẽ đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn thể cán bộ, giảng viên; qua đó ngày càng nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giảng viên, bảo đảm mỗi cán bộ sẽ trở thành một nhân tố tích cực trong tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, Học viện sẽ phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bởi chuyển đổi số chỉ có thể thực hiện thành công khi các cấp uỷ Đảng, người đứng đầu trực tiếp tham gia và quyết tâm, đi đầu.

Bên cạnh đó, Học viện sẽ phối hợp chặt chẽ với các Học viện, các trường chính trị trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên để chia sẻ kinh nghiệm, đồng bộ hóa hệ thống quản trị và đào tạo số, tạo nên một mạng lưới kết nối hiệu quả. 

Đặc biệt, Học viện Chính trị khu vực III sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và Hội nghị về chuyển đổi số trong hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới diễn ra ngày 02/4/2025, để: Từ việc nâng cao ý thức cho toàn thể cán bộ cho đến khai thác hiệu quả hệ thống phần mềm thuộc Dự án Học viện thông minh; Từ việcđưa tinh thần học tập suốt đời vào “Bình dân học vụ số”, cho đến lấy kết quả của công tác này làm một trong những căn cứ để đánh giá trong thi đua - khen thưởng. Đồng thời, sẽ nỗ lực khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của người cán bộ trường Đảng, biến đó thành những hành động thiết thực trong công tác Chuyển đổi số.

 

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu phát động phong trào "Bình dân học vụ số" và khai mạc Hội nghị

Để phong trào “Bình dân học vụ số” và công tác chuyển đổi số tiếp tục đạt được nhiều kết quả, cần lưu ý một số vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống Học viện. Đồng thời, cần có sự đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Bảo đảm hệ thống hạ tầng mạng, dữ liệu nội bộ đạt chuẩn, ổn định, an toàn.

Thứ hai, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống Học viện bởi con người là yếu tố then chốt, quyết định thành công của chuyển đổi số. Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ hiện nay, việc cập nhật kiến thức, kỹ năng số cần trở thành một quá trình thường xuyên, liên tục, vừa là trách nhiệm của cơ quan quản lý vừa là yêu cầu tự thân của mỗi cán bộ, giảng viên nếu không muốn bị “bỏ lại phía sau”.

Thứ ba, một mặt cần xây dựng một Cổng Thông tin điện tử do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quản lý để sử dụng chung; mặt khác, trao quyền tham gia quản trị rõ ràng và đủ mạnh cho các Học viện thành viên trong quản lý, vận hành. 

Thứ tư, cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các chuyên gia làm công tác công nghệ thông tin để thu hút, giữ chân đội ngũ có chuyên môn cao trong lĩnh vực này về làm việc trong hệ thống Học viện. 

Việc phổ biến Bình dân học vụ số là rất quan trọng. Và đương nhiên, chúng ta cũng cần suy ngẫm bước tiếp theo và sâu hơn sau khi đã hoàn thành “Bình dân học vụ số” và phải làm gì để Ứng dụng sâu chuyển đổi số vào việc thực hiện sứ mệnh đặc thù của hệ thống Trường Đảng, từ đó giúp cho mỗi cán bộ, viên chức thực sự vươn mình lên một tầm cao mới trong sứ mệnh của mình! Để làm được điều này, ngoài tầm nhìn, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì chắc chắn vai trò của đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin có chuyên môn cao là rất quan trọng.

Thứ năm, ngoài nguồn kinh phí của dự án, cần phải có nguồn kinh phí chi thường xuyên để các đơn vị trực thuộc chủ động, tự chủ trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm đặc thù riêng phục vụ cho công việc chuyên môn, quản lý, điều hành của mỗi đơn vị; đồng thời tiến hành bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp thiết bị công nghệ thông tin, cước phí viễn thông và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để hệ thống được duy trì và hoạt động thông suốt.

Với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao, Học viện Chính trị khu vực III sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện tốt Phong trào “Bình dân học vụ số”, triển khai thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ mà GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đã phát động và chỉ đạo.

Ban Biên tập Cổng TTĐT

Tổng biên tập