Số trang: 1.185 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2023
Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa được Đảng ta xác định là một nội dung lớn, quan trọng và thiết thực; là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Thể chế là vấn đề tổ chức bộ máy, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khung khổ, hành lang pháp lý cho việc vận dụng và phát triển nền văn hóa quốc gia. Chính sách văn hóa là tổng thể các nguyên tắc hoạt động thể hiện đường lối phát triển văn hóa của quốc gia được thực hành thông qua các biện pháp mang tính can thiệp và định hướng vào quá trình phát triển văn hóa. Thể chế, chính sách là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển văn hóa; bảo đảm cho việc phân bổ hợp lý các nguồn lực để phát triển văn hóa. Nguồn nhân lực, vật lực được coi là điều kiện cần để xây dựng nền văn hóa quốc gia, dân tộc; là “lực lượng sản xuất” để tạo ra những sản phẩm văn hóa, giá trị văn hóa, trong đó con người luôn là nguồn lực trung tâm, quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa thể chế, chính sách và nguồn lực là mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ với nhau.
Thời gian qua, công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhiều chính sách văn hóa đã được ban hành, tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa. Nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được bảo đảm tốt hơn; nguồn lực huy động từ các doanh nghiệp, xã hội cho phát triển văn hóa được tăng cường… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoàn thiện thể chế, vẫn còn một số bất cập, yếu kém như: Thể chế văn hóa chậm đổi mới, chưa triển khai đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển; hệ thống chính sách về văn hóa còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp; các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa còn hạn chế, chưa thực sự tạo ra động lực cho các chủ thể tham gia phát triển văn hóa; nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ làm công tác văn hóa còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; nguồn lực nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa còn tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa.
Nhằm cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý trong việc xây dựng, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh Bắc Ninh xuất bản cuốn sách “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” (Kỷ yếu Hội thảo quốc gia).
Cuốn sách tập hợp các bài phát biểu, vài viết của các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các tổ chức, cơ quan trong lĩnh vực văn hóa… Trong đó đề cập toàn diện các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa cả trước mắt và lâu dài; làm sáng tỏ các cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, đề xuất các chính sách và giải pháp đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn quan trọng trong thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Bố cục sách gồm bốn phần:
Phần thứ nhất: Phát biểu chỉ đạo và báo cáo tổng thuật
Phần thứ hai: Tham luận của bộ, ngành, cơ quan Trung ương
Phần thứ ba: Tham luận của địa phương
Phần thứ tư: Tham luận của chuyên gia
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
Ban Biên tập Cổng TTĐT
(Trung tâm Thông tin khoa học thực hiện)
Tổng biên tập